Những ký ức ấy giấy mực nào chép cho đầy đủ được, chữ nghĩa nào trải cho hết lòng yêu thương chan chứa…
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK |
Một bữa về nhà, ba tôi kể: “Bữa giờ ba cứ hay nằm mơ thấy bà nội. Cứ thấy hoài cảnh đang đêm, bà nội vén mùng rọi đèn đập muỗi trong mùng, sửa lại thế nằm cho mấy anh chị em, rồi tấn lại mùng cẩn thận…”.
Ba kể bằng giọng trầm trầm, đầy xúc động, không phải giọng sôi nổi, rổn rảng thường ngày. Rồi ba nói tiếp: “Ba chưa khi nào thấy có hiếu với ông bà nội, hồi ông bà còn sống ba hay trách cứ này nọ, chứ không chăm sóc được gì nhiều. Nghĩ lại mà thương cô Tư và cô Tám có hiếu, tuy nghèo khổ mà chăm sóc ông bà nội tốt hơn ba…”.
Khi đó, tôi đoán được vì sao ba tôi có suy nghĩ và giấc mơ như vậy. Thời gian sau này, ba hay nghe các câu chuyện kể về đạo Phật, về lòng từ bi, lòng hiếu thảo ở các trang trên YouTube. Mỗi lần về nhà, tôi cũng hay nghe ba mở trên máy tính bảng, phát qua chiếc loa rời, giọng vang vang, lọt vào tận phòng ngủ, dù đã đóng kín cửa. Tôi nghe rõ giọng nghệ sĩ Tú Trinh đọc ấm áp, tình cảm…
Tôi đoán ba lo lắng về việc có thể bị con cái hắt hủi hoặc bỏ bê như việc ba từng tự nhận là đã bỏ bê ông bà nội. Ông hay kể hai câu chuyện. Chuyện thứ nhất được khái quát là “chuyện cái xe đẩy”. Một người đàn ông hì hục đóng một chiếc xe kéo. Đứa con nhỏ thấy vậy hỏi: “Cha đóng xe này chi vậy cha?”. Người cha thật thà nói: “Để đẩy ông nội lên núi”. Đứa con nhìn chiếc xe, suy nghĩ một hồi rồi nói: “Vậy khi nào cha đưa ông nội xong thì cha nhớ kéo xe về nghen!”. Người cha ngạc nhiên hỏi: “Chi vậy con?”. Đứa con đáp: “Con thấy chiếc xe còn tốt, con để dành mai mốt cha già thì đưa cha lên núi!”. Người cha biến sắc, trong phút chốc anh ta phá hủy chiếc xe và bỏ luôn ý định đưa cha mình lên núi.
Chuyện thứ hai là “chuyện cái chén gáo dừa”. Một người đàn ông ngồi tỉ mẩn gọt cái gáo dừa. Đứa con trai thấy vậy hỏi: “Cha làm gì đó cha?”. Người cha đáp: “Cha gọt gáo dừa làm chén ăn cơm cho ông nội. Lúc này ông nội già, run tay, làm bể chén hoài, cha làm cái chén bằng gáo dừa cho ông ăn, lỡ có rớt cũng không bể”. Đứa con tỏ ra suy nghĩ rồi nói: “Vậy sẵn cha làm cho con một cái luôn. Để mai mốt cha già con lấy ra cho cha ăn cơm, khỏi lo bể chén”. Người cha giật mình đập ngay cái gáo dừa…
Trong ký ức của tôi, bà nội là người hay lam hay làm, chưa hết việc này đã bắt việc kia, không lúc nào ngơi tay. Những năm đói kém, bà tận dụng những thứ có sẵn trong nhà để khéo bày ra nhiều món lạ: chuối ghém trộn dừa (chuối cây xắt mỏng trộn dừa nạo, thêm chút muối đường), khoai lang trộn dừa (khoai lang luộc xong, lột vỏ, quết thành bột, trộn với dừa nạo thành từng viên), cá khô kho dừa (cá khô kho với nước cốt dừa hoặc với dừa cứng cạy xắt miếng)… Hồi nhỏ, tôi ăn thấy món nào cũng ngon.
