Nằm trên những vách đá nhìn ra biển, kiến trúc của các vườn chanh đã hạn chế một số vấn đề như sạt lở đất và cháy rừng, giúp bảo tồn cảnh quan của vùng đất nơi đây.
Phía trên những ngọn đồi xanh mướt gần bờ biển Amalfi (miền nam nước Ý), một người nông dân nhanh nhẹn nhảy qua những vườn chanh bậc thang nhìn ra Biển Địa Trung Hải.
Giữ thăng bằng giữa những cây cột gỗ, người này cúi xuống hái chanh và đặt chúng vào những chiếc thùng nặng hơn 25 kg giữa khu vườn thẳng đứng cách mặt đất hơn 400 mét.
Góc một vườn chanh ở Amalfi (Ảnh: CNN).
Năm 1997, Amalfi được tổ chức UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên của thế giới. Tại đây, bạn có thể cảm nhận được mùi hương của nhiều loại cỏ cây hòa quyện với nhau. Tiếng sóng biển vỗ rì rào át đi tiếng ồn ào của xe cộ và khách du lịch, đem lại cảm giác bình yên khó tả.
“Nước chanh mới là thứ đang chảy qua các mạch máu của tôi”, ông Gigino Aceto (87 tuổi) – người có gia đình trồng chanh ở Amalfi từ những năm 1800, chia sẻ. Từ bình minh đến hoàng hôn, cuộc sống của ông cụ chỉ xoay quanh những trái chanh. Ông ngủ ngay trong vườn chanh của mình và thưởng thức những món ăn từ chanh.
Chanh được coi là trung tâm của hệ sinh thái đa dạng của khu vực. Tuy nhiên, một điều đáng buồn là ông Aceto là một trong những người bảo vệ cuối cùng của nghề trồng chanh lâu đời này. Nó đang bị đe dọa bởi quá trình công nghiệp hóa, những thay đổi trong xã hội và biến đổi khí hậu.
Giống chanh của Amalfi được trồng ở một khu vực trải dài dọc theo Biển Tyrrhenian giữa Naples và Vịnh Salerno. Theo số liệu địa phương, khoảng 2.000 tấn hiện được thu hoạch mỗi năm quanh Bờ biển Amalfi. Thế nhưng các cuộc điều tra cho thấy những khu vực vườn chanh này đã suy giảm trong 60 năm qua.
Giorgia De Pasquale, một kiến trúc sư và nhà nghiên cứu tại Đại học Roma Tre, nói với CNN: “Chỉ riêng ở Amalfi, ruộng bậc thang trồng chanh đã giảm từ 72 ha xuống 48 ha từ năm 1954 đến năm 2015, trong khi rừng và quá trình đô thị hóa đang tăng lên đáng kể”. De Pasquale cho biết cô muốn tìm cách để duy trì và bảo tồn các cơ sở trồng chanh của địa phương.
Với màu vàng nhạt, hương thơm mát, mọng nước và vị ngọt, chanh Amalfi đã trở thành một thành phần chính trong ẩm thực truyền thống của khu vực.
Chúng được sử dụng trong các món như mì spaghetti, nước sốt cho món salad và cá nướng, món tráng miệng hay rượu Limoncello nổi tiếng của Ý. Và bởi đặc tính giàu vitamin C, B, E, kali và magiê, chúng còn được dùng để làm sạch quần áo và tạo ra các phương thuốc tự nhiên.
Ông Aceto giải thích: “Điều đầu tiên chúng tôi làm nếu thức dậy mà bị đau đầu là cho một ít vỏ chanh vào ly cà phê buổi sáng. Khi bị đứt tay, chúng tôi dùng chanh để vệ sinh. Nếu thấy không khỏe trong người, chúng tôi ăn mì spaghetti”.
Món spaghetti trứ danh của Amalfi (Ảnh: Internet).
Được trồng ở Amalfi vào đầu thời Trung cổ trong quá trình giao thương với người Ả Rập, những quả chanh Amalfi từng được các thủy thủ, đặc biệt là ở Bắc Âu, sử dụng để chống lại tình trạng thiếu hụt vitamin C. Chanh Amalfi cũng đóng một vai trò khá quan trọng trong cuộc chiến chống lại bệnh dịch tả ở Naples trong những năm 1950.
