Nữ hoàng Elizabeth II là người bảo trợ của nền công nghiệp thời trang nước Anh khi sinh thời. Bà thường xuyên có mặt ở những Tuần lễ thời trang trong nước.
Theo SCMP, hai năm trước, Caroline Rush, Giám đốc điều hành của Hội đồng Thời trang Anh và các thành viên cùng nhóm đã soạn một bản kế hoạch dự phòng nếu Nữ hoàng Elizabeth II qua đời vào đúng thời điểm đang diễn ra Tuần lễ thời trang London. Đây là sự kiện quan trọng diễn ra hai năm một lần nhằm thể hiện được phong cách thời trang của Vương quốc.
Không ngờ, bản kế hoạch dự trù này được áp dụng khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời vào ngày 8/9, chỉ vài ngày trước khi buổi trình diễn ở London được bắt đầu. Đây cũng là sự trở lại của Tuần lễ thời trang London sau hơn hai năm đại dịch Covid-19 diễn ra.
Người mẫu đeo khăn đen để bày tỏ lòng thành kính với Nữ hoàng Elizabeth II. Ảnh: SCMP.
Khi nghe tin về Nữ hoàng, Burberry – thương hiệu xa xỉ hàng đầu nước Anh – thông báo rằng họ hủy bỏ buổi trình diễn. Lúc này, có nhiều tin đồn rằng Tuần lễ thời trang London sẽ bị huỷ bỏ.
“Đó là thời khắc lịch sử và chúng tôi phải làm mọi thứ theo cách khác. Chúng tôi thấy thương cho những nhà thiết kế đã đầu tư rất nhiều tiền và thời gian cho các buổi trình diễn. Tuần lễ thời trang được coi là nền tảng tiếp thị trên toàn cầu, giúp các nhà thiết kế được tiếp cận với truyền thông quốc tế, các nhà bán lẻ và thúc đẩy sự tò mò muốn sở hữu của người tiêu dùng. Có thể nói Tuần lễ thời trang là thời điểm quan trọng cho sự phát triển của các nhà thiết kế”, Rush bày tỏ.
Burberry có thể chấp nhận thiệt hại khi hủy hoặc hoãn buổi trình diễn, tuy nhiên đây không phải cách hay cho hầu hết thương hiệu còn lại ở Tuần lễ thời trang London bởi còn nhiều thương hiệu nhỏ, không được trợ giúp bởi các nguồn lực từ các công ty lớn.
Cuối cùng, đa phần các buổi biểu diễn của tuần lễ vẫn được tiến hành. Tuy nhiên, có nhiều sự kiện phụ trợ nhỏ phải huỷ bỏ và không có buổi biểu diễn nào được diễn ra vào ngày tổ chức lễ tang Nữ hoàng Elizabeth II.
Caroline Rush là giám đốc điều hành của Hội đồng thời trang Anh. Ảnh: Getty Images.
Trong Tuần lễ thời trang London, nhiều nhà thiết kế bày tỏ lòng kính trọng đối với Nữ hoàng bằng cách để người mẫu đội khăn tang màu đen như một cách trang nhã để tưởng niệm nữ hoàng.
Khi sinh thời, Nữ hoàng Elizabeth II có mối liên quan lớn với nền thời trang nước nhà. Năm 2017, năm bà bước sang tuổi 90, Hội đồng Thời trang Anh đã thành lập Giải thưởng Nữ hoàng Elizabeth II dành cho Thiết kế của Anh. Đây là giải thưởng mà chính nữ hoàng trao cho người nhận giải là Richard Quinn.
Thời điểm đó, sự xuất hiện của Nữ hoàng Elizabeth II khiến truyền thông thế giới đặc biệt chú ý. Tại sự kiện này, Nữ hoàng Elizabeth II ngồi cạnh tổng biên tập tạp chí Vogue Mỹ Anna Wintour.
London từ lâu đã trở thành điểm nóng của nền thời trang thế giới. Hội đồng Thời trang Anh cũng được coi là hội đồng uy tín, có vai trò lớn trong việc thực hiện sứ mệnh quảng bá nền thời trang nước nhà ra thế giới. Vì thế, Tuần lễ thời trang London được hoạt động hơi khác so với các thực thể tương tự ở Milan và Paris.
Nhiều nhà thiết kế độc lập, đơn lẻ đã biến Tuần lễ thời trang thành địa điểm thú vị, tạo nên cơ hội khám phá nhiều góc mới về Tuần lễ cho giới truyền thông, nhà bán lẻ và người tiêu dùng.
Nữ hoàng Elizabeth bên nhà báo kiêm biên tập viên Anna Wintour trong Tuần lễ thời trang London năm 2017. Ảnh: SCMP.
Các chương trình từ nhãn hiệu lâu đời hơn như Simone Rocha, Molly Goddard và Christopher Kane hay nhãn hiệu nổi tiếng như Chopova Lowena và Nensi Dojaka đã cho thấy sự sáng tạo, khả năng hài hước khi tham gia Tuần lễ thời trang 2022. Các thương hiệu, nhà thiết kế nước Anh có một niềm tin rằng nền thời trang nước nhà sẽ phát triển, không giống bất kỳ quốc gia nào. Điều này giúp Nữ hoàng Elizabeth II tự hào về sự bảo trợ của bà đối với ngành công nghiệp này.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/dang-sau-hinh-anh-nguoi-mau-deo-khan-den-tren-san-dien-2022092415482326.chn” name=””]