Ở tuổi ngoài bốn mươi, Hứa Vĩ Văn với đôi mắt buồn nhưng miệng lại rất hay cười, tâm sự về nỗi buồn và niềm vui một cách tự nhiên và chân thành bằng những trải nghiệm của mình.
Khi Hứa Vĩ Văn mở triển lãm cá nhân lần thứ ba, tôi nghĩ sẽ phỏng vấn anh về một “họa sĩ” đã làm ba triển lãm trong một năm, nhưng rồi cuộc trò chuyện nghiêng nhiều về điện ảnh – cái đích mà anh hướng tới. Dù vậy, vẽ vẫn là một góc khác khá thú vị của con người Hứa Vĩ Văn, ở đó là một nghệ sĩ có miêu tả nỗi buồn của mình nhưng không tuyệt vọng hoặc ngược lại, ở những bức tranh trong triển lãm Phù hoa cơ bản là những màu sắc tươi sáng vẫn có vài gam màu buồn.
Anh chưa bao giờ nghĩ rằng mình là họa sĩ và cũng không muốn người khác gọi mình bằng cái danh ấy nhưng màu, toan, cọ và giá vẽ… là một thế giới khác mà anh muốn được chìm đắm vì ít bị xung quanh tác động. Dạo chơi với hội họa trong khoảng thời gian Sài Gòn giãn cách, kịp làm một số hoạt động ý nghĩa từ tranh, sau đó Hứa Vĩ Văn vẫn trở về với điện ảnh.
Phóngviên: Nếu không có những biến cố từ gia đình và xã hội, chẳng hạn như dịch bệnh vừa qua, thì anh có cầm cọ vẽ không?
Diễn viên Hứa Vĩ Văn: Thật ra thì không liên quan nhưng nó lại chính là chất xúc tác để tôi bày tỏ những cảm xúc chất chứa trong lòng. Nói vậy là vì mỹ thuật chính là ngành tôi được học nhưng rồi cuộc sống tất bật của một diễn viên khiến tôi quên hẳn, không có cơ hội để vẽ. Đã hai mươi năm không cầm cọ, nếu không có giãn cách xã hội thì có lẽ tôi cũng chẳng quay lại với hội họa.
Thời gian đó, tôi ở nhà suốt không biết làm gì nên lên mạng đặt “đồ nghề”, hằng ngày lấy cọ ra vẽ và đã có ba triển lãm: Vùng mơ, Vùng yên và Phù hoa như bạn biết. Tôi không có ý định làm họa sĩ hay vẽ tranh triển lãm gì cả. Bạn bè thấy tôi vẽ nhiều nên khuyên mở triển lãm lấy tiền làm từ thiện. Tôi thấy có lý và kết thúc triển lãm đầu tiên, bán tranh được 145 triệu đồng, tôi dùng để ủng hộ các anh chiến sĩ biên giới và trao học bổng cho các bé học sinh người Khmer.
Lúc các khu phố của Sài Gòn bị phong tỏa, tôi cũng năn nỉ bạn bè mua tranh của mình và lấy tiền đó mua đồ ăn gửi những người ở đó. Toàn bộ số tiền có được từ tranh tôi đều làm thiện nguyện. Khi sự bí bách và năng lượng tiêu cực gần như tràn khắp thành phố thì việc lan tỏa năng lượng tích cực rất quan trọng, làm được điều ý nghĩa vậy tôi rất vui.
Với hội họa, Hứa Vĩ Văn tận hưởng niềm vui mỗi khi pha được những sắc màu ưng ý và thể hiện được suy nghĩ của mình |
* Anh vẽ tranh trở lại trong tâm trạng thế nào?
– Tôi vẽ với rất nhiều cảm xúc nhưng không mang tâm trạng bi quan hay cảm thấy bi kịch gì cả. Khi ấy, tôi tận hưởng niềm vui mỗi khi pha được những sắc màu ưng ý và thể hiện được suy nghĩ của mình. Tôi biết bạn muốn hiểu tâm trạng tôi cầm cọ trong bối cảnh Sài Gòn giãn cách. Cuộc sống tôi đã trải qua nhiều biến cố, nhất là phải vĩnh viễn chia lìa những người thân trong gia đình, nên trái tim tôi vỡ vụn rồi, không thể tan nát hơn nữa, những gì Sài Gòn đã trải qua tôi chịu được. Nhưng, để “chống lại” không khí ấy, tôi muốn lan tỏa điều gì đó khiến cho mọi người vui hơn một chút nên bên cạnh vẽ tranh, tôi thường nấu ăn và rủ rê mọi người làm cùng.
* Nếu không có lời động viên từ bạn bè và những chuyến từ thiện, thì liệu sẽ có những triển lãm thứ hai và ba không?
