Những mùa trái dại ấy nay còn không? Hay tất cả chỉ trong ký ức? Một miền ký ức ngọt ngào theo tôi cả đời…
Theo người dân quê tôi, tên trái ô môi có nghĩa rất vui: “ô” là đen, “môi” là miệng, liên tưởng hình ảnh người ăn trái ô môi và môi chuyển màu đen thẫm. Có người cũng giải thích vì trái ô môi dài, bên trong có cấu tạo thành nhiều ô, mỗi ô là một miếng môi cơm (phần thịt của trái), nên gọi là ô môi.
Trái ô môi khi non màu xanh, đến già chuyển màu nâu đen, hình dáng cong, dài chừng nửa mét. Khi trái chín, dùng liềm để hái, đem vào cất trong một góc nhà vài ngày hay để trơ xuống đất chỗ khô ráo rồi lấy ra ăn sẽ cho mùi rất thơm.
Nhớ ngày ấy, những đứa trẻ chúng tôi thường ngồi tụm năm tụm ba chờ má, chờ ngoại cho ăn ô môi. Hạt ô môi chúng tôi lượm lại để dành, đủ lượng kha khá thì đem đi ngâm nước nóng để cho lớp vỏ cứng mềm ra, rồi lột vỏ lấy nhân bên trong ăn. Nhân ô môi có vị chát chát nhưng thơm lừng, đem nấu chè đậu xanh cùng hạt ô môi ăn rất ngon.
Rồi những buổi trưa lộng gió, tôi ra hiên nhà mắc võng nằm đong đưa, nhìn những trái ô môi già rơi rụng gãy làm đôi. Tôi trốn ngủ trưa chỉ để đi lượm ô môi “rớt” rồi len lén ngồi rốc, ăn nơi góc sân nhà.
Qua mùa ô môi, là đến mùa trâm. Trâm là loài cây mọc hoang trên ruộng đồng, quanh nhà hoặc những bãi đất trống. Trâm có tán cây rộng nên tỏa bóng mát quanh năm, là nơi trú mưa, chạy nắng cho người nông dân, cũng là nơi đám trẻ chúng tôi thường tụ tập đùa nghịch mỗi trưa hè hay những chiều tan học.
Những trái trâm chín hấp dẫn bọn trẻ |
Ở quê, trâm có hai loại là trâm gối và trâm sẻ. Trâm mọc thành từng chùm, cơm mỏng, hạt to, đợi trái chín mùi có màu tím thẫm ăn ngon nhất vì ngọt, thơm. Còn nhớ những mùa trâm chín, đám con trai “lẹ giò” leo tít lên cây cao hái những chùm trâm to, chín đều thả xuống, mấy đứa con gái “yểu điệu thục nữ” đứng dưới gốc nhốn nháo chụp lấy những chùm trâm căng mọng màu tím thẫm. Với những chùm thấp thấp trong tầm tay, chúng tôi vớ tay hái rồi bỏ vào miệng thưởng thức luôn tại chỗ.
Sau một hồi trèo hái, cả bọn tụm lại vừa ăn vừa nói chuyện rôm rả và chia trái cho nhau, xua tan cái nắng gió, nóng nực ban trưa.
Đến khi con nước đổ về, khắp cánh đồng miền Tây tràn ngập một màu trắng bạc, báo hiệu mùa nước nổi dâng cao ở quê tôi. Lúc này, mùa cà na trở thành đặc sản. Hồi xa xưa đó, cà na sai trái nhưng chủ yếu để hái ăn chơi, chứ không được bán rộng rãi khắp các chợ như bây giờ. Cà na cũng là món quà quê đem ra phố thị để biếu tặng những người xa quê hoặc những ai chưa biết đến trái cà na.
Hồi đó, bên mép sông nhà ngoại tôi có một hàng cà na chìa ra, mọc san sát nhau, cành lá sum suê, xanh mướt một khúc sông. Muốn hái cà na, tôi cùng các chị trong xóm phải mượn chiếc xuồng ba lá nhỏ của cậu đậu nơi bến sông, bơi ra hái cà na đầu mùa bằng cái móc cậu làm. Tôi hí hửng ngồi trên xuồng, tay thoăn thoắt lượm mà lòng vui rộn rã.
Nhớ ngày ấy, bọn trẻ chúng tôi cũng thường leo lên cây cà na rung cho trái rụng xuống, rồi cả nhóm nhảy ùm xuống sông lượm trái, chấm muối hột dầm ớt hiểm, ăn ngấu nghiến. Mới nghĩ đến đã nếm được vị chua, chát của những trái cà na căng mọng đong đưa trên cành như mời gọi.
Tôi vẫn thương những mùa ô môi hoang dại mà can trường, mạnh mẽ; thương những mùa trâm chín căn mọng một màu tím sắt son, thủy chung; thương những mùa cà na đậm vị chua, chát mà đầy mê hoặc lòng người. Tất cả là ký ức, một miền ký ức ngọt ngào theo tôi cả đời.
Diệp Linh
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/thuong-nhung-mua-trai-dai-a1467614.html” name=””]