Có phải những buổi chiều ngày xưa ấm áp lắm không? Sao khói bếp nhà ai cũng bay lên, bất kể mùa đông hay mùa hè, mùa xuân hay mùa thu?
Mỗi buổi chiều ký ức xa xăm từ làn khói bếp bảng lảng lại hiện về uốn lượn trong trí nhớ tôi. Có phải những buổi chiều ngày xưa ấm áp lắm không? Sao khói bếp nhà ai cũng bay lên, bất kể mùa đông hay mùa hè, mùa xuân hay mùa thu? Nhất định khi mặt trời lặn phía đằng tây, khói bếp nhà nhà lại bay?
Khói bếp chuẩn bị cho bữa cơm chiều, mẹ tôi đi làm đồng về là có nồi cơm ấm nóng. Khói tô điểm cho mái ngói thành màu đen đậm, chẳng có rêu phong nào bám vào được nữa. Mẹ tôi gác rất nhiều rổ, rá – những đồ làm bằng tre trên nóc bếp, khói bếp làm bồ hóng phất phơ những sợi tơ màu đen mỏng.
Chẳng biết bồ hóng có chất gì mà những dụng cụ làm bằng tre của bà, của mẹ thêm bền và chắc chắn. Cả những chùm bồ kết gội đầu chưa kịp hong khô cũng được treo lên, để trên gác bếp chất đầy những trái bồ kết ám khói bếp. Mỗi khi lấy bồ kết đun nước gội đầu, bàn tay mình lại lấm lem màu đen vương ra từ bồ hóng.
Từ những căn bếp ấm áp, khỏi bếp nhà nhà bay lên (Ảnh minh họa) |
Tôi thường ngắm khói bếp bảng lảng trên mái ngói mọi nhà, màu khói trắng xám bay bay uốn lượn, mùi khói ngai ngái như đánh dấu vào tiềm thức rằng nó rất đặc trưng, rất khó để quên. Có những buổi chiều tôi ngồi rất lâu bên hiên nhà đợi mẹ đi làm đồng về. Trẻ con ngày xưa, thời gian rảnh dường như mênh mang vô tận, thế nên tôi ngồi ngắm làn khói bếp bà nhóm lên từ những sợi rơm vàng óng. Màu khói uốn lượn như mây, có hình thù, màu sắc nhưng chẳng thế nào cầm nắm được.
Hồi chưa biết đến môn vật lý, tôi mặc nhiên rằng mây được làm từ khói, khói bay lên để kết vầng khối lớn tạo thành mây. Sau này được học và biết rằng những đám mây đẹp đẽ trên bầu trời kia có được do sự ngưng tụ hơi nước mà tạo thành. Vòng tròn khép kín của hơi nước, gió, mưa nên mình có chút gì đó hẫng hụt vì thực tế không như mình tưởng tượng. Không hiểu khói bếp sẽ bay đi đâu?
Những ngày mưa phùn ẩm thấp, khói bếp nhà nhà vẫn bay bay. Mẹ tôi rút bó rơm ẩm ướt vào bếp, vừa để cạnh đốm lửa đỏ sấy cho rơm khô, vừa thổi cho lửa cháy thêm rực. Khói đều đặn bay lên hằng ngày dường như xua tan đi cái lạnh lẽo lòng người, mang hơi ấm lan tỏa chen lấn vào cái lạnh giá. Có khói tức là có lửa nhà ai đang thắp, mỗi bếp lửa sẽ mang hơi ấm cho mọi người.
Ảnh minh họa |
Tôi thích ngồi bên bếp lửa ngắm từng cọng rơm cháy hết rồi hóa thành tro, muốn nồi cơm thật lâu sôi, cứ mãi ngưng đọng như thế. Con mèo mướp khôn lanh biết rúc vào bếp tro tìm hơi ấm, thỉnh thoảng lại vẫy cái bộ lông dính đầy tro rồi đi ra khỏi căn bếp nhỏ. Ngồi bên bếp lửa, tôi nghe tiếng nồi nước ùng ục sôi, như sự đầm ấm đang trào dâng. Chiếc que cời bếp như cây bút khổng lồ, tôi lấy viết bài thơ màu than đen lên tường bếp, bài thơ Mèo con đi học.
Thế mà bao nhiêu năm sau, vết than không mờ, nó như chứng tích thời ngây thơ.
Thời bây giờ hiện đại rồi, khói bếp chẳng còn bay. Người ta nấu cơm bằng gas, bằng điện. Tôi bỗng nhớ về ngày xưa. Thì không có khói bếp, mây vẫn bay đủng đỉnh trên bầu trời. Chỉ có mình mênh mang nhớ nhung mà thôi. Rồi mình lại gieo vào lòng thắc mắc nho nhỏ: không có khói bếp mà sao mắt vẫn cay?
Thanh Nga
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/khoi-bep-nha-nha-bay-len-a1474134.html” name=””]