“Hoa cả mắt, cứ tưởng đang xem phim Ấn Độ” là câu mà nhiều người đã nói khi tham dự đám cưới của đôi bạn Nguyễn Thiện Lương và Sóc Nin.
Đón dâu theo phong cách người Khmer |
Từng đọc và nghe khá nhiều câu chuyện về lịch sử, văn hóa đặc sắc về vùng đất Bảy Núi phía Tây Nam Tổ quốc, tuy nhiên mãi đến khi được trực tiếp đặt chân đến xóm Ô Play (thị trấn Tri Tôn, H.Tri Tôn, tỉnh An Giang) để tham dự lễ cưới của một người em họ, tôi mới cảm nhận trọn vẹn hơi thở của một nhịp sống náo nức, đẫm màu huyền thoại trong ngày đôi lứa kết duyên.
Cô dâu Sóc Nin và chú rể Thiện Lương bái lạy hai họ trên những chiếc chiếu màu sắc |
Trang phục cô dâu chú rể rất đẹp, đậm sắc truyền thống |
Phum sóc vui hơn ngày thường. Chiếc cổng cưới được kết bằng muôn vàn nhánh hoa sáng bừng trong nắng mới. Phía bên trong, tiếng người cười nói rộn ràng, những điệu lễ nhạc truyền thống của đồng bào Khmer liên tục được réo rắt tấu lên. Đó là âm thanh của núi, của ruộng đồng làng mạc, của tín ngưỡng, niềm tin.
Đẫm mình trong sự hân hoan của ngày vui trọng đại, chú rể Thiện Lương nhớ lại những ngày đầu làm quen vợ: “Tháng 12/2021, tôi gặp Sóc Nin khi cô được chuyển đến làm cho một trại gà giống ở H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.
Vẻ dáng bên ngoài của cô gái Khmer có cái tên lạ chẳng có gì đặc biệt. Thế nhưng chính sự nhẹ nhàng, hay cả thẹn của Sóc Nin khiến tôi rung động”.
Thiện Lương, sinh ra và lớn lên trên miền quê hương nắng gió, người con trai Quảng Trị lúc ấy cũng thật thà, chẳng có “mánh lới” tán tỉnh gì đáng kể. Những giờ ăn chung ở căng-tin, chàng chủ động ngồi gần, gắp thêm vào bát Sóc Nin những món cô thích, nói dăm ba câu chuyện. Giờ tan tầm, thỉnh thoảng chàng rủ cô đi dạo, đi chơi.
Chân thành, nói và làm chắc như đinh đóng cột, sau hơn ba tháng tìm hiểu, Thiện Lương nhận được lời mời về quê Sóc Nin ở An Giang. “Người Khmer mình vốn không thích những người con trai ba hoa, nói nhiều. Những người nào khỏe mạnh, chịu thương chịu khó sẽ dễ được điểm cộng. Như gia đình mình ngày xưa, để cưới được mẹ thì ba phải ở rể hơn một năm, gánh cho nhà ngoại không biết bao nhiêu chum nước.
Hoa cau có ý nghĩa quan trọng trong lễ cưới của người Khmer |
Còn anh Lương, có lẽ ảnh cũng chưa từng biết đồng bào mình có tục ở rể, giám sát “đối tượng” đàng trai khá gắt gao nên suốt kỳ ở lại nhà mình, anh ấy rất thoải mái. May mà ba mẹ và họ hàng đều thích vì nhìn ảnh gần gũi, trung thực, siêng năng”, Sóc Nin nhớ lại.
Ngoài khác nhau về tập tục, văn hóa, tín ngưỡng của người Khmer cũng mang đậm dấu ấn Phật giáo nên lễ cưới diễn ra tương đối cầu kỳ, kéo dài nhiều ngày, trải qua nhiều lễ. Trong vòng một đêm hai ngày, cô dâu Sóc Nin và chú rể Thiện Lương phải thay liên tục bảy bộ trang phục tương ứng với bảy nghi thức cúng lễ. Trong đó mỗi lễ thường kéo dài từ một đến một giờ rưỡi. Lúc các thầy chùa hoặc cha mẹ, các bậc phụ lão làm lễ thì cô dâu, chú rể luôn phải quỳ để lắng nghe. Đến nỗi chú rể Thiện Lương thốt lên với vợ: “Trong đời, chưa bao giờ anh phải quỳ nhiều đến như thế!”.
Sau ngày thứ nhất đầy bối rối, niềm vui về chung mái ấm bước sang ngày thứ hai miên man hơn. Chú rể Thiện Lương thành thạo và uyển chuyển hơn trong mỗi cử chỉ đứng lên ngồi xuống, mọi người xung quanh rộn rã tiếng cười. Ánh mắt đón chào đầy cởi mở của nhà đàng gái cũng khiến nhà đàng trai từ Quảng Trị xa xôi thêm thân mật, nồng nhiệt. Cô dâu, chú rể sau đó lần lượt dâng trầu, rượu, hoa quả và quỳ lạy nhận lời chúc phúc từ cha mẹ và họ hàng hai bên.
Cũng trong ngày này, chú rể Thiện Lương sẽ được các bậc bề trên dắt thêm cho một cây quạt và một cây kiếm bạc với nhiều ý nghĩa trao truyền: “Trong gia đình, người đàn ông là con phải luôn biết nỗ lực, chịu thương chịu khó, có thêm sức mạnh để bảo vệ, mang đến sự mát mẻ, thoải mái cho gia đình và người phụ nữ của mình”.
Trong mênh mông xa xăm của núi đồi vùng Bảy Núi, những đám cưới nho nhỏ của đồng bào Khmer được tổ chức mang đến những mùa vui đầy rộn ràng. Ở đó có tiếng nhạc huyên náo, có tiếng người chào nhau. Ở đó có hàng chục bộ sắc phục dát ánh kim bừng lên lấp lánh. Ở đó có sự trọn vẹn của ngày vui hôm nay và những hy vọng vào ngày mai.
Chú rể nhận kiếm cùng lời gửi gắm về sức mạnh chăm lo gia đình |
Những đứa trẻ trong đám cưới đảm nhận những lễ nghi quan trọng |
Đám cưới kiểu Khmer ở An Giang vào tháng Ba, tháng Bảy vợ chồng trẻ đưa nhau về quê chồng Quảng Trị, ra mắt họ hàng bên chồng bằng một đám cưới theo kiểu người Kinh: “Chú rể không phải quỳ nữa, thật là… khỏe”. Sau đó, họ trở lại cùng sống và làm việc ở Bình Thuận.
Và bây giờ, Thiện Lương và Sóc Nin sau vài tháng về chung nhà đã có tin vui hơn nữa: Sóc Ninh đang mang bầu.
Diệu Thông
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/dam-cuoi-khmer-chu-re-chua-bao-gio-phai-quy-nhieu-nhu-the-a1469326.html” name=””]