Năm 2017, đài CNN của Mỹ đã lựa chọn bánh xèo vào danh sách “40 món ăn Việt Nam sẽ khiến bạn thích mê”.
Bánh xèo – cái tên vừa đọc lên đã gợi liên tưởng đến âm thanh “xèo xèo” hấp dẫn khi món ăn này được chế biến. Nhưng sự hấp dẫn của món bánh này không chỉ dừng lại ở âm thanh, mà còn cả ở vẻ ngoài và mùi vị.
Món bánh xèo có màu vàng ruộm nhờ bột nghệ, có nhân rau, thịt, tôm tùy vùng miền, và ăn kèm cùng các loại rau sống theo mùa và thứ nước chấm đặc biệt – có thể là nước mắm chua ngọt hoặc loại sốt chấm khác do người đầu bếp tự sáng tạo.
Năm 2017, đài CNN (Mỹ) từng đăng tải danh sách “40 món ăn Việt Nam sẽ khiến bạn thích mê”, trong đó món bánh xèo được ưu ái xếp ở vị trí thứ 3. Vốn không có từ tương đồng trong tiếng Anh, các hãng truyền thông nước ngoài như CNN thường mô tả món bánh xèo của Việt Nam là “loại bánh crepe từ bột gạo”.
“Để thưởng thức món ăn này như một người địa phương, hãy cắt [bánh xèo] thành từng miếng vừa ăn, cuộn trong bánh tráng hoặc lá rau diếp và chấm với món nước sốt đặc biệt của nhà hàng”, CNN viết.
Ảnh: Citypassguide
Món bánh “hớp hồn” nhà phê bình ẩm thực Ấn Độ
Báo Tribune India mới đây vừa đăng tải bài viết về bánh xèo của Việt Nam, trong đó có nêu những điểm tương đồng về văn hóa ẩm thực của hai nước như sự đa dạng về món ăn, việc chú trọng sử dụng các loại thực phẩm theo mùa, hay cân bằng các nhóm dinh dưỡng trong một bữa ăn.
Tác giả của bài viết, nhà phê bình ẩm thực Pushpesh Pant, đã ghé thăm một nhà hàng món Việt Nam ở thủ đô New Delhi của một đầu bếp “từng tu nghiệp nhiều tháng ở Việt Nam và gây tiếng vang nhờ cách trình bày những món châu Á đầy sáng tạo”, và cho biết trong số rất nhiều món ông đã nếm thử, thì bánh xèo đã “hớp hồn chúng tôi”.
Nhà phê bình ẩm thực người Ấn Độ đã so sánh món ăn của Việt Nam có vẻ ngoài và màu sắc khá giống món bánh cheela của Ấn Độ, nhưng được làm bằng bột gạo, giòn hơn, với màu vàng từ bột nghệ không chỉ đẹp mắt mà còn đem đến một hương vị tinh tế lạ kỳ.
Ảnh: Citypassguide
Sự “bùng nổ vị giác”
John L, cây viết của trang Loves Food and Art, cho biết bánh xèo là một trong những “khám phá” yêu thích nhất của anh trong chuyến đi đến Việt Nam.
Lần đầu tiên John nếm thử bánh xèo là ở phố biển Nha Trang của Việt Nam. Nhìn chị bán hàng đổ bột, rắc nhân bánh nhanh thoăn thoát trên 6 chiếc chảo, John dã quyết định phải thử món ăn này.
Ảnh: Citypassguide
Khi người phục vụ mang bát rau sống khổng lồ gồm lá rau cải, húng bạc hà, rau ngò, húng quế, tía tô… John cứ ngỡ anh được tặng một món “salad”. Trước sự bỡ ngỡ của anh, người phục vụ đã tận tình hướng dẫn cách ăn rau sống như một phần không thể thiếu trong “trải nghiệm bánh xèo.”
“Theo sự chỉ dẫn của cô ấy, tôi đã lấy ra một chiếc lá rau cải và đặt nửa miếng bánh xèo vào giữa. Sau đó, tôi nhặt thêm rau thơm từ trong chiếc bát khổng lồ, cẩn thận lựa chọn mỗi loại một ít để có trải nghiệm hương vị tối đa. Sau đó, tôi cuộn tất cả lại như một chiếc bánh burito, chấm vào bát nước chấm và cắn thử một miếng.
Đó là sự bùng nổ vị giác!” – John viết.
John mô tả các loại rau sống có vị tươi mát cân bằng độ giòn béo của bánh xèo, nhân mực mềm và tinh tế, nước mắm chua ngọt cũng rất đậm đà và kích thích vị giác.
Ảnh: Rubicon Tours
Các “phiên bản” của bánh xèo
Theo China Daily HK, vỏ bánh xèo có bề ngoài tương đồng với bánh crepe của phương Tây nhưng lại có khác biệt lớn do nguyên liệu khác hoàn toàn: Nếu như phương Tây dùng bột mì khiến vỏ bánh mềm, thì bánh xèo Việt Nam dùng bột gạo và bột nghệ tạo màu vàng.
Theo The Takeout, điểm độc đáo của bánh xèo là các loại nhân bánh. Trong khi bánh xèo miền Nam có kích thước lớn, vỏ bánh được thêm nước cốt dừa, thì những vùng khác ở Việt Nam có những phiên bản “biến tấu” về cách chế biến và mùi vị rất thú vị.
Ảnh: Golden Spoon Awards
Ở Quy Nhơn, nơi nổi tiếng với món bánh xèo tôm nhảy, bánh xèo thường được làm bằng bột gạo xay thủ công và không gấp lại như bánh xèo miền Nam. Ở Quãng Ngãi, vỏ bánh xèo được thêm chút hành lá thái nhỏ và trứng nên mềm chứ không giòn rụm.
Sự khác biệt không chỉ dừng lại ở đó. Dọc theo bờ biển Nam Trung Bộ của Việt Nam, chẳng hạn như các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, chiếc bánh xèo thường nhỏ hơn. Càng về phía Nam, kích cỡ chiếc bánh xèo càng to hơn.
Theo Citypassguide, phần rìa của bánh xèo Miền Tây thường mỏng và giòn hơn phần giữa bánh, mỗi miếng bánh đều toát lên mùi thơm của cốt dừa. Nhân bánh xèo miền Tây có thêm đậu xanh làm tăng vị bùi, ngọt cho chiếc bánh, rất hợp ăn cùng rau sống, dưa góp và nước mắm chua ngọt.
Ảnh: Golden Spoon Awards
Bánh xèo miền Trung lựa chọn loại tôm vừa và nhỏ, thay thịt heo bằng thịt bò và thay thế đậu xanh bằng hành tây và hành lá.
Đến nay, nguồn gốc của bánh xèo vẫn còn là một bí ẩn, nhưng có ý kiến cho rằng vỏ bánh cho nước cốt dừa của miền Nam có nguồn gốc từ cách nấu ăn của người Khmer, và các loại bánh xèo miền Trung cỡ nhỏ hơn có thể được ảnh hưởng từ người Tây Nguyên hoặc người Chăm ở Bình Định./.
Nguồn tham khảo: Tribune India, Bon Appétit, The Takeout, Citypassguide, Loves Food and Art, China Daily HK, CNN, Hanoi Times.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/mon-viet-hop-hon-nha-phe-binh-am-thuc-an-do-khien-khach-tay-thot-len-bung-no-vi-giac-20220718223701036.chn” name=””]