– Tôi là diễn viên, không muốn đạp chân hai bên nhưng vì tôi vẽ tranh nhiều quá và Artcific House muốn tập trung chúng để bán online trên website của họ, khách mua nhiều lắm. Artcific, trước đó không chuyên về galerie mà chuyên bán tranh, nói bên này sắp là phòng tranh và mời tôi làm triển lãm. Đó là triển lãm thứ hai của họ và thứ ba của tôi. Tôi vẽ, triển lãm, bán tranh và làm từ thiện, mọi chuyện đều đến tự nhiên như vậy. Điều quan trọng, tôi vẽ vì có cảm hứng, tranh thủ chứ rủi hết hứng thì sao! Nói vui vậy chứ, hiện giờ tôi phải “khóa” cảm hứng này lại để lo cho các dự án điện ảnh, cứ “lo ra” là không làm phim được.
Tại triển lãm Phùhoa |
* Anh có tốn công để tìm hiểu khách hàng của mình không? Họ mua tranh anh vì điều gì?
– Ở triển lãm đầu tiên, phần nhiều là bạn bè mua ủng hộ, tôi biết điều đó. Nhưng ở triển lãm thứ hai, có một vị khách người nước ngoài, là hiệu trưởng một trường học ở quận 7, mua tranh mà không hề biết tôi là diễn viên. Ông mua tranh vì thích. Tôi vui lắm nên tự đùa: “Ồ, mình cũng có khách chứ không giỡn đâu nha”. Đợt triển lãm thứ ba, trước khi tranh được trung bày thì có một người khách lạ ở Singapore đã đặt mua sáu bức. Tôi thấy ít ra tranh mình cũng có người thưởng thức, tôi có vẽ bậy bạ đâu.
* Khi đọc một số thông tin về anh, tôi tưởng tượng anh nói chuyện buồn lắm nhưng thực tế thì ngược lại, điều gì khiến anh giữ được những suy nghĩ tích cực?
– Chắc chắn mỗi người tự nuôi dưỡng suy nghĩ tích cực qua những trải nghiệm trong từng giai đoạn sống chứ không ai dạy được. Thật ra, đức Phật và chúa Jesus đã dạy ta thoát khỏi buồn đau, bi lụy từ lâu lắm rồi mà chúng ta đâu có chịu nghe lời, chỉ khi gặp chuyện chúng ta mới nghĩ đến những lời dạy đó. Mỗi khi gặp một biến cố, trong đầu luôn nghĩ: “Keep going!”, mình có thể buồn, thậm chí là bi lụy, nhưng quan trọng là bao lâu, buồn hoài đâu được, phải tiếp tục sống tốt chứ”. Tôi có kinh nghiệm đối mặt với đau thương nên lúc nào cũng muốn lan tỏa điều tích cực đến những người xung quanh.
* Nhưng làm thế nào để suy nghĩ tích cực tự nhiên nhất, đừng bắt mình phải cố lên hay mạnh mẽ?
– Cuộc sống không vui hoài được, tranh tôi cũng luôn có màu đen đan xen màu sáng. Nhưng tôi cảm nhận được những người mang trái tim vụn vỡ thì thường có lòng yêu thương nhiều hơn, vì họ biết thổn thức và dễ cảm nhận mất mát, đau thương của người khác. Khi bạn có một nỗi buồn thì chính nỗi buồn cho biết rằng tâm hồn mình đang đẹp, con tim vẫn biết thổn thức. Hãy giữ lấy nỗi buồn ấy và bạn sẽ biết trân trọng điều tuyệt vời trong tương lai.
Tôi cứ để thoải mái, tùy cái tâm của mình muốn như thế nào. Đừng hy vọng làm bản thân vui, làm cho người xung quanh vui thì tự mình thấy vui, đó là chìa khóa để tôi sống. Khi sống vì người khác tôi sẽ suy nghĩ tích cực còn sống vì mình thì dễ ngập ngụa trong nỗi buồn. Làm được gì có ích cho gia đình và xã hội tôi sẽ thấy vui. Nói nghe hơi sến nhưng rõ ràng là vậy.
Tại triển lãm Phùhoa |
* Hứa Vĩ Văn khi vẽ có khác với Hứa Vĩ Văn ở phim trường không?
– Vẫn là tôi thôi, tại mọi người chưa hiểu mình nên bất ngờ khi nghe Hứa Vĩ Văn biết vẽ và tưởng tượng ra tôi ở hai nơi như hai người khác nhau. Tôi không cố tình bày ra cho khán giả mà dần dần họ sẽ tự nhiên “thấy” Hứa Vĩ Văn rõ hơn. Khi mới vào nghề, khán giả biết tôi là ca sĩ và người mẫu nhưng thời đó tôi làm để kiếm tiền học mỹ thuật chứ đó không phải là tất cả con người tôi. Phim ảnh mới là đích đến của tôi và hội họa là nơi để quay trở về.
