Một báu vật cổ sinh vật học đã được khai quật từ Hệ tầng Gogo ở Kimberley, miền Tây nước Úc: Một trái tim với độ nguyên vẹn khó tin từ một sinh vật tuyệt chủng sống vào kỷ Devon.
Theo bài công bố trên tạp chí Science, phần hóa thạch thu được còn bao gồm một phần gan, dạ dày và ruột, thuộc về một loài cá có hàm cổ đại, đã tuyệt chủng thuộc lớp Arthrodires. Arthrodires mang hình hài quái dị với lớp giáp dày bao bọc cơ thể, phát triển mạnh vào kỷ Devon (419,2 đến 358,9 triệu năm về trước).
Cận cảnh trái tim hóa thạch gây kinh ngạc – Ảnh: ĐẠI HỌC CURTIN
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi giáo sư Kate Trinajstic từ Trường Khoa học phân tử và đời sống Curtin (thuộc Đại học Curtin – Úc) và Bảo tàng Tây Úc cho biết đây là một phát hiện đáng chú ý vì các mô mềm của các loài cổ đại rất hiếm khi được bảo quản dưới dạng hóa thạch.
Bà cũng tiết lộ đây là hóa thạch mô mềm đầu tiên mà ông tìm thấy trong suốt 20 năm làm việc trong lĩnh vực cổ sinh vật học, chưa kể mẫu vật hoàn toàn trông như một xác ướp – dưới dạng 3D.
Hóa thạch được mô tả là “giấc mơ” của các nhà cổ sinh vật học, cung cấp một “cửa sổ” để họ có cái nhìn vượt thời gian về lịch sử tiến hóa.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một kỹ thuật quét mới ứng dụng tia X để quét các mẫu vật vẫn còn nằm trong khối đá vôi, sau đó xây dựng hình ảnh ba chiều của các mô mềm bên trong chúng, dựa trên mật độ các khoáng chất khác nhau được lắng đọng bởi vi khuẩn và nền đá xung quanh.
Phát hiện đặc biệt này, đặc biệt là trái tim – thứ có độ nguyên vẹn cao nhất, cung cấp vô số chi tiết mới về tình trạng của sinh vật bí ẩn này, bởi cá có hàm cổ đại Arthrodires chính là “bước nhảy vọt tiến hóa” quan trọng trong thế giới cổ sinh vật học.
Chúng chính là cầu nối giữa động vật không hàm sơ khai và động vật có xương sống tiên tiến hơn, tổ tiên của chúng ta.
“Những con cá này thực sự có trái tim trong miệng mà dưới mang – giống như cá mập ngày nay” – tờ SciTech Daily dẫn lời giáo sư Trinajstic nói về kết cấu cơ thể kỳ lạ của sinh vật, điều lần đầu tiên được xác thực thông qua bằng chứng hóa thạch trực tiếp.
Sử dụng các kỹ thuật quét hiện đại, nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu chi tiết về bộ nội tạng này mà không cần phải phá hủy đó, nhờ đó bảo quản được báu vật cổ sinh vật học này cho các nghiên cứu tiếp theo.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/trai-tim-quai-thu-nguyen-ven-sau-380-trieu-nam-cua-so-vuot-thoi-gian-20220917172007581.chn” name=””]