Truyện cổ tích dân gian phản ánh đời sống giản dị, khát vọng và mong ước của người Việt xưa.
Ông Trạng thả diều
Ngày xưa, có một gia đình nghèo sinh ra một chú bé tên là Nguyễn Hiền.
Từ bé, chú đã biết tự dán lấy diều để chơi. Chú bé thích chơi diều đến nỗi người làng bảo chú là sinh ra với cánh diều.
Năm lên sáu tuổi, chú được bố mẹ cho theo học một ông thầy ở làng.
Chú có một trí nhớ khác thường. Nghe giảng bài đến đâu, chú nhớ và thuộc ngay đến đấy. Một hôm, thầy kinh ngạc thấy chú học thuộc mỗi ngày những hai mươi trang sách mà chú vẫn có thì giờ thả diều.
Được ít lâu, gia đình quá túng thiếu, chú đành phải thôi học, ở nhà giúp đỡ bố mẹ.
Từ đó, ngày nào chú cũng dậy sớm, làm hết công việc trong nhà rồi tranh thủ đi cắt cỏ cho trâu ăn no, để kịp giờ đến lớp học ở trường làng nghe nhờ. Cũng từ đó bất cứ trời mưa nắng thế nào, thầy giáo cũng thấy một chú bé chăn trâu đứng ngoài cửa lớp chăm chú nghe giảng sách.
Ảnh minh họa.
Ban ngày thì thế, tối đến dọn dẹp xong việc nhà, chú tìm đến nhà bạn, đợi bạn học thuộc bài rồi mượn sách để học. Những đêm không trăng, người ta thấy chú bé cầm đèn lần soi từng dòng chữ. Đèn của chú tự làm bằng chiếc vỏ trứng gà và mấy con đom đóm.
Ngoài cuốn vở học bằng mảnh lá chuối phơi khô, chú còn rất nhiều vở tập viết khác. Lúc là lưng trâu, lúc là nền tro, nền cát san bằng. Bút chú cũng chỉ là ngón tay, chiếc que hay mảnh gạch vỡ…
Mỗi lần có kì thi ở trường chú cũng làm bài và nhờ bạn nộp xin thầy chấm. Bài của chú viết trên lá chuối khô, xem xong thầy rất sửng sốt thấy chữ chú viết đã đẹp, văn chú lại hay quá, vượt xa tất cả những học trò của thầy.
Bận làm bận học như thế, nhưng trên bầu trời quê hương chú luôn có cánh diều của chú thả. Chú tìm nhựa cây, nhựa sung phết cánh diều rất khéo, luộc tre nối dây rất chắc, cho nên chiếc diều của chú vừa to, vừa bay cao. Đặc biệt chú khoét sáo rất khéo nên tiếng sáo diều của chú vừa trong trẻo vừa véo von trầm bổng.
Tiếng tăm chú bé học giỏi đã được đồn đại ngày một xa. Tuy thế mọi người vẫn rất ngạc nhiên khi được tin trong một khoa thi hồi ấy chú được đỗ Trang nguyên.
Năm đó, ông Trạng Nguyễn Hiền – chú bé nổi tiếng ham học và mê thả diều của cũng ta, mới mười ba tuổi!
Truyện Thần Sắt
Xưa có anh nông dân sống một mình ở ven rừng. Anh làm ăn rất vất vả. Anh chặt củi, đẽo cây bằng dao đá, đào hố tra bắp bằng đầu gậy. Anh khổ quá nên người đen đủi, xấu xí.
Một đêm anh nằm mơ thấy Bụt hiện lên bảo:
– Ngày mai con ra cửa, thấy ba người cưỡi ba con ngựa xin vào ngủ trọ thì chọn lấy một người mà con ưng ý và mời vào, con dừng lo chuyện nhà chật chội.
Quả nhiên, chiều hôm sau, anh thấy một người cưỡi ngựa đi qua. Người đó mặc áo quần trắng tinh, con ngựa cũng trắng. Hơi bạc ở người đó tỏa ra lạnh toát. Người đó đứng trước lều hoạnh họe:
– Nhà ngươi có chỗ thì cho ta trọ. Hãy thu xếp chóng đi!
Anh ngước nhìn khác và trả lời:
– Lều rách của tôi không có chỗ xứng đáng để tiếp khách. Vậy xin mời ông đi nơi khác.
Ảnh minh họa.
Lát sau anh lại thấy một người toàn thân giát vàng chói lọi, cưỡi một con ngựa vàng, dáng bệ vệ. Hơi vàng ở người đó cũng tỏa ra lạnh buốt. Anh nông dân sợ quá, từ chối không cho vào.
Đến lúc trăng gần lên, anh thấy một người toàn thân đen đủi, xấu xí nhưng khỏe mạnh, cưỡi con ngựa cũng đen, đến xin trọ. Người này trông cũng hiền lành như anh. Anh nông dân tự dưng thấy vui trong lòng bèn đồng ý cho trọ.
Nhưng lạ quá, sang hôm sau ngủ dậy, anh không thấy người đó và con ngựa đâu cả. Ở chỗ ngủ chỉ thấy có một cục gì đen xì và cứng.
Anh liền đem cục ấy ra rèn cày, cuốc và dao để đốn rừng, khai phá ruộng nương. Từ đó đời sống của anh khá dần, anh hết khổ và sống cuộc đời ngày càng no ấm, đầy đủ. Thân hình anh trở nên vạm vỡ, da dẻ hồng hào. Sau này anh mới biết người khách mà anh bằng lòng cho ngủ trọ đó chính là Thần Sắt.
