Một chiều giữa tháng Bảy, vừa đi làm về tôi thấy công an đông nghẹt ở sảnh chung cư (P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM). Anh bảo vệ nói nhỏ: “Một người ở lầu tám treo cổ chết”. Nhiều nhóm người lao xao. Tên, hình ảnh của người xấu số được lan truyền nhanh chóng.
Sự sống vô cùng quý báu với người này, nhưng người khác lại muốn huỷ bỏ (Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK) |
Hóa ra đó là người đàn ông trẻ tôi hay đi chung thang máy. Anh luôn ăn mặc lịch lãm, đi xe ô tô sang – là người nổi bật và thành đạt ở chung cư bình dân này. Ngay buổi sáng hôm ấy, tôi vẫn chạm mặt anh trong thang máy. Anh cười nhẹ chào những người vào sau. Vậy mà buổi chiều, cậu nhân viên của anh vừa vào nhà đã thấy anh treo cổ tự bao giờ.
Câu chuyện về người ra đi mau chóng được thông tin: Anh có vợ con, nhưng ly thân và mới chuyển về chung cư này một năm. Anh sống một mình, thỉnh thoảng nhân viên ghé qua chơi. Người nói anh buồn chuyện tình cảm, người nói anh vỡ nợ do thua lỗ chứng khoán nên kết liễu mình. Hơn 21 giờ, nhân viên y tế đưa anh ra xe. Tấm drap trắng phủ kín thi thể. Xong một kiếp người. Nhìn anh, tôi nhớ đến anh bạn thân mấy tháng qua ở Bệnh viện Chợ Rẫy nhiều hơn ở nhà. Những cơn đau nhức buốt xương của căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối hành hạ. Anh cứ ăn vào là ói hết ra. Suốt đêm dài, gần như anh thức trắng ngồi thở. Anh tha thiết được sống.
Anh khao khát được đi trên đôi chân mình, được ăn vài muỗng cơm mà không ói và được nằm mà không bị thở mệt, rồi anh sẽ về xin lỗi vợ, đưa con đi chơi bù lại quãng thời gian qua anh bỏ bê gia đình và ăn nhậu, vô tâm với vợ con. Những ước mơ của bạn tôi – người đàn ông trên lầu tám kia có đủ. Nhưng sự trớ trêu của cuộc đời: Người thèm khát, người lại từ bỏ.
Tôi lại nhớ đến cô cháu họ ở TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang. Tốt nghiệp đại học, có việc làm mơ ước, kết hôn với người yêu thanh mai trúc mã. Cưới hai tháng, cháu tôi có tin vui khiến hai bên nội ngoại đều mừng. Nhưng, chỉ ba tháng sau, sau một trận cãi vã vì chồng đi nhậu về trễ và cho rằng chồng vô tâm, cháu tôi đã kết liễu cuộc đời bằng cái thòng lọng oan nghiệt.
Anh chị tôi vật vã. Chị hết ôm đứa con gái xấu số gào khóc, rồi lại ôm đứa con gái lớn bị thiểu năng. Cô chị cũng chảy nước mắt, miệng ú ớ tiếng được tiếng mất.
Cuộc đời đã cho cô con gái út tất cả. Xinh đẹp, thông minh và trên hết, cô út có niềm khát khao của cô chị: khỏe mạnh. Cô chị từng xin “cho… Hai… chân… đi”. Ắt hẳn, cô chị không cần xinh, không cần thông minh như em, mà chỉ cần có đôi chân khỏe mạnh để cuộc đời cô không gắn chặt với chiếc xe lăn. Vậy mà niềm tự hào của gia đình lại lựa chọn từ bỏ cuộc sống khi mới 24 tuổi. Cô mang theo thanh xuân phơi phới cùng bao nhiêu thứ mà chị cô và những cô gái khác khao khát.
