Không cần đợi tới mùa lụt, hễ trời đổ mưa, ba tôi liền vác vó đi kéo cá. Vó là dụng cụ bắt cá, tôm, gồm một tấm lưới vuông có bốn góc mắc vào bốn đầu gọng để kéo. Bây giờ, mỗi đứa con xa nhà, hễ nhìn thấy “vó”, lập tức nhớ về những bữa cơm cá đồng, đứa gắp con tép, con mương, đứa gắp con rô, con diếc…
Chỉ có ăn cá đồng, mới có cơ hội ăn một lúc 5, 7 loại cá. Cái vó thần thánh, có thể kéo các loại cá từ ao, hồ, ruộng sâu lên. Thật ra, có khi người kéo đứng vài giờ đồng hồ, nhưng số cá thu về chỉ có thể kho được trong một cái nồi nho nhỏ.
Lớn lên từ nông thôn, hẳn không ai không biết vị cá đồng. Nó khá tanh, nhưng ai đã quen mùi, thì lại… ghiền. Cá đồng bây giờ hiếm, là đặc sản rồi. Thử ăn con lóc, con trê, con rô chấm với mắm gừng đi, tới cái vảy cũng ngon. Hôm nào ba kéo vó về chừng ba con cá diếc trở lên, mẹ liền nấu nồi canh cá diếc, rau răm. Nước canh cá diếc rau răm cho vị ngọt dịu, mùi thơm đặc trưng. Cá diếc tuy hơi xương nhưng thịt mềm, vừa ăn vừa lựa xương cũng thú vị. Trẻ em nông thôn biết vị trí nào trên thân cá ít xương, nhưng thường thì mẹ cầm nghiêng đôi đũa, lật phần vai cá, là chỗ nhiều thịt nhất, cho vào chén của đứa con bé nhất.
Trong các loại trứng cá, có thể nói, trứng cá diếc là hàng đầu, vì ngon tuyệt đỉnh, vừa giòn, vừa bùi và thơm. Khi viết ra những dòng này, tôi lại hình dung có khi mẹ tôi cắt cá lóc ra những khoanh tròn, hoặc nếu cá lóc nho nhỏ thì để nguyên con, kho chung với một ít tép, vài ba con cá rô, cá mương mà ba cất vó về.
Nồi cá đồng bừng lên sắc vàng nhờ có bột nghệ hoặc nghệ củ giã nhỏ. Ngon hơn nữa là có thêm lá nghệ, lá gừng, dĩ nhiên không thể thiếu ớt. Sự góp mặt của những gia vị này mới thật sự đúng điệu. Ở quê, nhiều nhà chừa một khoảnh đất nho nhỏ để trồng hai loại gia vị này, cũng có nhà trồng dọc hàng rào.
Cá đồng vẫn là món ưa thích của người nhà quê mỗi khi mưa xuống, lũ về. Ngày nay, dù có biết bao món ngon vật lạ được nâng cấp, giữa thời đại sành ăn này, người quê vẫn chọn món cá đồng. Ở thành phố bây giờ, không ít người trồng lá nghệ, lá gừng trong chậu. Họ ở quê vào phố, mang gu ăn uống của người quê theo cùng.
Cá đồng bây giờ không còn nhiều, nhưng mỗi khi mưa xuống, ở chợ quê, vẫn còn các mẹ, các chị ngồi bán loại cá “nhà làm”, dù không hề rẻ so với cá biển, nhưng chỉ cần nhìn thấy là khách muốn mua ngay. Các mẹ, các chị vừa chạm chân đầu chợ, đã có người hỏi mua, thậm chí trên đường ra chợ, đã có
người đón.
Kho cá cần kiên nhẫn từ khâu ướp |
Với những người có sở thích thả gọng vó mỗi khi mưa xuống như ba tôi, không chỉ để cải thiện bữa ăn một thời gian khó, mà còn thú đam mê. Ba tôi có thể đứng nhiều giờ ngoài đồng, mải mê. Nhớ có lần ba kéo được vài con cá to, ba mẹ nói tôi đem tới nhà hai chị gái lấy chồng gần. Những kỷ niệm tưởng chừng vụn vặt, nhưng hai chị cứ nhắc hoài, nhất là những hôm trời mưa dai dẳng.
Hồi nhỏ tôi hay theo ba đi thả gọng vó. Nhiệm vụ của tôi là mở cái giỏ tre bỏ cá vào. Có khi ba kéo cả chục mẻ mà vẫn không được… cái vảy cá, nhưng ba tôi kiên nhẫn lắm, nên khi trở về, kiểu gì cũng có cá để mẹ tôi chế biến. Mưa xuống, nhất là mùa đông mưa dầm, thể nào chúng tôi cũng được ăn cá đồng. Hoặc những hôm trời mưa trái mùa, mưa giông, bếp nhà tôi cũng có món ăn ngon đáo để này. Cá được kho trong cái trách. Nào cá lóc, cá rô, cá trê, cá diếc, cá mương, tép đồng, lộn xộn, mà ngon thôi rồi.
Phi Khanh
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ba-tha-vo-me-kho-ca-a1474131.html” name=””]