Ban đầu, chùa chỉ là nơi làm việc của quan chức triều đình; còn miếu lại là nơi thờ cúng tổ tiên, thần linh và danh nhân.
Từ xa xưa, văn hóa Phật giáo của Trung Quốc đã rất nổi tiếng trên thế giới. Từ khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc, số lượng người tin theo chưa bao giờ giảm, thậm chí còn tăng lên.
Ở Trung Quốc thời xưa, người dân ở nhiều triều đại có thói quen lên chùa chiền đền miếu thắp hương chiêm bái vào những dịp lễ lớn. Số lượng chùa miếu cũng không hề ít, điều đó đủ thấy vị thế của văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng thờ tự trong lòng người dân Trung Quốc.
Thế nhưng bạn có từng đặt ra câu hỏi, chùa và miếu giống nhau hay khác nhau không?
Vì trong cách nói thường ngày, chúng ta thường dùng “chùa” đi đôi với “miếu” nên không ít người nhầm tưởng chùa là miếu, mà miếu cũng là chùa. Nhưng trên thực tế, chùa và miếu là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Miếu là nơi thờ cúng và tế lễ
Về mức độ lịch sử lâu đời, miếu có sớm hơn chùa rất nhiều. Ban đầu, miếu là nơi thờ cúng, tế lễ.
Từ đường, hay còn gọi là nhà thờ họ, nhà thờ gia tiên, cũng là một loại miếu. Trong đó, nơi dân thường thờ cúng tổ tiên gọi là từ đường, còn nơi Hoàng tộc thờ tổ tiên gọi là Thái miếu.
Sau này, cùng với sự phát triển của thời đại, miếu không chỉ được dùng để thờ cúng tổ tiên mà còn dành riêng cho các bậc hiền triết, thần linh. Ở thời cổ đại, người ta có niềm tin vào thần linh, cũng tin rằng con người sẽ biến thành ma và thần rồi tiếp tục đầu thai sau khi chết.
Vì vậy, để tưởng nhớ một số danh nhân đã có công lớn, người ta xây dựng đền miếu để họ tiếp tục được hậu nhân thờ cúng sau khi qua đời. Ví dụ như miếu Quan Đế thờ tướng Quan Vũ ở thời kỳ Tam Quốc và miếu Nhạc thờ tướng lĩnh Nhạc Phi thời Nam Tống…
Ngoài ra còn có rất nhiều ngôi miếu được sử dụng để thờ cúng các vị thần linh, chẳng hạn như miếu Quan Công và miếu Thổ Địa.
Như vậy, thực chất miếu không hề liên quan đến Phật giáo. Vậy thì miếu và chùa có mối liên quan nào không?
Chùa ban đầu là nơi làm việc của quan chức triều đình
Trên thực tế, chùa chiền và Phật giáo cũng không có quan hệ quá lớn, đặc biệt là trước thời nhà Hán ở Trung Quốc.
Thực ra, chùa không có liên quan đến Phật giáo mà chỉ đơn giản là nơi làm việc của quan chức chính quyền thời bấy giờ, là văn phòng của các đơn vị cấp dưới Hoàng đế. Lúc bấy giờ có tổng cộng 9 ngôi chùa, đơn cử là chùa Hồng Lư, chùa Đại Lý.
Vậy văn hóa Phật giáo đã được du nhập vào chùa chiền như thế nào?
Tương truyền, Hán Minh đế (Hoàng đế thứ hai của nhà Đông Hán, Trung Quốc) từng nằm mơ thấy một người cao 6 thước và tỏa ánh sáng vàng, mà còn là người phương Tây. Vào thời điểm đó, một số quan thần nói rằng có một vị thần ở phương Tây gọi là Phật và có lẽ đó là người tỏa ra ánh hào quang mà Hán Minh đế đã mơ thấy.
Hán Minh đế cảm thấy có duyên với vị Phật này nên phái người sang phương Tây mời hai vị cao tăng Ấn Độ. Vào thời điểm đó, nơi tiếp đón các nhà sư Ấn Độ là chùa Hồng Lư. Nơi đây cũng là điểm chuyên tiếp đón sứ thần và các nhân vật ngoại quốc có quyền chức khác.
Chùa Bạch Mã.
Không lâu sau, Phật giáo Ấn Độ đã rất phổ biến trong xã hội Trung Quốc, vì vậy Hán Minh đế đã cho lập một ngôi chùa khác ngoài 9 ngôi chùa đã có trước đó, được gọi là chùa Bạch Mã. Đây chính là ngôi chùa Phật giáo thực sự, chuyên dịch kinh Phật và giảng dạy Phật pháp cho người dân.
Việc xây dựng chùa Bạch Mã là cột mốc đầu tiên văn hóa Phật giáo chính thức du nhập vào Trung Quốc. Sau đó, văn hóa Phật giáo đã phát triển nhanh chóng trên khắp lãnh thổ.
Trong các triều đại trước đây, nhiều ngôi chùa được xây dựng chuyên để người dân dâng hương chiêm bái. Thậm chí ở một số triều đại, các ngôi chùa Phật giáo chiếm địa vị rất cao trong xã hội.
Chùa và miếu hoàn toàn khác nhau
Từ những thông tin trên, chúng ta có thể biết, chùa và miếu vốn dĩ không hề liên quan đến Phật giáo.
Ban đầu, chùa chỉ là nơi làm việc của quan chức triều đình; còn miếu lại là nơi thờ cúng tổ tiên, thần linh và danh nhân. Cùng với sự biến chuyển của lịch sử, văn hóa Phật giáo được du nhập vào Trung Quốc và chùa Bạch Mã trở thành nơi truyền bá văn hóa Phật giáo đầu tiên.
Sau đó, vô số chùa chiền, đền miếu mọc lên. Đến nay, “chùa” và “miếu” vốn không hề có một chút liên quan lại dường như trở thành cách nói được hiểu là nơi chuyên chiêm bái Phật giáo.
Trung Quốc có hàng nghìn năm lịch sử. Trong quá trình phát triển này, chắc chắn xảy ra một số sai lệch về văn hóa. Từ ngữ “chùa” và “miếu” là một ví dụ điển hình của sự sai lệch này.
Nguồn: Sohu
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/giai-dap-nham-lan-trong-cach-goi-chua-va-mieu-su-that-phia-sau-khong-khoi-ngo-ngang-20220718074853918.chn” name=””]