Háo hức chờ giây phút chồng cũ giao con như bản án đã tuyên của tòa phúc thẩm (tháng 2/2022) nhưng chị O.C.L. (Q.Gò Vấp, TP.HCM) chỉ đối mặt với cánh cửa nhà chồng cũ im ỉm đóng cùng bảng rao bán nhà.
Chị L. bấm số điện thoại trên bảng rao, tiếng tổng đài vọng lại: “Số máy quý khách vừa gọi không có”. Chị L. tuyệt vọng gục khóc bên đường. Đứa con gái sinh tháng 12/2019, đến nay chưa đầy ba tuổi mà đã mười mấy tháng ròng xa mẹ (từ tháng 7/2021). Cũng ngần ấy thời gian người mẹ trẻ làm mọi cách tìm con, nhưng vô vọng.
Dù đã tận mắt thấy cảnh “vườn không nhà trống”, chị L. vẫn thường xuyên ghé nhà chồng cũ để xem liệu họ đã đưa bé quay về chưa. Nuôi tia hy vọng mong manh – được thấy con nhưng chờ hoài chẳng thấy, chị buồn bã nộp đơn cầu cứu khẩn cấp đến Báo Phụ Nữ TP.HCM.
Chị C.L. đến Báo Phụ Nữ TP.HCM cầu cứu khi tiến trình thi hành án giao con bế tắc vì chồng cũ chuyển chỗ ở |
Chị chia sẻ: “Là giáo viên, mỗi khi thấy những cô cậu học trò nhỏ của mình tan học, được mẹ tới đón, tôi mừng cho học trò, nhưng lại đau nỗi nhớ con.
Đau nhất là mình đi dạy kiếm được tiền mà không mua được cho con cái quần cái áo. Biết bao giờ tôi mới được dắt tay con tới trường. Biết bao giờ tôi cảm nhận niềm vui đơn sơ: lãnh lương để có tiền mua đồ chơi hay đóng tiền học cho con”.
Cuối năm 2021, trong thời gian chờ tòa giải quyết ly hôn và tranh chấp nuôi con, chị L. đã thuê nhà trọ phía mặt đường đối diện với nhà chồng để mong được gặp con. Tuy nhiên, ở đó nhiều tháng, chị L. vẫn không lần nào tiếp cận được con, dù tình hình phòng chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt hay đã được nới lỏng. Chị đứng trước nhà cất tiếng gọi lớn hoặc gọi điện thoại cũng không ai mở cửa cho chị gặp con. Trong căn nhà nhiều lớp cửa bít bùng chỉ vẳng ra tiếng trẻ khóc đòi. Hiếm hoi lắm chị mới có cơ hội nhìn thấy qua lớp kính mờ trên lầu hình ảnh một người đàn ông bồng đứa bé gái (chị đoán rằng ông nội của con chị đang bồng con chị).
Chị L. nghẹn ngào hồi tưởng những kỷ niệm của hai mẹ con trong thời gian ngắn ngủi bên nhau. Chị kể, trước khi tòa xử sơ thẩm, gia đình chồng chị mở cửa cho chị vào thăm con vài lần mỗi tuần dưới sự giám sát của người nhà. Chị đem nhiều đồ chơi đến cho con chơi. Đồ nào bé thích thì chơi hoài, đồ nào bé không thích thì trả lại mẹ. Bé thích bong bóng bay. Và khi lướt trên điện thoại, bé chỉ tay vô hình bong bóng bay, cười tít, tỏ ý muốn “mai mốt mẹ nhớ tặng cho con”.