Khi vẽ tranh tôi cảm nhận được mình nhiều hơn, nhìn thấy bản ngã của mình. Có thể mọi người không nghĩ tôi như vậy nhưng tôi chơi rất hợp với những nghệ sĩ underground. Tôi là nghệ sĩ (artist) chứ không phải người nổi tiếng có sức hút với truyền thông (celebrity), ở tôi không toát lên màu đó.
* Vẽ tranh, đóng phim, nấu ăn, làm từ thiện… có vẻ đang là giai đoạn anh có thể tự do làm điều mình thích?
– Có lẽ bạn đúng, nhưng “dễ thở” hơn ở lĩnh vực điện ảnh là điều khiến tôi vui nhất. Vị trí của tôi ở điện ảnh đã tốt hơn xưa. Trước kia, tôi không có quyền chọn kịch bản hay ê-kíp, chỉ cần có công việc làm là tốt rồi. Sau một quá trình nỗ lực, khi đã có những dấu ấn nhất định ở các vai diễn thì tôi không muốn bị mất khán giả. Giữ được khán giả rất khó, tôi cố gắng giữ năm này qua tháng nọ bằng những bộ phim tốt để khán giả tin cái tên của mình trên poster vì họ quý những hành động của mình chứ không phải là sự ồn ào.
Ví dụ, trước đó tôi đã tham gia ba phim hay rồi nhưng đến phim thứ tư, tôi vẫn có cảm giác phải chinh phục lại từ đầu để củng cố niềm tin khán giả. Một năm có khoảng mười phim hay so với 50 phim dở thì không thể trách khán giả hoài nghi. Trách nhiệm của tôi bây giờ là làm tốt bản thân, cố gắng giữ sự cân bằng trong giới nghệ thuật cho nơi này đẹp trở lại và nghĩ xem cống hiến được gì cho xã hội vì ít nhiều mình cũng là người có ảnh hưởng nhất định với khán giả của mình.
* Nếu anh muốn là một diễn viên chinh phục những khán giả coi phim có chọn lựa, họ coi vì nhân vật mà Hứa Vĩ Văn thể hiện chứ không phải vì cái tên Hứa Vĩ Văn thì phải chấp nhận hành trình gian nan ấy.
– Và diễn viên có chọn lựa thì đếm tới đếm lui chỉ đủ trên ngón tay, đa số diễn viên sẽ làm nhiều thứ nhưng thật ra rất ít chọn lựa. Khi chúng tôi đã chọn lựa thì nhà sản xuất sẽ hiểu nhưng đồng thời cũng sẽ khắt khe hơn với mình. Họ biết chúng tôi chọn kịch bản, đạo diễn và ê-kíp… các yếu tố tạo nên một tác phẩm tốt để cộng tác. Tiền bạc thì mơ hồ, bạn có thể chọn một phim dở và được trả 1 tỷ nhưng tôi không như vậy mà lưu tâm đến con người nên trước một dự án luôn đặt câu hỏi rằng: “Mình sẽ làm việc với ai?” để có thể phát huy mình.
* Thái độ ấy đối với nghề nghiệp được định dần dần hay đã có sẵn trong con người anh?
– Đó là cả một quá trình, chắc chắn gian nan. Hồi trẻ tôi bồng bột lắm lại rất “ta đây” vì nghĩ mình còn trẻ, có thể làm được nhiều thứ chứ không biết chọn lựa để tạo dựng. Tôi thường nghĩ: “Tôi có thể làm được nhiều vai, bạn cứ mời tôi đi”, hậu quả là gặp thất bại ngay lập tức. Tôi mất các mối quan hệ và không thể tỏa sáng nên mất luôn khán giả, rõ ràng không có tôi điện ảnh Việt Nam không hề bị ảnh hưởng gì. Chính những thất bại cho tôi suy nghĩ phải ngưng lại hết mọi thứ, từ phim truyền hình cho đến điện ảnh và đặt cho mình vài câu hỏi: Chuyện gì đang xảy ra? Mình đang gặp khó khăn gì? Nguyên nhân từ đâu?… Đó là lúc tôi thật sự mất phương hướng.
Ngay cả bạn bè cũng không tin tưởng tôi, họ hoài nghi: “Chắc Văn không hợp với điện ảnh đâu, Văn không làm được đâu, không thể nổi tiếng đâu”. Tôi buồn lắm. Mất rất nhiều thời gian, có một ánh sáng lóe lên trong tôi, như một dấu hiệu báo cho biết tôi phải làm gì. Tôi đọc về lý lịch của diễn viên kỳ cựu Hollywood là Daniel Day Lewis. Ông đóng tám phim trong vòng 12 năm, nhận về hai giải Quả cầu vàng, ba giải Oscar và bốn giải của BAFTA, quá khủng khiếp. Điều đó kích thích tôi ghê gớm, tôi tự nhủ mình không giống như mọi người đang nhìn, mình có những tố chất mà chưa ai nhìn thấy được.
