Giám đốc kinh doanh của Christian Dior đã đệ đơn kiện hãng thời trang Italia, yêu cầu số tiền bồi thường 100.000 euro phải trả trong 15 ngày.
Tuần trước, Valentino đã tổ chức buổi trình diễn thời trang Haute Couture Thu – Đông 2022 tại Bậc thang Tây Ban Nha (Spanish Steps) tại Rome. Sự kiện này khiến đường phố tắc nghẽn và gián đoạn giao thông, gây hậu quả tiêu cực cho hoạt động kinh doanh của một số cửa hàng xung quanh, trong đó có flagship của Dior.
Trước tình hình đó, giám đốc kinh doanh của Christian Dior đã đệ đơn kiện hãng thời trang Italia, yêu cầu số tiền bồi thường 100.000 euro phải trả trong 15 ngày. Theo đội ngũ quản lý chuỗi cửa hàng flagship của thương hiệu, việc kinh doanh của Dior đã bị cản trở vì khách hàng không được phép đi qua những chốt chặn, khiến cửa hàng của họ không thể đón khách và kinh doanh từ đầu giờ chiều.
Tuy nhiên, thực tế là Valentino đã được cấp các giấy phép cần thiết để tổ chức buổi trình diễn thời trang của mình tại Spanish Steps. Họ cũng đã gửi một thông báo chính thức cho các nhà bán lẻ lân cận trước buổi biểu diễn rằng ”cần nghĩ ra phương pháp đảm bảo sự thuận tiện cho các khách hàng đến các cửa hàng”. Valentino đã mời những khách hàng thân thiết của mình là các biên tập viên thời trang, nhiếp ảnh gia và những người nổi tiếng – trong số đó có Naomi Campbell, Kate Hudson và Anne Hathaway – tới tham dự show diễn dưới chân những bậc thang nổi tiếng. Còn cửa hàng của Dior nằm trên phố Via Condotti nhìn ra quảng trường.
Trong một bức thư gửi Valentino, giám đốc bán lẻ của Christian Dior Italia cho biết việc tiếp cận cửa hàng Dior bị ”cản trở” và sự kiện diễn ra vào thứ Sáu, ”khoảng thời gian mà số tiền cửa hàng có thể thu được chắc chắn là đáng kể”. Trong khi đó, theo WWD, không có nhà bán lẻ thời trang nào khác ở khu vực lân cận gửi đơn khiếu nại. Những thương hiệu ”hàng xóm” gần kề của Dior trên phố Via Condotti bao gồm các thương hiệu Gucci, Prada và Moncler.
Trước khi trở thành giám đốc sáng tạo của Dior vào năm 2016, Maria Grazia Chiuri đã làm việc cùng với Pierpaolo Piccioli tại Valentino với tư cách là đồng giám đốc nghệ thuật. Do đó, đa số giới mộ điệu cho rằng cáo buộc của Dior khá thiếu thuyết phục, và lý do thương hiệu này đâm đơn kiện có vẻ khá hài hước. Nhưng Dior vẫn nhấn mạnh rằng nếu số tiền đã đề cập không được đền bù trong vòng 15 ngày, họ sẽ “áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mình”.
Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện lùm xùm pháp lý giữa các thương hiệu thời trang xa xỉ bởi các lý do ”không đâu vào đâu”. Năm 2020, Burberry – công ty thời trang 164 tuổi của Anh đã kiện một rapper gốc Chicago vì nghệ danh của anh ấy đã vi phạm các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới của họ. Theo đơn khiếu nại gửi lên tòa án liên bang Illinois vào cuối tháng 11/2020, Burberry khẳng định rằng Marvel Yarbrough – một nghệ sĩ âm nhạc sử dụng nghệ danh ”Burberry Jesus” – có hành vi cố ý vi phạm nhãn hiệu và làm giảm uy tín thương hiệu Burberry nổi tiếng, cũng như vi phạm bản quyền đối với thiết kế được bảo vệ của Burberry.
Theo đơn kiện, Burberry cáo buộc rằng Yarbrough đã sử dụng ”Burberry Jesus” làm nghệ danh của mình với ý định sao chép thương hiệu Burberry và sao chép các nhãn hiệu nổi tiếng đã được sử dụng độc quyền bởi Burberry trong hơn 160 năm. Thương hiệu thời trang này còn tuyên bố Yarbrough đã và đang sử dụng danh tiếng và sự nổi tiếng của nhãn hiệu Burberry cho lợi ích cá nhân của riêng mình, cũng như để quảng bá âm nhạc của anh ấy, thu hút sự chú ý của giới truyền thông, tăng lượng người hâm mộ và gây bất lợi cho Burberry.