Nhưng đây không chỉ là những điều duy nhất khiến chanh Amalfi trở nên đặc biệt. Hệ thống nông nghiệp truyền thống ở đây đã chứng tỏ khả năng chống chịu với sự bất ổn của biến đổi khí hậu.
Nằm trên những vách đá nhìn ra biển, kiến trúc của các vườn chanh đã hạn chế một số vấn đề tồi tệ nhất, bao gồm sạt lở đất do mưa và cháy rừng. De Pasquale cho biết: “Các hộ gia đình trồng chanh đã giúp bảo vệ bờ biển khỏi sạt lở đất và các thảm họa môi trường khác nhờ khu vườn của mình. Nếu không có hoạt động nông nghiệp này, cảnh quan cảu Amalfi và toàn bộ đường bờ biển sẽ xấu đi theo thời gian và thậm chí có thể biến mất”.
Được xây dựng theo chiều dọc thành từng lớp, các vườn chanh được ngăn cách bởi những bức tường cao từ 3 đến bảy 7 mét làm bằng Macere – một loại đá vôi địa phương chịu được áp lực của đất và không thấm nước. Ngay cả ở thời điểm hiện tại, người ta chỉ có thể đi bộ hoặc cưỡi la để lên được những khu vườn này.
Hệ thống bậc thang có nhiệm vụ dẫn nước mưa tưới cây. Trong khi đó, những cây gỗ dẻ gai địa phương được sử dụng để tạo giàn che xung quanh cây chanh đồng thời cho phép người nông dân trèo lên để thu hoạch, chăm sóc. Một nhà văn người Ý còn gọi họ là những “nông dân bay”. Các tấm nhựa được dùng để bảo vệ cây chanh khỏi gió ngoài khơi cũng như tạo ra vùng khí hậu lý tưởng để sinh trưởng và phát triển.
Một người nông dân thu hoạch chanh (Ảnh: Internet).
Salvatore – người con trai 57 tuổi của ông Aceto, chia sẻ: “Mọi thứ kết hợp với nhau rất hiệu quả. Tuy nhiên, chúng tôi đang phải liên tục chiến đấu để chống lại các vấn đề do con người tạo ra, đặc biệt là nhiệt độ tăng cao do biến đổi khí hậu. Những trận hỏa hoạn thường xuyên xảy ra trong mùa hè cũng được coi là một thảm họa.
Duy trì việc trồng chanh là công việc tập thể. Các ruộng bậc thang đều kết nối với nhau. Nhưng ngày nay, một số đã bị bỏ hoang, bị biến thành nơi nghỉ dưỡng hay công trình xây dựng bất hợp pháp”.
Lợi nhuận thấp và chi phí cao của hệ thống nông nghiệp truyền thống đã khiến ngày càng nhiều người Amalfi bỏ nghề. Trong khi đó, sự phát triển của du lịch địa phương lại giúp đem đến cho họ thu nhập dễ dàng hơn.
Theo Salvatore, có một rủi ro là khi thế hệ của ông ngừng canh tác đất đai, kiến thức tích lũy qua nhiều thế kỷ của các cộng đồng địa phương có thể biến mất mãi mãi.
Theo De Pasquale, hầu hết khách du lịch đến Amalfi đều không biết về hệ thống này mà chỉ biết đến những khu vực nổi tiếng hơn. Để khắc phục, Salvatore và em trai đã tạo ra Lemon Tours – liên doanh du lịch nông nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về chanh Amalfi và vực dậy hình thức truyền thống được sử dụng để trồng loại cây này.
Lối dẫn lên một khu vườn (Ảnh: Internet).
Tại đây, họ làm người hướng dẫn cho một nhóm khoảng 5 khách du lịch, khám phá khu ruộng bậc thang được xây dựng cách đây hơn 1.000 năm, dạy cách nấu những món sử dụng chanh Amalfi
“Chúng tôi không vì du lịch mà làm sai lệch hoạt động kinh doanh lâu đời của mình. Hi vọng rằng hình thức chúng tôi đang triển khai sẽ được nhân rộng để đảm bảo tính hài hòa giữa truyền thống và hiện đại”, Salvatore chia sẻ.
Nguồn: CNN
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/cach-lam-du-lich-doc-dao-cua-mot-thi-tran-trong-chanh-o-mien-nam-nuoc-y-20220915113854532.chn” name=””]