Sau 8 năm sang Nhật, chị Thu Hiền lựa chọn làm mẹ toàn thời gian, đồng hành cùng con trong những năm tháng đầu đời.
Gác lại sự nghiệp ổn định để trở thành một người mẹ toàn thời gian chưa bao giờ là lựa chọn dễ dàng. Bởi lẽ ở nhà đồng nghĩa với hàng trăm công việc không tên, đòi hỏi chị em phụ nữ luôn “căng” mình xoay xở, từ nội trợ đến chăm sóc các con. Hơn thế, phái đẹp phải từ bỏ lối sống tự do và nhiều mối quan hệ xã hội trước đó, gần như xoay quanh chồng con 24/7.
Thế nhưng chị Thu Hiền (32 tuổi, Phú Thọ) đã quyết định nghỉ việc công việc văn phòng lương tháng khoảng 20 – 22 man (tương đương 40 – 45 triệu đồng) ở Nhật Bản để đồng hành cùng con trong những năm tháng đầu đời quan trọng. Dẫu vất vả hơn, dẫu kinh tế sẽ eo hẹp hơn nhưng người mẹ trẻ vẫn hướng đến lựa chọn mà mình tin rằng tốt nhất cho con.
Ở nhà, chị Thu Hiền bày nhiều trò vui cho 2 bé, dạy con tiếng Nhật, tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Các con sinh cách nhau năm một nên người mẹ trẻ có phần vất vả hơn. Bù lại, chị rút ngắn được giai đoạn làm mẹ bỉm sữa và có thời gian chăm lo cho sự nghiệp trong tương lai. Ngoài làm mẹ toàn thời gian, chị Hiền còn hoạt động năng nổ trên Youtube với kênh chia sẻ cuộc sống tại Nhật Bản thu hút hơn 76 nghìn người đăng ký.
8 năm trước, chị Hiền theo diện du học sinh tự túc. Trong khoảng thời gian đi làm thêm, chị gặp được ông xã người Nhật – anh Ryoichi tại khóa học Business Manner dành cho nhân viên mới của các công ty. Khi đó anh Ryoichi là nhóm trưởng nên đã chủ động rủ mọi người đi ăn trưa cùng nhau.
Thế mà cô gái Việt Nam lại từ chối vì muốn tiết kiệm tiền nên có tự mang theo đồ ăn. Anh Ryoichi cũng vì vậy mà chú ý đến chị Hiền, vì chị đi trễ trong buổi học đầu tiên lại còn từ chối lời mời của trưởng nhóm. Về phía chị Hiền, ấn tượng đầu tiên về ông xã là một người ngoan hiền nhưng lại kém mình tận 5 tuổi nên chị không quá để tâm.
Cuối cùng chị Hiền cũng bị thuyết phục đi ăn trưa cùng nhóm. Không dừng lại ở đó, anh Ryoichi còn đề nghị mời chị Hiền đi ăn tối và chở chị về nhà. “Trước khi đi, anh có ghé về nhà thay quần áo. Lúc đó mình cảm thấy anh “khoe” giàu rất khéo. Vì anh có nhà riêng, trước nhà lại còn có 3 chiếc xe hơi (cười)”.
Như bao cặp đôi khác, họ tìm hiểu, hẹn hò và quyết định tiến tới hôn nhân. Ban đầu gia đình chị Hiền không quá ủng hộ con lấy chồng ngoại quốc vì ngại xa xôi và sợ “mất” con. Thế mà sau khi gặp mặt chàng rể nhật, cả nhà đều “gật đầu”. Hiện tại, cặp đôi đã có 2 con gái, xây dựng tổ ấm hạnh phúc tại thành phố Naga (Nhật Bản).
Sang Nhật du học tự túc và kiếm được một công việc ổn định không hề đơn giản. Thế nhưng chị lại quyết định nghỉ việc và làm mẹ toàn thời gian. Vì sao vậy?
Công việc trước đây của mình thì là làm nhân viên văn phòng cho một công ty xây dựng của Nhật. Khi mà vợ chồng mình có dự định sinh em bé thì chúng mình đã bàn bạc và lên kế hoạch trước một cách kỹ lưỡng. Cả hai đều có chung suy nghĩ là tuổi thơ của con rất quan trọng và cũng rất ngắn ngủi, khi trôi qua rồi sẽ không thể nào quay lại được. Thế nên mình muốn dành nhiều thời gian ở bên con, chăm sóc, dạy dỗ và chơi đùa với con nhiều nhất có thể.
Kinh tế thì đương nhiên là khó khăn hơn nhưng mà chúng mình cảm thấy không sao cả, không dư dả tiêu xài hàng hiệu thôi chứ chăm chỉ tiết kiệm thì vẫn đủ ăn đủ mặc. Ưu tiên hàng đầu lúc này của chúng mình là dành thật nhiều tình yêu thương và sự chăm sóc cho con. Đó là lý do mình quyết định nghỉ việc để làm mẹ toàn thời gian.
