Tiến sĩ tâm lý Kiều Thị Thanh Trà cho biết, trên thực tế một tỉ lệ lớn các bậc phụ huynh đã từng ưu ái một đứa con này hơn những đứa con khác, ít nhất ở một thời điểm nào đó.
Chắc hẳn không ít phụ huynh từng bất ngờ trước câu hỏi “Mẹ thương con hơn hay thương em hơn?” của đứa con đầu sau khi sinh thêm đứa con thứ hai.
Đa phần bố mẹ thường đổ dồn sự chú ý vào đứa con thứ hai bởi trẻ vẫn còn bé nhỏ cần được chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên, sự chú ý này đôi khi vô tình làm tổn thương đứa trẻ khác, từ đó sinh ra tâm lý ghen tị hoặc ghét có em.
Nếu bố mẹ đẻ trẻ sống trong sự thiếu thốn tình cảm ngay từ khi còn nhỏ có thể sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ đến khi trẻ trưởng thành.
Bởi trong quá trình phát triển tâm sinh lý, gần như mỗi đứa trẻ đều trải qua giai đoạn cảm thấy sợ hãi và hoài nghi về tình cảm của bố mẹ, thậm chí trẻ nổi loạn vì muốn được quan tâm nhiều hơn, muốn được yêu thương nhiều hơn và cũng vì vậy đã gây ra nhiều rắc rối trong gia đình.
Khi con hỏi mẹ yêu ai, trẻ không chỉ muốn nghe câu trả lời mà còn gửi những tín hiệu đặc biệt đến mẹ.
Trẻ muốn được sự quan tâm, chú ý từ bố mẹ
Trong nhiều gia đình, sau khi đứa con thứ hai chào đời, mẹ cần phải chăm con nhỏ nên để con lớn ngủ với bố hoặc bà. Lúc này, trẻ có thể sẽ cảm thấy mình bị bố mẹ bỏ rơi, bị “loại” khỏi phòng bố mẹ. Vì vậy, khi con hỏi mẹ mình yêu ai, con thực sự muốn nhận được sự quan tâm của gia đình.
Hãy nghĩ đến xuất phát của câu hỏi này, “Mẹ yêu con hay em hơn?”. Từ chỗ là con một, bé bỗng nhiên trở thành ưu tiên thứ 2 vì sự xuất hiện của em bé trong gia đình. Do đó, khi hỏi câu này, con muốn sự chú ý của bố mẹ bởi vì từ khi có em, con cảm thấy rằng bố mẹ không còn yêu thương mình nữa.
Chính vì thế, bố mẹ hãy chú ý quan tâm, chăm sóc con cái mình, hãy trở thành những người bạn tâm tình của các con. Đồng thời mỗi người cũng nên suy nghĩ về cách thức chăm sóc sao cho thể hiện được sự quan tâm đầy đủ.
Không ít những đứa trẻ sinh ra tâm lý ghen tị hoặc ghét có em.
Trẻ khủng hoảng tinh thần vì sự xuất hiện của em, tình yêu thương bị chia sẻ
Trước khi có em, mọi yêu thương bố mẹ đều dành cho con và con cảm nhận được vị trí độc tôn của mình. Nếu vì sự xuất hiện của đứa con thứ hai mà mẹ ít quan tâm, hỏi han, khen con ngoan ngoãn… thì trẻ sẽ bị khủng hoảng, lo lắng rằng em sẽ cướp đi tình yêu thương của bố mẹ.
Nếu không kịp thời quan tâm chăm sóc trẻ, trẻ sẽ thường xuyên hỏi mẹ có yêu mình không, thương em hay thương con, điều này cho thấy trẻ vô cùng bất an. Chưa kể nhiều người xung quanh hay đùa rất vô duyên là “Mẹ có em thì con bị ra rìa rồi”, sẽ càng khiến trẻ bị ảnh hưởng tâm lý.
“Mẹ thương con hơn hay thương em hơn?” là câu hỏi tuy đơn giản nhưng lại ẩn chứa nhiều cảm xúc khó nói của trẻ. Bố mẹ đừng nên xem thường hoặc bỏ qua câu hỏi nhạy cảm này của con, thay vào đó cần cho con thêm nhiều thời gian và sự kiên nhẫn.
Bố mẹ nên giải thích cho trẻ hiểu rằng tình yêu thương dành cho các con là như nhau.
Có như vậy mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái càng trở nên khắng khít, đứa trẻ cũng sẽ tự tin hơn, có được cảm giác an toàn và hiểu rằng cho dù thế nào đi nữa, bố mẹ cũng đều yêu thương con hết mực.
Trong trường hợp này, TS tâm lý Kiều Thị Thanh Trà đã có những chia sẽ hữu ích cũng như gợi ý bố mẹ câu trả lời phù hợp và thông minh hơn. Bố mẹ nên tham khảo nhằm có phương pháp giáo dục cũng như cách thể hiện tình cảm với các con hiệu quả hơn.
TS tâm lý Kiểu Thị Thanh Trà.
Thưa chuyên gia, vì sao trong gia đình từ hai con trở lên, một trong những đứa trẻ luôn cảm thấy thiếu vắng tình yêu thương của bố mẹ?