Tôi tìm đường đi ở phim điện ảnh, bắt đầu lại bằng những vai nhỏ và chỉ chuyên tâm vào các dự án điện ảnh, không tham gia phim truyền hình, game show. Trong vòng ba năm, các phim tôi tham gia như Em là bà nội của anh, Tiệc trăng máu… đều được đánh giá tốt và có doanh thu trên 100 tỷ đồng. Các nhà sản xuất thấy được điều đó, cho nhiều cơ hội hơn và tôi tiếp tục được làm việc với những người giỏi. Nếu không cố gắng thì không ai chọn lựa mình và khán giả cũng không đón nhận.
* Anh có mang quan điểm mình chỉ là diễn viên có giá trị khi ghi được tên ở phim điện ảnh không?
– Tôi chỉ đơn thuần muốn tìm một sân chơi chuyên nghiệp và trân trọng diễn viên hơn. Lúc đó, phim truyền hình rơi vào tình trạng “mì ăn liền”, người làm phim không trân trọng nghề nên tôi mất hứng. Trong khi, điện ảnh lại bắt đầu được đầu tư rất tốt, từ kinh phí làm phim đến hệ thống rạp chiếu. Hơn nữa, ở các đoàn phim điện ảnh, tinh thần làm việc nhóm rất cao, tên ai đứng trước hay sau không quan trọng, đóng vai chính hay vai phụ cũng không sao, tất cả đều hỗ trợ nhau. Đó là điều tôi thích.
“Cuộc sống không vui hoài được, tranh tôi cũng luôn có màu đen đan xen màu sáng. Tôi cảm nhận được những người mang trái tim vụn vỡ thường có lòng yêu thương nhiều hơn vì họ biết thổn thức và dễ cảm nhận nỗi mất mát, đau thương của người khác. Khi bạn có một nỗi buồn thì chính nỗi buồn cho biết rằng tâm hồn mình đang đẹp, con tim vẫn biết thổn thức. Hãy giữ lấy nỗi buồn ấy và bạn sẽ biết trân trọng điều tuyệt vời trong tương lai. Tôi cứ để thoải mái, tùy cái tâm của mình muốn như thế nào. Đừng hy vọng làm bản thân vui, làm cho người xung quanh vui thì tự mình thấy vui, đó là chìa khóa để tôi sống. Khi sống vì người khác, tôi sẽ suy nghĩ tích cực còn sống vì mình thì dễ ngập ngụa trong nỗi buồn. Làm được gì có ích cho gia đình và xã hội, tôi sẽ thấy vui. Nói nghe hơi sến nhưng rõ ràng là vậy!”. Hứa Vĩ Văn |
* Những người nào đã cho anh bài học quý giá ở lĩnh vực điện ảnh?
– Người cho tôi cơ hội đầu tiên là đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Khi ấy, Linh giữ vai trò sản xuất và đã giới thiệu tôi với các nhà sản xuất. Khi Linh làm phim đầu tay Em là bà nội của anh, tôi cũng có tham gia. Quang Huy (Công ty Wepro) là người thứ hai và người đặc biệt nhất, luôn ở đằng sau ủng hộ tôi là anh Trinh Hoan (HK Phim). Tôi rất cảm ơn những người này.
Còn người cho tôi bài học sâu sắc trong cách làm việc là anh Thái Hòa. Sự nghiêm khắc trong từng vai diễn của anh khiến tôi kính nể, ở anh không có sự hời hợt. Khi nhận một vai diễn, anh đều phân tích rất kỹ từng chút một, từ bước đi, cách thoại cho tới nhịp thở của nhân vật… Các bạn trẻ hơn như Thu Trang, Kiều Minh Tuấn và Kaity Nguyễn đều tài năng và tươi mới, làm việc với họ tôi thấy mình như một cái cây được tưới nước đủ đầy, rất hứng phần.
* Nghe đầy cảm hứng, nhưng liệu có gì ở điện ảnh khiến anh tiếc nuối đến giờ này không?
– Đó là thời gian đã lấy mất tuổi trẻ của tôi. Lúc tôi còn thanh niên, trai trẻ thì không có vai hay, giờ có kịch bản hay thì tôi… già rồi. Giả sử tôi trẻ thì đã đóng vai của Sơn Tùng trong phim Chàng trai năm ấy rồi (cười). Nói vui vậy chứ giờ tôi đang tận tưởng với những vai hay ở tuổi trung niên.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Lam Hạnh (thực hiện)
Ảnh: Nhân vật cung cấp
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/dien-vien-hua-vi-van-hay-giu-lay-noi-buon-a1467815.html” name=””]