Còn cô bé hàng xóm mới 14 tuổi của tôi sau khi bị mẹ mắng và đòi “xởn tóc” vì nhuộm tóc nửa vàng, nửa tím, đã uống thuốc diệt cỏ tự tử. Đến bệnh viện cô bé vẫn tỉnh táo và kêu gào “bác sĩ cứu con”. Nhưng tình trạng chuyển biến nặng, cô bé mất sau bốn ngày nhập viện.
Cái chết của cô bé khiến cả xóm bàng hoàng. Bao nỗi vừa giận vừa thương. Bé An – bạn thân của cô bé – người mất mẹ khi mới lọt lòng, hết khóc rồi lại lẩm bẩm trước di ảnh bạn: “Tao ước có mẹ la mà không được, sao mày có phước mà không hưởng N. ơi”.
Giải thoát bằng cái chết, là sự lựa chọn đớn đau cho cả người ra đi và người ở lại. Ắt hẳn trong một thời điểm nào đó, họ đã rất khó khăn, bế tắc, đau khổ và đã không vượt qua được. Ơn trời là trong cuộc đời tôi gặp nhiều và rất nhiều người đã vươn mình tự hố sâu, “hồi sinh” từ bế tắc, bi kịch tận cùng – hơn là những người đầu hàng cuộc sống. Cuộc sống chẳng mấy dễ dàng. Tôi cũng thế. Trong 46 năm cuộc đời, ít nhất đã chục lần tôi nghĩ đến tự tử.
Năm 12 tuổi, một trận hỏa hoạn biến tôi từ một cô bé xinh đẹp thành một người tật nguyền, gương mặt chằng chịt sẹo. Mỗi khi soi gương, hay bị trẻ con trêu chọc “con thẹo, con thẹo” là tôi chỉ muốn tự tử. Tôi từng ra tiệm thuốc tây mua thuốc ngủ, nhưng người bán chẳng những không bán mà còn méc má tôi. Tôi nhận ra, với người ngoài đường, tôi là một đứa tật nguyền, tàn phế. Nhưng với ba má tôi, tôi vẫn là báu vật.
Rồi tôi thi rớt trung học, ra trường không có việc làm, bị thất tình… Có những ngày tôi không biết đi đâu, làm gì, suốt ngày chìm trong nước mắt. Lần nào tôi cũng nghĩ đời mình chấm hết, mình là người bất hạnh nhất, xui xẻo nhất và nghĩ “vậy mình sống để làm gì?”. Đúng là trong đau buồn, chẳng có lý do nào cho thấy tôi cần phải tồn tại.
Ai cũng có lúc rơi vào hố sâu tuyệt vọng, nhưng sau đó lại thấy ánh mặt trời sớm mai (Ảnh minh họa) |
Rồi ngay cả khi lập gia đình. Lúc mang bầu, mình tôi phải bươn chải kiếm tiền, ba lần giữa đêm bị động thai, tôi tự tìm cách để đi bệnh viện. Trong khi người chồng khỏe mạnh say bí tỉ, đang ngáy như sấm. Những khi đó, tôi lại nghĩ đến cái chết. Nhưng khi cầm vốc thuốc trên tay, tôi lại nhớ hình ảnh má ôm tôi khóc và câu nói: “Con có bề gì sao ba má sống nổi?”.
Ba má cùng câu nói này là chiếc neo níu tôi lại cuộc sống. Mỗi lần vượt qua biến cố, chỉ vài tháng, hay một năm sau nhìn lại, tôi cười vào mặt mình, thấy nỗi đau ngày hôm qua chỉ là “ruồi muỗi” so với hôm nay. Tôi thấy, còn thở là còn hy vọng và còn sống thì còn cơ hội làm lại. Vì quy luật cuộc sống là sau đêm thì đến ngày, hãy tin rằng: Ngày mai là một ngày mới và ngày mai sẽ vui hơn hôm nay.
Giang Thuỳ
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ngay-mai-la-mot-ngay-moi-a1469315.html” name=””]