Trong các câu chuyện, tôi thấy thương bà nội vô cùng. Như chuyện những lần giận bà cố hoặc phải chạy loạn, bà nội gánh quần áo và các cô chú trong hai cái thúng, dắt ba tôi và mấy cô chú lớn tuổi chạy bộ về quê ngoại, cách bên nội chừng hai chục cây số. Hay ba tôi thường nói có ý giận bà nội, vì bà nhu nhược, không biết cách ứng xử để ông bà cố giận bà rồi giận lây các cháu (là ba tôi và các cô chú).
Nhưng sau này, ba tôi đổi ý, nói rằng tội nghiệp bà nội, sống cả đời trong sự áp chế của bà cố của ông nội, con cái đông nhưng đều nghèo khổ nên cuối đời đau bệnh mà không được chăm sóc chu đáo…
Thực ra tôi biết ba tôi rất thương bà nội. Nhiều lần ba tỏ ý hối hận vì lúc bà ở với ba mẹ tôi có khi vì không bằng lòng việc bà nội hay giấu giếm tiền riêng để cho mấy chú và hay hờn dỗi kiểu người già nên không chăm sóc bà chu đáo. Nhưng có lẽ đó chỉ là tự vấn, chứ dù lúc đó tôi không còn ở nhà nhưng mỗi lần về vẫn thấy ba chăm sóc cho nội theo kiểu của một người con trai vụng về, chứ không phải vô tâm, như tự tay giặt quần áo, để ý bữa ăn, mỗi khi đi đâu xa về cũng mua quà bánh cho nội. Nhưng dù vậy, sau này ông vẫn thấy rằng lẽ ra mình có thể yêu thương bà nội nhiều hơn, chăm sóc cẩn thận hơn…
Bà nội tôi qua đời năm 80 tuổi. Cả một đời, có lẽ hiếm có lúc nào thấy bà sung sướng. Chắc điều hạnh phúc nhất của bà là được tự hào về thằng cháu nội học giỏi mà bà hết lòng thương mến. Trong đám tang của nội, lần hiếm hoi trong đời tôi thấy có đủ mặt các cô chú cùng các cháu nội ngoại. Một đám tang nhà nghèo nhưng khá đông người viếng với các nghi thức, lễ lạt cầu kỳ, hẳn không chỉ theo tập quán tại địa phương mà còn do nhiều người có lòng kính trọng bà.
Ba về già hay mơ thấy bà nội. Tôi cũng nhiều lần mơ thấy bà nội. Nhưng không phải trong giấc mơ mà chính là trong ký ức. Tôi nhiều lần thấy đêm đêm ba vén mùng đập muỗi cho anh em chúng tôi, lặng lẽ tấn lại mùng, kéo lại mền cho từng đứa, lúc đó tôi nằm im vờ như say ngủ.
Tôi cũng nhớ những bữa ba để tôi ngồi trên vai mà vượt qua kênh, tôi vừa ôm lấy đầu ba vừa vẫy vẫy hai chân tung tóe nước… Tôi cũng nhớ bàn tay thô ráp mà ấm áp xoa lấy lưng tôi năm tôi bị trái rạ trên người chi chít vết thương đã gần lành… Những ký ức ấy giấy mực nào chép cho đầy đủ được, chữ nghĩa nào trải cho hết lòng yêu thương chan chứa…
Bây giờ thì ba tôi đã đi gặp ông bà nội. Có lẽ những gì ông day dứt, ân hận thì có thể làm tròn ở thế giới bên kia. Tôi cũng có những tiếc nuối riêng, nhưng dù sao với mọi người và chính bản thân, tôi đã phần nào thể hiện chí nghĩa, chí tình, chí hiếu với người đàn ông vĩ đại nhất của đời mình.
Tôi nhớ bà nội! Tôi nhớ ba! Vô cùng!
Nguyễn Minh Hải
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ba-hay-mo-thay-ba-noi-a1468332.html” name=””]