Những ngày biển êm, ghe tàu cập bến sớm, mẹ tôi thường xuống cảng lựa cua biển còn sống để về làm món bún riêu cho cả gia đình.
Món bún riêu cua biển mẹ nấu rất kỳ công |
Trưa nắng nóng, nếu được thưởng thức một tô bún riêu thanh ngọt thì còn gì tuyệt vời hơn!
Nhắc đến món bún riêu thì “nhân vật chính” không thể thiếu là cua. Mẹ tôi ít khi mua cua đồng, vì nhà gần biển nên sẵn cua biển tươi rói. Sự khác nhau trong cách chọn cua biển hay cua đồng cũng làm hương vị của món ăn có phần khác biệt.
Trước tiên, mẹ rửa sạch cua, tách mai, gỡ gạch cua và giã nhuyễn để lấy nước. Tiếng chày nện vào cối nghe bịch bịch, cho biết lực tay của người giã và thấy được độ nhuyễn mịn của cua, nếu đã đạt yêu cầu thì dừng tay giã, đổ nước lọc, khuấy đều để chắt lấy phần nước tinh túy nhất của cua.
Qua lớp rây lược, số vỏ cua lợn cợn được giữ lại, chỉ để phần nước cua chảy xuống rồi lắng lại. Số nước này cho vào nồi, đun trên bếp cho tới khi riêu cua kết thành những cục màu hồng nhạt, nổi trên mặt nước sôi lục bục. Cùng lúc đó, mẹ nhanh tay vớt nhẹ từng cục riêu ra một cái bát nhỏ, để từ từ bỏ vào tô bún, chứ không trộn với thịt xay, giò sống để tạo thành riêu cua như ở ngoài quán.
Tiếp theo, mẹ thêm một vài gia vị cơ bản, hành tây, cà chua vào nồi nước lèo, chờ sôi thêm một chặp nữa thì thêm thịt ba rọi cắt nhỏ. Lát sau, mẹ bỏ thêm chả cá thu xắt khúc, trứng cút đã luộc chín. Đến lúc này, nồi nước lèo bún riêu đã hoàn chỉnh, khói bốc nghi ngút, mang theo vị thơm nồng của cua biển, chả cá và hành tây.
Bún ăn kèm phải là bún lá sợi nhỏ, đựng trên những tấm lá chuối xanh mướt cho đỡ dính. Mẹ lấy một ít bún bỏ vào tô, nhưng không lấy quá nhiều vì bún nở nhanh, ăn mất ngon. Chan nước lèo nóng hổi vào, mẹ múc thêm thịt ba chỉ, trứng cút, chả cá đầy ụ trên tô. Mẹ cũng không quên xắn một muỗng riêu khi nãy để vào ngay chính giữa của tô bún, rải thêm một ít hành lá xắt nhỏ và hành tím phi giòn thơm. Như vậy là đã có tô bún riêu “chất lừ”.
Nếu sự góp mặt của “topping” trên tô bún là điểm nhấn, thì sự cầu kỳ cũng được thể hiện ở đồ ăn kèm: một đĩa rau sống tươi ngon, chanh cắt lát để vắt lấy nước cho cân bằng vị, một ít mắm tôm, một chén mắm dằm ớt để làm bung tỏa tất cả hương vị của một tô bún riêu ngon đúng điệu.
Ở muỗng đầu tiên, tôi thường thưởng thức ngay vị ngọt thanh của nước lèo. Gắp thứ hai là ăn ngay cục riêu ngọt xốp đúng vị cua biển. Gắp thứ ba là miếng bún và rau sống ăn kèm. Gắp thứ tư là miếng bún với chả cá thu trắng ngần, dai ngọt. Gắp thứ năm phải là một miếng bún với thịt ba chỉ vừa chín tới, beo béo của lớp mỡ. Gắp thứ sáu là để dành riêng cho viên trứng cút nhỏ gọn. Cứ thế mà tô bún hết lúc nào không hay…
Cha mẹ con cái quây quần bên nhau, tiếng húp nước xen lẫn tiếng cười nói vui vẻ, tiếng khen tấm tắc dành cho một món ăn ngon mà mẹ phải cất công làm. Đáp lại sự kỳ công ấy là lời xin xỏ: “Cho con tô nữa mẹ ơi!”. Mẹ đang ăn nhưng vui vẻ đứng dậy làm thêm một tô đầy đủ “topping” cho con. Có lẽ với mẹ, niềm vui bình dị là nhìn thấy chồng con ngon miệng và dành lời khen cho những món ăn mình nấu.
Xa nhà, nhớ mẹ, tôi hay đi ăn bún riêu, nhưng thú thật khó kiếm ra tô bún riêu “chất lừ” như mẹ nấu.
Đức Bảo
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/to-bun-rieu-sau-lan-gap-cua-me-a1475105.html” name=””]