Trong khi đó, thương hiệu đình đám Off-White cũng từng kiện một chuỗi cửa hàng kem ở California với cáo buộc vi phạm pháp luật với việc bán các sản phẩm mang các nhãn hiệu ”giống một cách khó hiểu” với các nhãn hiệu nổi tiếng của riêng Off-White, thậm chí cả cách trang trí các cửa hàng kem. Trong đơn khiếu nại gửi lên tòa án liên bang California vào đầu tháng 11/2020, Off-White tuyên bố rằng Afters Ice Cream đang sử dụng các bảng chỉ dẫn và trang trí nội thất khiến người tiêu dùng tin rằng các sản phẩm của họ là sản phẩm của Off-White và hoạt động kinh doanh của chuỗi cửa hàng này được liên kết với Off-White, mặc dù không có mối quan hệ nào như vậy giữa hai công ty.
Kendall Jenner đã kịp chụp một bộ ảnh quảng bá cho thương hiệu Liu Jo trước khi Covid-19 khiến lịch trình của cả hai bên bị xáo trộn
Năm 2021, Kendall Jenner bị thương hiệu thời trang cao cấp Ý Liu Jo khởi kiện, đòi bồi thường 1,8 triệu USD (hơn 41 tỉ đồng) với cáo buộc siêu mẫu này không thực hiện buổi chụp hình quảng bá sản phẩm theo hợp đồng ký kết, khiến chiến dịch thời trang Thu – Đông 2020 của họ thất bại về doanh thu.
Công ty quản lý của Kendall Jenner gọi vụ kiện là “vô nghĩa” và cho rằng chính đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát vào đầu năm 2020 là lý do khiến chiến dịch thời trang Thu – Đông 2020 của Liu Jo thất bại. Kendall Jenner đã đồng ý tham gia hai chiến dịch quảng bá cho thương hiệu, nhưng do đại dịch Covid-19, lịch trình bị xáo trộn, nên các kế hoạch ban đầu đều không thể thực hiện được như dự định. Phía công ty quản lý đã thay mặt siêu mẫu liên tục đưa ra các địa điểm, ngày giờ khác cho hãng Liu Jo chọn lựa để thực hiện thỏa thuận nhưng bị buộc trì hoãn vì Covid-19.
Cũng trong năm 2021, theo TMZ, nhãn hàng Fenty của Rihanna bị một nghệ sĩ âm nhạc giấu kín danh tính gửi đơn kiện. Người này cáo buộc công ty đã phát sai bài hát của mình trong buổi trình diễn bộ sưu tập mùa thu Savage x Fenty vào tháng 10/2020. Người này nói rằng Fenty đã bật ca khúc Doom – có một đoạn lời liên quan đến Hồi giáo trong khi lại đang giới thiệu các sản phẩm về nội y. Nghệ sĩ này cho hay sau khi buổi trình diễn kết thúc, bản thân trở thành nạn nhân của nhiều lời xúc phạm, kể cả sự đe dọa về tính mạng khiến anh phải lo lắng.
Người này yêu cầu công ty của Rihanna bồi thường thiệt hại hơn 10 triệu USD. Theo các tài liệu pháp lý, nghệ sĩ này đã giải thích với công ty Fenty ca khúc này có hai phiên bản. Trong đó, một phiên bản có chứa ngôn từ liên quan tôn giáo, phiên bản còn lại thì không, nhưng nữ ca sỹ Coucou Chloe đã không nghiên cứu về ý nghĩa của ca từ. Nữ ca sỹ sau đó đã nhận trách nhiệm: “Bài hát được tạo ra bằng cách sử dụng các mẫu từ bản nhạc Baile Funk mà tôi tìm thấy trên mạng. Vào thời điểm đó, tôi không biết rằng những mẫu này sử dụng văn bản từ Hadith trong Hồi giáo,” Coucou Chloe chia sẻ.
Sau khi bị phản ứng, Rihanna đăng lời xin lỗi trên trang cá nhân. Cô cho biết rất biết ơn vì đã được chỉ ra lỗi sai và đảm bảo rằng “không bao giờ có chuyện như thế này xảy ra nữa”. Tuy thế cô cũng cho rằng sự “thiếu nhạy cảm về tôn giáo” của thương hiệu không đáng phải vướng vào một vụ kiện tụng pháp lý, lại càng không đáng phải đền bù tới 10 triệu USD.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/nhung-vu-kien-cao-ton-kem-ma-hai-huoc-cua-lang-thoi-trang-xa-xi-20220713095526204.chn” name=””]