Dải rừng hẹp ven sông trở thành đại lộ. Mọi thứ đều tốt đẹp hơn, chỉ tiếc một điều: Dòng nước trong mát hiền hòa năm xưa nay đã đổi màu…
Trường học nằm phía bên kia sông, cách nhà 5 cây số, nên chuyện học hành mỗi ngày của bọn trẻ trong xóm gắn liền với con nước lớn ròng.
Mỗi sáng, chúng tôi được cha mẹ bơi xuồng ba lá đưa băng ngang sông qua bờ bên kia, cùng chiếc xe đạp. Chiều trở về, cả bọn nhập hội, một đứa đại diện làm loa tay gọi lớn: “Má ơi, rước con!”.
Gọi inh ỏi một lúc lâu không thấy dáng ai xách cây dầm ra bến xuồng, chúng tôi đổi đối tượng, gọi liên tục cùng lúc nhiều người. “Ba ơi, ông nội ơi, bà nội ơi… Rước con”. Mấy người hàng xóm sốt ruột, la lớn: “Chờ chút đi. Ba má tụi bây mắc công chuyện, làm gì hối thúc như đám giặc”.
Ảnh mang tính minh họa – Tứ Quý |
Trong lúc chờ đợi, “đám giặc” đi dọc bờ sông tìm trái dại chín. Bờ đất hoang sơ như một dải rừng hẹp tự nhiên kéo dài với đủ loại cây cỏ. Bần chua, gùi ngọt, bình bát thơm, nhãn lồng vàng ươm xinh xắn… Đứa nào đứa nấy tranh thủ hái đầy tay, mê quên lối về.
Những ngày vào mùa, mọi người tất bật ngoài đồng đến tối. Gọi vài lần không nghe ai đáp trả, chúng tôi đành bày trò chơi trong lúc chờ đợi. Nếu thấy có người bơi xuồng dọc dòng sông, cả bọn sẽ cử đứa bạo dạn nhất lên tiếng hỏi xin quá giang. Ngày mùa nên xuồng nhà ai cũng chở đầy lúa. “Khẳm lắm rồi, không quá giang được mấy con ơi”.
“Khẳm” nghĩa là đầy và nặng, nước mấp mé chực tràn vào mạn xuồng. Có hôm đợi đến nhá nhem tối vẫn chưa được qua sông, cả đám cồn cào đói, không chờ được thêm. Đám con trai khóa xe vào gốc cây, cởi đồng phục, mặc quần cộc lội sông về nhà. Ôm cái thau nhôm lớn, chúng băng ngang sông lần nữa, lấy cặp sách quần áo cho vào thau rồi vượt sông lần thứ ba. Con sông rộng gần 30 mét, sâu và chảy xiết. Ba lần bơi vượt trong lúc đói đủ mệt lả người.
Tôi không biết bơi, dù rất nhiều lần trốn ngủ trưa để nhập hội tắm sông. Một số đứa con gái gan dạ đã bắt chước tụi con trai vượt sông về nhà. Các bạn bảo tôi chỉ cần ôm chiếc thau và quẫy chân, họ sẽ bơi cạnh bên giúp đỡ. Một lần nọ, lấy hết can đảm, tôi đồng ý. Cả bọn ba trai một gái bơi bên cạnh, thỉnh thoảng nắm cái thau đẩy trợ lực giúp tôi.
Đến giữa sông, đang lúc nước lớn nên dòng chảy mạnh, đẩy chúng tôi rời xa nhau. Mấy đứa ở bờ bên nhà kêu gào, bảo tôi cố quẫy chân mạnh thêm. Tôi bị cuốn trôi theo dòng một đoạn khá xa. Người ta bơi ngang, tôi bơi xéo. Mãi rồi chân tôi cũng chạm đất ven bờ. Đêm đó và thỉnh thoảng có những đêm trong suốt thời niên thiếu tôi đã gặp giấc mơ bị rơi xuống dòng sông sâu từ một nơi rất cao. Giấc mơ ám ảnh khiến mãi đến bây giờ tôi vẫn không biết bơi, dù là lớn lên từ miền sông nước.
Ảnh mang tính minh họa – Tứ Quý |
Buổi chiều tan học sẽ hiền hòa hơn nếu chúng tôi thấy ông Bảy đang bắt cua trên sông. Biết cha mẹ chúng tôi vắng nhà, ông bảo cả đám cứ chơi đi, thả rập xong ông sẽ giúp. Ông là người làng khác, thường đến đoạn sông trước xóm tôi để bắt cua, nên mọi người gọi là ông Bảy Rập Cua.
Người lớn trong xóm có những cái tên rất tiếu lâm. Ông Mười Nhà Thiếc (vì cả xóm toàn nhà lá, chỉ có nhà ông Mười lợp mái thiếc), ông Thần Nước Mặn (vì ông có làn da rất đen), bà Tám Cô Đơn (bởi nhà bà chơi vơi giữa đồng), hay ông Hai Trời (vì khi nhậu xỉn ông cứ kêu trời). Những biệt danh đó gắn liền với họ suốt đời, được gọi hằng ngày, đến nỗi ngay cả con cháu trong nhà đôi khi cũng không biết tên thật của họ. Ông Bảy Rập Cua là một trường hợp như thế. Không hiểu sao ông Bảy thương tôi nhất trong đám học sinh loai choai. Không những đưa tôi qua sông, thỉnh thoảng ông còn cho cua, bảo về luộc ăn cứng xương mau lớn.
Bến sông vẫn còn đó nhưng những chiếc xuồng ba lá đã hoàn toàn biến mất. Dải rừng hẹp ven sông trở thành đại lộ. Mọi thứ đều tốt đẹp hơn, chỉ tiếc một điều: Dòng nước trong mát hiền hòa năm xưa nay đã đổi một màu đen đen.
Quỳnh An
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/qua-song-di-hoc-a1473909.html” name=””]