Trong gia đình có nhiều con, bố mẹ luôn mong muốn đối xử công bằng với các con. Điều này nói thì dễ nhưng rất khó thực hiện. Trên thực tế, một tỉ lệ lớn các bậc cha mẹ đã từng ưu ái một đứa con này hơn những đứa con khác ít nhất ở một thời điểm nào đó.
Sự ưu ái, thiên vị này có thể biểu hiện theo những cách khác nhau, chẳng hạn như dành nhiều thời gian, tình cảm, ưu tiên hơn cho một đứa con nào đó, hoặc là dễ dãi hơn, ít nghiêm khắc và kỷ luật hơn so với những đứa trẻ còn lại.
Chính vì vậy, ở một vài thời điểm nào đó, một trong những đứa trẻ sẽ có cảm giác mình không được bố mẹ yêu thương và quan tâm nhiều như anh, chị, em của mình.
Nếu bố mẹ thiên vị, con cái sẽ tổn thương thế nào?
Việc bố mẹ đối xử không công bằng không chỉ gây tổn thương cho trẻ “bị thiên vị” mà còn cho cả đứa trẻ “được thiên vị”.
Về lâu dài, đứa trẻ ít được bố mẹ yêu thương hơn có thể có những biểu hiện giận dữ hoặc lo âu, có những hành vi gây hấn hoặc chống đối, sụt giảm lòng tự trọng và dễ mất niềm tin vào bản thân.
Ngược lại, đứa trẻ được bố mẹ ưu ái hơn có thể luôn cảm thấy mình vượt trội, có xu hướng tin rằng mình luôn là trung tâm và có thể đòi hỏi, quyết định mọi thứ.
Những tổn thương này có thể ảnh hưởng lâu dài đến trẻ, đồng thời, khiến cho các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên căng thẳng, rạn nứt.
Trường hợp trẻ hỏi “Mẹ thương con hơn hay thương em hơn?” Bố mẹ nên trả lời thế nào?
Khi một đứa trẻ đặt ra câu hỏi về việc bố/mẹ yêu thương ai hơn thì có thể trẻ đang cảm thấy bất an và lo lắng về tình cảm của bố mẹ dành cho mình.
Trong trường hợp này, bố mẹ không nên phớt lờ mà cần trao đổi với trẻ xem vì sao trẻ lại hỏi như vậy và trả lời trẻ rằng: “Bố/mẹ luôn yêu thương mỗi đứa con, theo những cách đặc biệt khác nhau” và đi kèm những giải thích hoặc mô tả cụ thể để khẳng định tình cảm của bố mẹ dành cho trẻ.
Ví dụ như “Bố/mẹ yêu thương cả hai con. Con là con đầu lòng của bố/mẹ, bố/mẹ rất yêu thương con và không ai khác có thể thay thế con được”.
Trong một gia đình có hai con, bố mẹ nên cân đối tình yêu thương như thế nào để khiến con cảm thấy mình được yêu thương?
Để cân đối tình yêu thương cho các con trong gia đình, bố mẹ có thể cân nhắc một số gợi ý sau đây:
– Ý thức về hậu quả mà việc thiên vị có thể gây ra, đặc biệt là đối với sự phát triển tâm lý của trẻTừ đó, bố mẹ sẽ cẩn trọng hơn khi cư xử với các con, nhằm đảm bảo các con cảm nhận được đầy đủ tình yêu thương của bố mẹ.
– Không so sánh các con với nhau dưới mọi hình thức. Mỗi đứa trẻ đều có đời sống tâm lý riêng biệt cùng với những ưu điểm và vấn đề khác nhau. Vì vậy, việc so sánh đứa trẻ này với đứa trẻ khác gần như không mang lại một ý nghĩa tích cực nào. Thay vào đó, bố mẹ nên tôn trọng sự khác biệt và tập trung vào ưu điểm riêng của từng trẻ.
– Dành thời gian cho từng trẻ. Với gia đình có nhiều con, bên cạnh thời gian sinh hoạt chung, bố mẹ nên cố gắng dành thời gian riêng cho từng trẻ, cùng trẻ thực hiện bất kỳ hoạt động nào mà trẻ yêu thích, trò chuyện và lắng nghe trẻ để trẻ cảm nhận sự quan tâm và tình yêu thương của bố mẹ dành cho mình.
– Giải thích cho trẻ khi anh/chị/em của trẻ cần được ưu tiên. Trong một số trường hợp (chẳng hạn như khi một trẻ bị ốm, đang trong các kỳ thi quan trọng hoặc có nhu cầu đặc biệt,…), bố mẹ hoàn toàn có thể ưu tiên một đứa con trong gia đình hơn. Việc này là hoàn toàn bình thường.
Tuy nhiên, để tránh gây hiểu lầm hoặc tổn thương cho những đứa trẻ còn lại, bố mẹ nên giải thích cho trẻ một cách rõ ràng và cụ thể.
[yeni-source src=”https://arttimes.vn/gia-dinh/tre-hoime-thuong-con-hon-hay-thuong-em-hon-ts-tam-ly-mach-cau-tra-loi-dang-hoc-hoi-c59a6879.html” alt_src=”https://eva.vn/nuoi-con-khoe-day-con-khon/tre-hoime-thuong-con-hon-hay-thuong-em-hon-ts-tam-ly-mach-cau-tra-loi-dang-hoc-hoi-c429a520871.html” name=””]