Sự tích cây Thì Là
Ngày xưa, cây cối trên trái đất đều chưa có tên gọi. Trời bèn gọi các cây lên để đặt cho mỗi loại cây một cái tên. Nghe tin đó, đám cây cối mừng lắm và mỗi loại đều cử một cây lên trời để nhận tên.
Lên đến trời, trên một bãi rộng, các cây to, nhỏ, cao, thấp đứng chen chúc nhau. Trời ngồi trên một gò cao, lần lượt đặt tên cho các cây to rồi đến cây nhỏ. Trời trỏ tay vào từng cây và đặt tên:
– Chú thì ta đặt tên cho là cây dừa;
– Chú thì ta đặt tên cho là cây cau;
– Chú thì đặt tên cho là cây mít;
– Chú thì tên là cây nhãn;
– Chú thì tên là cây hồng…
Trời nói mãi, mỏi cả mồm mà vẫn chưa hết.
Vì vậy, lúc đầu trời còn nói câu dài. Về sau, trời chỉ nói vắn tắt:
– Chú thì là cây cải;
– Chú là cây ớt;
– Chú là cây tỏi…
Ảnh minh họa.
Khi tất cả các loài cây đều đã có tên, trời tưởng hết, bỗng còn một cây tiến đến chỗ trời để xin đặt tên. Trời nhìn thấy một cây nhỏ xíu như que hương, thân mảnh khảnh, lá lăn tăn. Trời hỏi:
– Chú bé tí xíu, có ích gì mà cũng xin đặt tên?
Cây nhỏ liền thưa:
– Thưa Trời, con rất có ích. Khi nấu canh riêu cá hoặc làm các món ăn như chả cá, chả mực mà không có con thì mất cả ngon.
Trời liền bảo:
– Ừ, ta sẽ nghĩ cho một cái tên. Tên chú thì… là…
Trời còn đang suy nghĩ, chưa biết nên đặt tên là gì, khi nhìn xuống thì cây nhỏ đã chạy đi xa rồi. Nó mừng rỡ nói với bạn bè: Trời đặt cho tôi là cây “Thì Là“!
Câu chuyện Ba anh em
Một gia đình nọ có ba người con trai. Khi các con đã khôn lớn, người cha gọi các con lại và bảo:
– Các con hãy đi học lấy một nghề. Bất kể nghề nào mà giúp ích được cho xã hội cũng đều đáng quý. Các con hãy học cho giỏi. Đứa nào giỏi nhất bố sẽ cho phần thưởng.
Người anh cả muốn làm thợ đống móng ngựa. Người anh thứ hai muốn làm thợ cạo. Người em út muốn làm thầy dạy võ. Ba anh em chia tay nhau mỗi người một ngả.
Cả ba người đều gặp được thầy giỏi. Ai cũng cố gắng học nên ai cũng thành thạo tay nghề.
Đúng ngày hẹn, ba anh em trở về nhà. Họ bàn tính xem làm thế nào để thi thố tài năng với nhau. Chợt, có một chú thỏ băng qua đồng cỏ. Anh thợ cạo reo lên:
– May quá, thật vừa đúng lúc.
Đợi cho thỏ chạy qua, anh cầm dao cạo râu cho thỏ mà không hề làm cho thỏ sầy da chút nào.
Người bố khen:
– Khá lắm, nếu anh con và em con không giỏi hơn thì bố cho con cái nhà.
Một lát sau, một cỗ xe ngựa phóng qua. Anh đóng móng ngựa nói:
– Bố xem tài con nhé!
Ảnh minh họa.
Anh liền tháo bốn móng sắt và thay bốn móng mới trong khi con ngựa vẫn phi đều.
Người bố lại khen:
– Con giỏi lắm, không kém gì em hai. Chẳng biết nên cho đứa nào nhà đây.
Vừa lúc ấy, trời bắt đầu mưa. Người em út nói:
– Thưa cha, giờ đến lượt con.
Anh liền tuốt gươm ra múa kín trên đầu. Không một giọt mưa nào rơi được vào mình anh. Trời mưa mỗi lúc một to. Nước mưa xối ào ào, song đầu tóc, quần áo anh vẫn khô nguyên.
Ông bố gật gù:
– Con là đứa giỏi nhất.
Hai người anh cũng trầm trồ thán phục và công nhận người em út xứng đáng được bố thưởng cái nhà. Phần thưởng quý báu mà cả đời người cha đã tạo dựng nên.
Nhưng từ nhỏ ba anh em vốn luôn yêu thương nhường nhịn nhau, nên đến giờ người em út không muốn một mình nhận ngôi nhà của cha. Anh xin cha cho ba anh em vẫn ở chung như trước.
Thế là họ lại chung sống với nhau, mỗi người giỏi một nghề. Họ tài và khéo như thế nên cuộc sống của họ sung túc. Họ vui vẻ, hòa thuận như vậy cho tới già.
Bài học hay từ những câu chuyện cổ tích
Truyện cổ tích dân gian ca ngợi đức tính tốt đẹp, phản ánh đời sống giản dị, khát vọng và mong ước của người Việt xưa.
[yeni-source src=”https://arttimes.vn/gia-dinh/truyen-co-tich-4-cau-chuyen-dan-gian-viet-nam-ngan-nhung-mang-y-nghia-sau-sac-c59a8856.html” alt_src=”https://eva.vn/nuoi-con-khoe-day-con-khon/truyen-co-tich-4-cau-chuyen-dan-gian-viet-nam-ngan-nhung-mang-y-nghia-sau-sac-c429a527130.html” name=””]