Hỏi thật, chị có lo lắng khi không làm kinh tế sẽ nhận được những lời dị nghị không hay từ mọi người?
Như mình cũng nói ở trên thì hai vợ chồng cùng đưa ra quyết định nên mình không lo lắng gì về việc bị coi thường, dị nghị hay bị gọi là ăn bám. Bố mẹ chồng cũng rất ủng hộ quyết định này của bọn mình. Ông bà thường xuyên nói với chồng mình là việc nội trợ và chăm con vô cùng vất vả nên cần phải biết ơn vợ và phải giúp đỡ vợ những lúc nhàn rỗi. Thêm nữa là, nếu gửi trẻ hay cho đi học thêm lớp tiếng Việt, tiếng Anh thì sẽ tốn biết bao nhiêu tiền. Mình ở nhà vừa chăm con, vừa dạy con tiếng là quá tốt.
Nói chung gia đình chồng mình rất là coi trọng công việc ở nhà nội trợ và chăm con của mình nên mình chẳng có gì để lo lắng cả. Quan trọng là những người trong gia đình mình thôi, còn người ngoài họ dị nghị hay nói gì thì cũng kệ vì mình đâu có sống với họ.
Nhiều năm sinh sống ở nước ngoài, chị có thấy sự khác biệt văn hoá trong việc nuôi dạy con ở Nhật Bản và ở Việt Nam?
Khác biệt văn hoá thì nhiều, ví dụ ở Việt Nam, nhiều cha mẹ có văn hoá “nhồi ăn, thích những em bé ăn được nhiều, bụ bẫm. Ở Nhật thì chỉ chú trọng ăn đủ chất, ăn đa dạng món, ăn theo nhu cầu và áp dụng quy tắc bàn ăn rất nghiêm chỉnh. Hay ví dụ như Việt Nam có văn hoá “đánh chừa” còn Nhật thì không.
Thế nhưng mình nghĩ đó là ngày xưa thôi, chứ bây giờ các bố mẹ trẻ có rất nhiều nguồn kiến thức để tham khảo nên mình nghĩ sự khác biệt không nhiều. Mọi người cũng đều tìm tòi học hỏi để nuôi dạy con sao cho khoa học nhất, đúng chuẩn nhất nên về cơ bản là giống nhau thôi.
Giữa chị và chồng hay bố mẹ chồng có từng gặp bất đồng quan điểm khi dạy dỗ các bé?
Mình may mắn là không gặp vấn đề bất đồng quan điểm trong nuôi dạy con vì hai vợ chồng cũng đã bày tỏ quan điểm và thoả thuận rõ ràng trước khi sinh con rồi. Ở nhà mình thì “Anh đi làm kiếm tiền lo kinh tế, tôi ở nhà chăm con dạy con”. Thế chồng không can thiệp vào việc dạy con của mình. Ông bà nội cũng thế, quan điểm là “Con ai người nấy chăm, con ai người nấy chịu trách nhiệm” nên ông bà không bao giờ tham gia góp ý vào việc dạy con. Nhiều khi mọi người thấy mình cố gắng làm này làm kia quá còn bảo không cần áp lực quá đâu, dạy con cứ từ từ là được.
Bản thân mình cũng rất cố gắng tìm hiểu nhiều phương pháp nuôi dạy con, chắt lọc và cố gắng sử dụng sao cho hợp lý nhất thuận theo tính cách và đặc điểm của con nữa nên tới thời điểm hiện tại, mình nghĩ mọi thứ đều ổn.
Gia đình chị phân chia vai trò khá rõ ràng, vậy ông xã có sẵn lòng hỗ trợ vợ chăm sóc con?
Có chứ, chồng mình là một người cực kỳ chăm chỉ. Đi làm rất vất vả lại tăng ca rất nhiều, nhưng cứ về nhà là làm đủ việc từ đổ rác, cọ toilet, hút bụi… phụ vợ. Ngày nghỉ, anh ấy sẽ đưa vợ con đi chơi công viên, đi ngắm cảnh, phụ tắm cho con, cho con ăn. Nói chung nhờ chồng hỗ trợ nhiều, nếu không mình cũng “đuối” lắm.
Ông xã chị Hiền luôn sẵn sàng san sẻ việc nhà và trông con cùng vợ.
Chị chia sẻ thêm về 2 công chúa nhỏ nhà mình nhé?
