Thế giới của người lớn vốn đã đầy bi kịch, lại muốn cuốn trẻ con vào vòng xoáy ganh đua, làm giập nát những hồn nhiên.
Chị kể, khi chị họp phụ huynh về, cầm tờ điểm về cho con, thằng bé háo hức chạy ra đón mẹ. Con reo lên mừng rỡ khi nhận được kết quả xuất sắc cho cả năm học. Chị chúc mừng con và hứa sẽ chở con đi chơi, khen thưởng vì kết quả một năm học tốt đẹp.
Vậy nhưng khi chị báo cho bà nội thằng bé. Bà liền hỏi:
– Thế nó đứng thứ mấy trong lớp?
– Dạ, đứng thứ ba, vì trong lớp có hai bạn điểm cao hơn ạ.
– Trời, tưởng gì, tưởng đứng thứ nhất trong lớp chứ! Năm ngoái đứng thứ nhất, năm nay đứng thứ ba thì có gì đâu, tụt hạng mà!
Chị nghe mà như bị dội nước lạnh. Chị lo lắng quay lại, thấy thằng bé đã ở sau chị tự lúc nào. Con xìu xuống như cái bánh tráng nhúng nước.
Ảnh mang tính minh họa – Tirachardz |
Nỗi xót xa dâng lên trong lòng chị. Năm ngoái con chị đứng đầu thật, nhưng năm nay học sinh xáo trộn, trong lớp có thêm những bạn học rất giỏi. Và dù lớp y như cũ, việc con tụt hạng cũng là nghiêm trọng lắm hay sao, khi mà đạt kết quả xuất sắc không hề dễ dàng?
Nén nỗi buồn, chị chở con đi chơi. Dọc đường chị cố nói chuyện để khuây khỏa nỗi lòng cậu bé. Nhưng chị thấy rõ ràng con không còn vui vẻ như lúc chiều. Chị động viên:
– Không sao, con đã làm rất tốt rồi. Năm sau con sẽ cố gắng hơn. Mẹ không cần con đứng thứ nhất, chỉ mong con tốt hơn so với chính con là được.
– Lời bà nói làm con đau lắm, đau ở chỗ này này.
Thằng bé chỉ vào vị trí tim, chị thấy nhói như thể chính chị bị đau vậy. Con còn buồn bã nói tiếp: “Mà con đang nghĩ tối ba về sẽ thêm một cú nữa với con…”.
Chị không khỏi đau, vì biết thằng bé nói đúng. Hôm trước con được giải ba học sinh giỏi của quận, chồng chị liền bảo:
– Tại sao lại là giải ba? Con tụt hạng hai bậc so với năm trước rồi đấy nhé. Năm ngoái con giải nhất mà!
Chồng chị thường xuyên đi làm, áp lực công việc khiến anh phải không ngừng phấn đấu và nhìn nhận mọi thứ trong sự cạnh tranh. Anh rất nghiêm khắc với con, muốn lúc nào thằng bé cũng phải tốt nhất, đạt kết quả cao nhất. Anh nhắc chị:
– Em phải nghiêm khắc để con phấn đấu, không được tự mãn. Nói vậy để con có động lực thi đua, không để thua kém người khác.
Những điều này đã thành thường xuyên, đến mức thằng bé nắm luôn được phản ứng của ba đối với nó. Khi nó được 9 điểm, thay vì được ba bảo rằng: “9 điểm cơ à, cũng cao đó, con làm tốt lắm!” thì con thường phải nghe: “Tại sao lại chỉ có 9 điểm?”. Thằng bé rất buồn, cảm thấy dường như không cách nào đáp ứng sự chờ đợi của ba, của bà nội.
Trong gia đình, chỉ chị có quan điểm giáo dục khác. Chị nhận ra những tổn thương ngấm ngầm trong lòng con trai, nỗi buồn khi con không được ghi nhận. Chị chỉ có thể dùng cách của mình động viên con, rằng con đã làm rất tốt rồi.
Ảnh mang tính minh họa – Jcomp |
Điều đó không có nghĩa là chị không nhận ra khuyết điểm của con, ví như mặc dù cậu rất thông minh, nhưng làm bài hay sơ suất, mắc những lỗi nhỏ khiến bài làm không đạt điểm trọn vẹn. Tuy vậy chị cũng chỉ nói: “Lần sau con làm bài cẩn thận hơn, nhớ kiểm tra lại kỹ càng trước khi nộp bài nhé!”. Nhiều khi chị nghĩ, trẻ con lẽ nào không được phép sai? Trẻ cần được động viên, vì mỗi đứa trẻ là một đóa hoa trong khu vườn tuổi thơ đẹp đẽ.
Thế giới của người lớn vốn đã đầy bi kịch, lại muốn cuốn trẻ con vào vòng xoáy ganh đua, làm giập nát những hồn nhiên.
Hè này, chị muốn con thoải mái vui chơi. Con trai gợi ý: “Mẹ mua cho con một con diều nhé!”. Chiều mùa hè, cánh diều bay cao vút lẫn vào xanh thẳm. Chị nhìn vào đôi mắt lấp lánh ánh cười của con, biết cu cậu đã tìm thấy niềm vui theo cánh diều. Chị chỉ muốn giữ mãi ánh cười lấp lánh ấy… Nhất định đó là cái chị phải giữ gìn, chứ không phải là vị trí số một nào cả.
An Duyên
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/giu-mai-nu-cuoi-lap-lanh-cua-con-a1468634.html” name=””]