Người đi cũng đã đi rồi. Nhưng nỗi ân hận của bạn còn ở lại dai dẳng. Giá mà bạn có thể dịu dàng với mẹ.
Mấy ai không có những nỗi niềm hối tiếc khi nghĩ về cha mẹ (Ảnh minh họa) |
Sau những năm mẹ mất, tôi vẫn được gặp mẹ trong giấc mơ. Tôi có tìm đọc tài liệu, sách lý giải về những giấc mơ, xem thử có thông điệp gì đó cho mình không. Nhưng mãi tôi vẫn chẳng tìm ra thông điệp gì, đành lý giải theo cách của mình là: Giấc mơ sẽ tái hiện những điều trí não mình nghĩ về, cả trong ý thức lẫn tiềm thức.
Nhưng dù sao, được gặp mẹ trong mơ tôi vẫn thấy vui. Dù khi thức giấc, tôi phải đối diện với sự thật rằng mẹ mất rồi.
Có lần trong mơ tôi hỏi mẹ có buồn con điều gì không? Như cái lần con vào viện ở với mẹ mà thấy ngày dài quá, con ra tiệm gội đầu gần đó tranh thủ gội đầu, giữa trưa nắng, được mát-xa êm ái làm con ngủ quên một giấc đến gần chiều. Lúc về con hoảng hốt khi nhìn kim tiêm đang hút ngược máu lên ống dây, vì chai truyền đã hết nước. Lúc dẫn chuyền, y tá đã dặn kỹ con phải gọi họ trước khi chai cạn nước. May mà lần đó không sao, nhưng con cứ tự trách mình về sự vô ý đó.
Vậy nên trong mơ, tôi còn bật ra câu hỏi ấy để xem có thể phần nào nguôi ngoai nỗi ân hận của mình. Nhưng đương nhiên, đó chỉ là giấc mơ.
Bạn tôi thì vướng vào nỗi ân hận khác. Ba bạn nhập viện vài ngày thì mất ngay mùa COVID-19. Lúc đó thành phố chưa có lệnh giãn cách nên tôi ghé đám tang thắp cho ba bạn nén nhang. Tôi thấy giọt nước mắt bạn cứ chực trào dù đã cố nén lại, nhưng đến khi bạn đưa cho tôi xem bức ảnh sau cùng của ba mà đứa em tình cờ chụp lại, bạn bật khóc nức nở.
Tôi hiểu tâm trạng của bạn khi nhìn bức ảnh ba ngồi ăn cơm hộp mua ở căng-tin bệnh viện vào chiều mùng Ba tết. Thời điểm đó bệnh viện không cho người nhà vào thăm. Chỉ duy nhất một người đăng ký ở hẳn chăm bệnh nhân. Em trai bạn ở lại với ba.
Bạn lấy chồng rồi sinh con, tất bật với tổ ấm riêng nên rất ít khi về nhà ba mẹ. Nếu có về cũng hối hả chỉ kịp đưa ba mẹ gói bánh gói quà, hộp sữa, rồi đi. Và hình như lâu lắm rồi bạn chưa nấu cơm cho ba, để rồi day dứt mãi khi nhìn tấm ảnh đó.
Bạn cũng không nghĩ ba rời bỏ mình đi nhanh như vậy. Bạn còn định đợi ba mạnh khỏe xuất viện về, lúc đó đám nhỏ cũng đến trường, bạn sẽ qua lại chăm sóc ba. Có ngờ đâu ba ra đi khi mùa xuân còn vàng rực trên những tán mai trước hiên nhà, chẳng kịp “đợi ít bữa nữa” như trong dự định của bạn.
Người bạn đồng nghiệp của tôi cũng nặng trĩu tâm tư mỗi khi có điều gì gợi nhớ về người mẹ quá cố. Bạn với mẹ khắc khẩu. Ở xa thì nhớ nhung, nhưng chỉ cần gặp mặt hay nói chuyện qua điện thoại thôi cũng có thể làm thành cuộc cãi vã đổ lửa.
Bạn nói, không hiểu sao bạn không kiềm chế được, cứ câu trước câu sau thể nào cũng có chuyện. Mà phải chi người dưng thì mình lờ đi, kệ. Đằng này là mẹ mình. Sau phút giây không kiềm chế được, bạn thốt ra những lời khó nghe làm buồn lòng mẹ. Mẹ không vui, bạn thì bứt rứt khó chịu. Cứ lặp lại như vậy không biết bao nhiêu lần cho đến lần cuối cùng. Đó là lần bạn cảm thấy hết sức chịu đựng và không muốn liên lạc với mẹ nữa. Bạn nói ra điều ấy rồi cúp máy. Sợ mình không đủ quyết tâm, bạn lấy sim ra khỏi máy, tạm thời không dùng điện thoại một thời gian.
Không ngờ chính khoảng thời gian đó mẹ bạn nhập viện, ít ngày sau thì ra đi nhẹ nhàng.
Người đi cũng đã đi rồi. Nhưng nỗi ân hận của bạn còn ở lại dai dẳng. Giá mà bạn có thể dịu dàng với mẹ, như với những mối quan hệ xã giao hằng ngày mà bạn tiếp xúc. Giá mà bạn biết đó là lần cuối cùng để nói với mẹ rằng, bạn yêu mẹ, bạn xin lỗi mẹ thật nhiều!
Nhưng thời gian không bao giờ trở lại. Điều ước của những người con dù có thiết tha mấy cũng tan loãng vào bầu trời xanh thẳm, rồi theo gió bay đi. Vậy nên, hiện tại luôn là cơ hội tốt nhất để con được thể hiện yêu thương đối với cha mẹ.
Ti Gôn
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/thoi-gian-khong-tro-lai-a1473536.html” name=””]