“Giờ không được gặp con, nhìn những món đồ chơi đã mua, chưa kịp tặng, tôi càng buồn nhớ con. Thời điểm còn gặp, tôi dạy con nói “mẹ”, bé đang tập, chưa nói được rành tiếng mẹ thì mẹ con đã bặt tin. Không biết giờ này con gái tôi ở đâu, ở với ai, có ăn được không, có ngủ ngon không? Bé có giữ được chút ký ức nào về hơi ấm vòng tay mẹ? Tôi đã tạo con ra, tôi phải nhìn con lớn lên, tôi phải bảo vệ được con mình. Hằng đêm tôi vẫn đi tìm con trên khắp TP.HCM và tôi viết nhật ký để sau này con hiểu rằng chỉ do người ta ngăn cách chứ tôi chưa hề bỏ con ngày nào” – chị bật khóc.
Theo xác minh của phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, vào cuối tháng 9/2022, gia đình anh P.H.H. – chồng cũ của chị L. – đã không còn ở địa phương (P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức). Liên hệ nơi làm việc của anh H. là Trường tiểu học Phú Thọ Hòa (Q.Tân Bình), đại diện ban giám hiệu nhà trường cho biết anh H. đã nghỉ việc từ tháng 8/2022. Nơi làm việc là manh mối cuối cùng chị L. biết về chồng cũ.
Sau nhiều nỗ lực, Chi cục Thi hành án dân sự TP.Thủ Đức vẫn chưa đi đến kết quả sau cùng là giao bé về cho mẹ. “Xác minh trực tiếp tại địa chỉ trên, chúng tôi được biết bé đang sinh sống với ông bà nội, do ông bà nuôi dưỡng. Hội đồng có mặt tại nhà ông bà, nhưng không thực hiện được việc vận động thuyết phục… Không ai mở cửa, gia đình cố ý không thực hiện, cố ý chây lì, không chấp hành án”. (trích biên bản của Chi cục Thi hành án dân sự TP.Thủ Đức về việc xác minh điều kiện thi hành án của anh P.H.H. vào tháng 4/2022, khi gia đình anh H. vẫn còn ở P.Hiệp Bình Chánh).
Ngôi nhà của chồng cũ của chị C.L. đăng bảng rao bán với số điện thoại không có thật |
“Cơ quan thi hành án chỉ tổ chức thi hành thực hiện việc giao bé cho bà C.L khi biết được bé đang ở đâu… Nếu bà C.L. biết hiện tại bé đang ở đâu thì đề nghị bà thông báo cho cơ quan thi hành án biết để cơ quan thi hành án xử lý theo quy định của pháp luật”. (trích biên bản tiếp công dân O.C.L. của Chi cục Thi hành án dân sự TP.Thủ Đức vào tháng 8/2022, khi gia đình anh H. đã rời khỏi căn nhà ở P.Hiệp Bình Chánh).
Việc xác định chỗ ở mới của con mình khác nào “mò kim đáy biển” nhất là khi người thi hành án cố tình lẩn trốn, đứa bé còn quá nhỏ tuổi chưa đủ nhận thức, kỹ năng để có thể chủ động kết nối với mẹ, bé lại chưa đi học để có thể có thêm một địa chỉ trường lớp cho người mẹ tiếp cận. Có khi vừa phát hiện chỗ ở mới, người mẹ chưa kịp báo cho cơ quan thi hành án thì người cha đã “hô biến” như một trò chơi trốn tìm không hồi kết. Cũng có không ít trường hợp ngược lại, người mẹ ôm con đem giấu và người cha xất bất xang bang đi tìm, gõ cửa khắp nơi để nhờ hỗ trợ.
Sự ích kỷ, độc chiếm của người lớn đã biến đứa bé thành trẻ mồ côi bất đắc dĩ ngay khi người sinh thành vẫn còn sống, vẫn đêm ngày hướng về núm ruột của mình. Vây quanh một đứa trẻ có quá nhiều luật, văn bản dưới luật, có quá nhiều cơ quan để bảo vệ, nâng niu, lẽ nào tất cả bó gối chịu thua kẻ làm càn, khinh thường pháp luật, chà đạp lên quyền của vợ/chồng cũ và cả con mình?
Tô Diệu Hiền
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/doan-truong-tim-con-khi-nha-chong-cu-dem-dua-tre-di-giau-a1475528.html” name=””]