Bé lớn nhà mình được 2 tuổi rưỡi còn bé nhỏ là 1 tuổi rưỡi. Nói chung các con vẫn còn bé nên cũng chưa thể hiện nhiều nét tính cách. Mình thấy chị lớn hiếu động, thích các trò chơi cảm giác mạnh, hướng ngoại, ra đường rất thích bắt chuyện với người khác. Đi mua đồ xong cũng bắt chuyện rồi bái bai cô thu ngân, lại còn rất là ra dáng chị, thích chỉ cho em cái này cái kia, rồi chăm sóc em, nhường em. Ai cho cái gì cũng chỉ sang em bảo cho cả em cháu nữa. Con tình cảm và quan tâm đến mọi người. Thấy mẹ nhăn nhó liền hỏi ngay “Mẹ sao thế?”, nếu mẹ kêu mệt thì sẽ massage và đấm lưng cho mẹ nữa.
Cô em thì ngược lại, ít nói, mặt lúc nào cũng tỉnh bơ, chỉ thích cái gì thì tập trung vào cái đấy ai gọi cũng mặc kệ không quan tâm. Nói chung trái ngược nhau hoàn toàn. Chỉ giống nhau là đều đáng yêu thôi (cười).
2 công chúa lai nhà chị Hiền và ông xã người Nhật.
Cuộc sống của một người mẹ toàn thời gian trên đất Nhật diễn ra như thế nào?
2 bé nhà mình chưa đi học nên một ngày của 3 mẹ con cũng đơn giản gồm ở nhà ăn uống, đọc sách, chơi đồ chơi hoặc đi dạo loanh quanh thôi. Vì dịch Covid-19 vẫn đang phức tạp nên mình cũng không dám cho con đi chơi chỗ nọ chỗ kia nhiều. Đi mua đồ ăn cũng là chồng làm vì mình chưa thể mang 2 bé mới 1 tuổi và 2 tuổi cùng đi siêu thị được. Sau này khi mà 2 bé đi mẫu giáo thì lịch sinh hoạt của 3 mẹ con sẽ phong phú hơn. Hiện tại thì chỉ ở nhà bày trò với nhau thôi.
Ở nhà chăm con 24/7, có bao giờ cảm thấy đuối sức? Nếu có chị đã vượt qua khoảng thời gian đó như thế nào?
Có chứ! Ở nhà suốt trong thời gian dài, hàng ngày chỉ quanh quẩn cơm nước, thay bỉm, chơi với con, nhiều khi con quấy khóc không chịu ngủ hoặc bé lớn đang bước vào độ tuổi khủng hoảng lên 2 – 3 thì mình cũng dễ đuối sức lắm.
Những lúc mệt, mình chọn cách tối giản hóa mọi thứ. Ví dụ như mình không nấu cơm mà cho con ăn baby food bán sẵn hoặc gọi đồ ngon ngon về cho 3 mẹ con. Mình không dạy học, đọc sách hay bày trò như mọi khi mà nói với con: “Hôm nay mẹ mệt quá, con tự chơi ngoan giúp mẹ nhé” hoặc là mấy mẹ con cứ nằm dài hát hò, coi tivi. Nếu ông xã ở nhà, mình sẽ nhờ anh đưa mấy mẹ con đi chơi, đi ăn, đi mua sắm thay đổi không khí. Cho phép mình nghỉ ngơi và tận hưởng những niềm vui nhỏ chính là cách “nạp” năng lượng tốt nhất.
Dành nhiều thời gian bên con, chị có đặt ra nguyên tắc hay kỳ vọng gì trong việc nuôi dạy trẻ?
Mình không có kỳ vọng gì đối với các con, chỉ mong các con khỏe mạnh và vui vẻ. Khi nuôi dạy con, mình muốn con có một tuổi thơ hồn nhiên và vui vẻ. Do đó, mình hướng tới phương pháp dạy con không la mắng, không đòn roi. Lý thuyết và thực tế khác nhau nhiều nên cũng khó lắm. Nhiều lúc mình mệt rồi con quấy quá, mình cũng không kiềm chế được mà la con vài câu.
Nói chung mình vẫn đang cố gắng từng ngày, học hỏi và hoàn thiện bản thân trên hành trình làm mẹ. Mình ưu tiên dạy con biết lễ nghĩa, phép tắc trước khi dạy con kiến thức. Con có thể chưa thuộc bảng chữ cái, chưa biết cờ các nước, chưa biết nói 2 – 3 thứ tiếng nhưng con nhất định phải biết nói cảm ơn mỗi khi nhận được gì đó, biết xin lỗi mỗi khi làm điều không đúng. Biết giữ trật tự khi ở nơi công cộng, biết quan tâm và yêu thương mọi người. Mình cũng cố gắng để đưa các con ra ngoài chơi thật nhiều, cho con tiếp xúc với thiên nhiên cỏ cây hoa lá, mình muốn con năng động tự tin và thích tìm tòi khám phá.
Cảm ơn chị đã chia sẻ! Mến chúc gia đình mình thật nhiều niềm vui và sức khoẻ.
[yeni-source src=”http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/lay-chong-nhat-kem-5-tuoi-co-gai-phu-tho-nghi-viec-luong-cao-o-nha-nuoi-2-con-gai-d302053.html” alt_src=”” name=””]