Nhiều khi, cha mẹ hay “dạy sẵn”, “làm sẵn” hoặc trả lời ngay câu hỏi của trẻ khiến trẻ không cần thiết phải động não.
Hồi các con gái tôi còn nhỏ, khi xem ti vi hoặc khi nghe một điều gì đó chưa hiểu rõ thì hay hỏi “(điều đó) nghĩa là sao ba?”, “con chưa hiểu người ta muốn nói gì”… Câu trả lời thực ra rất đơn giản, tôi chỉ thêm một hai gợi ý thì con đã biết đáp án. Vấn đề các con không chịu suy nghĩ. Vì vậy, tôi thấy rằng cần phải giúp con chịu nghĩ và biết nghĩ.
Tôi nhớ hồi nhỏ, ba tôi hay đố những câu hỏi “mẹo”, chắc ông cũng lượm lặt ở đâu đó; đại loại: Đèn nhờ gì mà sáng? Vì sao để đèn trước gương thì phòng sáng hơn bình thường? Có ba quả cam làm sao chia đều cho hai cha hai con?…
Ảnh mang tính minh họa – JCOMP |
Đó là những câu hỏi gợi sự suy nghĩ. Có thể tôi đã từng trả lời: nhờ bóng đèn, nhờ dầu, nhờ lửa, nhờ điện… Đúng mà cũng không đúng. Vì với từng loại đèn, có thể thiếu một trong những yếu tố đó thì không sáng được, nhưng điều khiến chúng ta phải thực sự tư duy là giữa ban ngày bật đèn lên thì gần như ta không thấy đèn sáng. Làm tương tự vào ban đêm, đèn sáng, sáng thực sự, vì nó giúp ta nhìn thấy nhiều thứ. Như vậy, đèn sáng nhờ… bóng tối.
Ở câu hỏi thứ hai, tôi nhớ ba tôi trả lời thế này: Vì có hai cái đèn nên sáng hơn! Đúng quá, có một cái đèn ở ngoài và một cái đèn trong gương nên sáng hơn là đương nhiên. Đó là câu trả lời cho con nít, khi nó chưa biết thế nào là phản xạ ánh sáng; thực tế ta thấy hai ngọn đèn bởi có sự phản xạ ánh sáng qua cái gương. Câu đố đó làm tôi mãi không quên câu chuyện của ông Edison khi một lần mẹ ông bệnh nặng, có sẵn bác sĩ chịu mổ nhưng không lấy đâu ra đèn để đủ sáng. Edison khi đó mới mười mấy tuổi đã biết… lẻn vào một cửa hiệu, “mượn tạm” rất nhiều gương mang về để phản chiếu tối đa ánh sáng của ngọn đèn trong nhà, nhờ đó giúp bác sĩ cứu được mẹ ông.
Còn câu hỏi thứ ba thì đơn giản hơn, nhiều người hẳn biết nói bốn người nhưng thực ra chỉ có ba: ông nội, cha và con, trong đó cha vừa là cha (của con) vừa là con (của ông nội). Vậy nên mỗi người một trái!
Những câu đố đó thường gợi cho trẻ suy nghĩ, bởi với nhiều lứa tuổi, câu hỏi dường như không quá khó để trẻ “lờ đi”, cũng không quá dễ để có thể trả lời ngay. Vấn đề là phải gợi ý để trẻ nghĩ. Người lớn đừng nên nghĩ trẻ là “người lớn thu nhỏ”, bởi có những điều người lớn thấy vô cùng dễ dàng thì trẻ lại không nghĩ đến, hoặc ngược lại, do thói quen, do kinh nghiệm, do cách nhìn và cả năng lực tư duy. Vì vậy, cách đơn giản nhất là thực nghiệm: bật sáng một cây nến (hoặc đèn pin) ở ngoài trời và ở trong phòng để trẻ phát hiện ra đáp án; đặt cây nến trước gương rồi dịch sang chỗ không có gương để nhận ra độ sáng của hai trường hợp; hỏi con về “vai” của bản thân đối với con (là cha) và đối với ông nội (là con) để trẻ nhận ra sự “trùng lặp” của hai vai khác nhau…
Ảnh mang tính minh họa – JCOMP |
Với những câu hỏi trẻ chưa nghĩ ra, nên gợi ý từng chút một, không chỉ để cho trẻ có được niềm vui vì tự mình tìm ra lời giải mà còn là một sự dẫn dắt, gợi ý cho trẻ suy nghĩ, một hình thức để rèn khả năng tư duy cho trẻ. Dần dần, trẻ biết xử lý thông tin, dữ kiện, biết thực hiện các kỹ năng của các phương pháp tư duy như loại suy, quy nạp, diễn dịch, dù ở mức đơn giản… Đó cũng là cách giúp tăng trí thông minh cho trẻ!
Nhiều khi, cha mẹ hay “dạy sẵn”, “làm sẵn” hoặc trả lời ngay câu hỏi của trẻ khiến trẻ không cần thiết phải động não. Thậm chí, có những vấn đề gì hơi khó khăn một chút thì tra trên internet, bài toán nào nhiều con số thì dùng máy tính… Lâu ngày bị lệ thuộc vào máy móc, phương tiện, não ít vận động, năng lực tư duy cũng có hạn.
Người lớn chúng ta vẫn hay bị “ì” về tư duy, do định kiến, do sử dụng thông tin – kiến thức cũ, do “quán tính” về tư duy, do lười suy nghĩ… Nếu trẻ không rèn luyện thì cũng sẽ bị “ì”, mà đã “ì” từ lúc nhỏ thì rất hại cho trẻ. Vì vậy, người lớn phải tập cho trẻ chịu nghĩ, bản thân cũng phải luôn vận động trí não, phải luôn học hỏi, không chỉ cho bản thân mà còn cho con em!
Nguyễn Minh Hải
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/day-con-biet-dong-nao-a1471441.html” name=””]