Giá cả thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chế biến sẵn tăng với tốc độ chóng mặt đã khiến nhiều người chần chừ trước việc mua món ăn mà mình yêu thích.
Trước quyết định tăng lãi suất lần thứ 5 liên tiếp vào ngày 21/09 của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED), đồng tiền won của Hàn Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 13 năm qua. Sự chênh lệch tỷ giá giữa đồng won và đồng USD đã khiến giá cả tiêu dùng tại Hàn Quốc tăng vọt, đặc biệt là trong ngành thực phẩm.
Giá trái cây nhập khẩu tăng mất kiểm soát
Chia sẻ với tờ Korea Times, một nhân viên văn phòng 34 tuổi họ Kim vô cùng ngạc nhiên khi thấy chuối được bày bán tại các siêu thị trở nên đắt đỏ: “Tôi đã mua chuối mỗi tuần trong vòng nhiều năm, nhưng chưa bao giờ chứng kiến trường hợp giá cao như vậy. Điều đó khiến cho tôi phải ngần ngại trước việc mua chúng“.
Theo Tổng công ty Thương mại nông, thuỷ sản và thực phẩm Hàn Quốc, giá bán buôn của chuối nhập khẩu vào ngày 3/10 nằm ở mức 31.100 won (hơn 500.000 VNĐ)/13kg, tăng 10,2% so với tháng 9 và tăng 23,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, giá một số loại trái cây nhập khẩu khác như xoài và dứa cũng tăng gần 10% so với tháng trước.
Ngoài chi phí sản xuất và hậu cần, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên đến từ việc tỷ giá hối đoái của đồng USD so với đồng won tăng vọt từ đầu năm 2022 đến nay.
Việc tăng giá liên tục khiến các siêu thị địa phương tại Hàn Quốc đang có xu hướng đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm trái cây nội địa do nguồn cung dồi dào và giá cả ổn định.
Chủ một cơ sở kinh doanh bán lẻ cho hay: “Chúng tôi tin rằng giá trái cây và thực phẩm nhập khẩu nói chung sẽ tăng trong vài tuần tới bởi sự mất giá nhanh chóng của đồng won so với đồng USD. Chính vì thế, chúng tôi sẽ tập trung bán nhiều trái cây sản xuất trong nước hơn”.
Theo đó, giá trái cây sản xuất trong nước như táo và nho mẫu đơn đã giảm lần lượt 14,6% và 21% so với cùng kỳ năm trước. Điều này dẫn đến việc số lượng trái cây nội địa được tiêu thụ trên thị trường đã tăng 11,5% trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay.
Gimbap – món ăn quốc dân cũng không thoát được cơn bão giá
Gimbap vốn được biết đến như một món ăn quốc dân vô cùng phổ biến trên khắp Hàn Quốc, được người dân sử dụng như cả bữa ăn chính lẫn bữa ăn phụ nhờ vào sự tiện lợi cũng như giá cả vô cùng bình dân.
Tuy nhiên, giá thực phẩm tăng dẫn đến một cuộn gimbap tại thời điểm hiện tại có mức giá hơn 3.000 won (hơn 50.000 VNĐ), gấp 3 lần so với giá không lâu trước đây, theo Nhật báo JoongAng.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự việc trên được cho là do tình hình biến động của thế giới, bên cạnh đó là điều kiện thời tiết khắc nghiệt khiến cho giá các nguyên liệu chủ yếu của món ăn là rau củ quả tăng vọt. Theo dự đoán, xu hướng tăng giá thực phẩm chế biễn sẵn sẽ chưa dừng lại ở đây.
Gimbap – món ăn bình dân nổi tiếng của xứ sở Kim Chi cũng tăng giá chóng mặt.
Bên cạnh gimbap, giá cả của các món ăn bình dân khác cũng có sự tăng nhẹ từ khoảng 0,5 đến 2% so với giá trước đó. Cụ thể, giá 200 gram lòng lợn (samgyeopsal) tăng 1,7%, giá một bát thịt hầm kim chi tăng 1%, giá mì lạnh và mì cắt tăng từ 0,5 đến 0,7%.
Theo đó, mức tăng chi phí ăn uống trong tháng 8 là 8,8%, đạt tỷ lệ cao nhất trong khoảng 30 năm trở lại đây và đã duy trì trong 3 tháng liên tiếp. Theo dữ liệu đến từ Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, giá của 39 mặt hàng thực phẩm phổ biến tại nước này trong tháng 8 đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù Chính phủ dự kiến lạm phát sẽ đạt đỉnh vào tháng 9 và tháng 10, tuy nhiên gánh nặng giá cả mà người tiêu dùng phải gánh chịu do chi phí ăn uống tăng cao dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài trong khoảng thời gian tới. Không giống các mặt hàng tươi sống như thịt hoặc thuỷ hải sản, giá cả thực phẩm chế biến sẵn một khi đã tăng sẽ khó có thể giảm xuống như trước.
Giá lương thực và nhiên liệu tiếp tục cũng có xu hướng tăng không ngừng. Bên cạnh đó, chi phí lao động cũng là một gánh nặng lớn cho nền kinh tế khi số lượng người lao động trong ngành dịch vụ ăn uống đang thiếu hụt đến 74.361 người trong nửa đầu năm 2022.
Ông Lee Eun-hee, giáo sư khoa học tiêu dùng tại Đại học Inha chia sẻ: “Áp lực về việc tăng giá thực phẩm chỉ có thể chấm dứt khi giá nguyên vật liệu thô ngừng tăng và đồng won ngừng mất giá“.
Trước tình trạng giá thực phẩm tăng chóng mặt, nhiều người Hàn Quốc bắt đầu áp dụng các “chiến thuật” tiết kiệm. Theo Korea Times, một nhân viên văn phòng 32 tuổi họ Kim chia sẻ anh đã phải mang bữa trưa nhà làm đi vì mọi nhà hàng quanh văn phòng đều bị “bão giá” quét qua.
Nhiều người Hàn giờ không dám ăn bên ngoài.
“Tôi không ăn những món đắt tiền hay đến những nhà hàng sang trọng, nhưng vì dạo này mọi thứ trong thực đơn đều có giá hơn 10.000 won (gần 170.000 VNĐ), tôi quyết định tự mang bữa trưa đi làm. Đó là cách duy nhất để sống với mức lương hiện tại của tôi – thứ không tăng theo kịp” – Kim nói.
Suốt vài tháng đầu năm, Kang – trụ cột 43 tuổi của gia đình anh đã không đưa cả nhà đi ăn ngoài. “Tôi có 2 con và một người vợ. Nếu chúng tôi đi ăn tối, tôi phải chi ít nhất 150.000 won (hơn 2,5 triệu VNĐ) trong những ngày này. Giả sử nếu chúng tôi đi ăn ngoài một lần một tuần, thì sẽ phải tốn 600.000 won (hơn 10 triệu VNĐ) mỗi tháng và đó mới là tính riêng tiền ăn ngoài. Không đời nào tôi có thể trả nổi khi phải trả cả tiền thuê nhà, tiền học riêng cho con và các chi phí sinh hoạt khác“, anh nói.
Nguồn: Korea Times, JoongAng
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/nguoi-han-khong-dam-mua-trai-cay-nhap-khau-vi-bao-gia-mon-an-binh-dan-nhat-cung-tang-gap-3-20221006135806027.chn” name=””]