Đánh ghen, cưỡng hôn trong phim Thái làm dấy lên nỗi lo cổ xúy bạo lực và hôn nhân độc hại.
Điện ảnh và phim truyền hình Thái Lan ngày càng được đông đảo khán giả đón nhận. Chưa thể so với tiềm năng như thị trường Hàn và Trung, nhưng phim Thái đã có nhiều tiến bộ vượt bậc.
Lakorn (phim truyền hình Thái Lan) thường khép lại với trọn vẹn, đẹp lòng người xem. Khán giả yêu thích vì phim Thái giúp họ thư giãn, thỏa mãn và hạnh phúc. Tuy nhiên, những bộ phim vẫn có yếu điểm xây dựng kịch bản cũ kỹ, không logic về nội dung.
Thậm chí, phim Thái đang đối mặt với hiện trạng ngày càng lạm dụng các cảnh đánh ghen “long trời lở đất”, hay những pha cưỡng hôn thiếu tinh tế. Về lâu dài, yếu tố này vô hình trung cổ xúy cho hành vi bạo lực nơi công cộng, bạo hành gia đình.
Đánh ghen như cơm bữa
Phụ nữ trong phim Thái đánh ghen rất nghề. Từ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, tát nhau, giật tóc… cho đến dúi đầu vào bô xe máy, trát bánh kem lên mặt hay đánh hội đồng không thương tiếc, những cảnh này được coi là “đặc sản”.
Các cô gái thẳng tay tát nhau, la hét, chửi bới. Trong khi đó, gã đàn ông trăng hoa lại đứng ngoài cuộc, thi thoảng ra can ngăn một cách yếu ớt
Mới đây, đoạn video ẩu đả cắt ra từ phân cảnh trong bộ phim truyền hình Nước mắt Cupid đang được chia sẻ rộng rãi.
Nhân vật Deedee (Apissada kreukongtha thủ vai) xông vào giữa phòng họp để đánh Araya (Pattie Ungsumalin Sirapatsakmetha). Không chỉ tặng nhau những cú bạt tai “nổ đom đóm”, hai mỹ nhân vớ luôn chiếc ghế và cả sầu riêng để dằn mặt đối phương. Cả hai ẩu đả trước sự nhu nhược của nam chính.
Hay trong series Tình yêu không có lỗi, lỗi ở bạn thân từng gây sốt, những thủ đoạn đánh ghen và hãm hại cũng được đầu tư mạnh tay. Cả hai người đẹp không ngại dùng đủ chiêu trò bôi xấu, hạ thấp danh dự của nhau, xuyên suốt phim là những cú tát lật mặt và màn đánh ghen thô bạo.
Không thể phủ nhận sức hút đến từ những cái tát trên phim Thái. “Đặc sản” này từ lâu đã làm nên thương hiệu, khiến người xem ấn tượng và yêu thích. Tuy nhiên, việc lạm dụng cảnh đánh ghen, ẩu đả khiến bộ phim ồn ào và sáo rỗng. Bên cạnh người yêu thích, nhiều khán giả cảm thấy khó chịu vì những màn khẩu chiến nặng nề, tiêu cực của các nhân vật nữ.
Nhiều nghiên cứu khẳng định có mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với bạo lực trên các phương tiện truyền thông và suy nghĩ, cảm xúc, hành vi hung hăng ở người xem. Tràn lan các cảnh đánh ghen trên phim Thái có thể vô tình cổ xúy, dẫn lối cho những hành động ẩu đả ngoài thực tế. Các nữ diễn viên cũng đối mặt với nguy cơ suy giảm sức khỏe và ảnh hưởng tới tinh thần.
Thiếu tôn trọng phụ nữ
Hầu hết nền phim ảnh châu Á đang mắc chung nguy cơ: Phân biệt giới tính, cổ xúy bạo lực và lãng mạn hóa cuộc hôn nhân độc hại. Phim Thái gần như không có yếu tố phân biệt giới tính do quan điểm cởi mở tại quốc gia này. Song, các bộ phim truyền hình dài tập, được phát sóng vào khung giờ vàng ở Thái Lan thường xuyên chứa loạt tình tiết cưỡng hiếp, bạo hành phụ nữ.
Bộ phim Wife on Duty từng vấp phải sự phản đối và phẫn nộ từ phía người xem vì có cảnh phụ nữ bị bắt cóc. Kẻ này trói cô bằng xiềng xích và tấn công tình dục. Sau khi được giải cứu, nữ chính bị người chồng dè bỉu và xa lánh. Nhiều người cho rằng bộ phim đang “tầm thường hóa” vấn đề lạm dụng tình dục, biến phụ nữ thành nô lệ.
“Từ khi còn bé, tôi thường bắt gặp cảnh tượng phụ nữ bị cưỡng hôn, tấn công tình dục trên TV. Điều này không hề ổn chút nào. Chúng ta cần ngưng ‘bình thường hóa’ vấn nạn hiếp dâm”, Hoa hậu Hoàn vũ Thái Lan 2020 Amanda Obdam từng chia sẻ trên Twitter.
Không chỉ vậy, Lakorn cũng ngập tràn những chủ đề tổng tài bá đạo, quyền lực, chuyên cưỡng hôn mạnh bạo với nữ chính. Thậm chí, nhiều phim còn lãng mạn hóa cảnh cưỡng bức trắng trợn thông qua loạt lý do “chính đáng” như say rượu, ghen tuông vì quá yêu nên không kiểm soát được.
Nhân vật nam chính định hình là tổng tài chung thủy, hào hoa phong nhã. Dù anh ta từng mạnh bạo với nửa kia cũng được tha thứ. Sau cùng, cặp đôi nhận ra tình cảm dành cho nhau, bỏ qua hiểu lầm và yêu lại từ đầu.
Phim Thái “tẩy trắng” nam chính triệt để. Đáng lo ngại, nhiều khán giả trẻ ngưỡng mộ và cho rằng cách thể hiện tình yêu của nam chính thật dễ thương.
Phim ảnh “lãng mạn hoá” bạo hành có thể bóp méo nghiêm trọng hành vi và suy nghĩ của giới trẻ dù nam hay nữ.
Thực tế, Ấn Độ là quốc gia nhìn thấy rõ hậu quả của việc phim ảnh “dạy hư” con người. Tỷ lệ tội phạm hiếp dâm của Ấn Độ nằm trong Top 10 thế giới. Các nam chính trong phim Ấn hung hãn và tàn bạo hơn nhiều so với phim Thái, cảnh bạo lực tràn ngập trong các bộ phim giờ vàng. Các chuyên gia đã chứng minh tình trạng hiếp dâm và bạo hành phụ nữ thường có xu hướng ảnh hưởng từ phim ảnh rất mạnh.
Nhà chức trách Thái Lan đã bắt tay khắc chế tình trạng làm phim cổ xúy bạo lực. Đạo luật phát thanh truyền hình quốc gia nêu rõ nhà sản xuất có thể bị phạt tiền hoặc đình chỉ vì đưa nội dung “không lành mạnh, gây suy giảm tinh thần và sức khỏe người xem” vào phim ảnh. Động thái này phần nào giảm thiểu thực trạng tràn ngập cảnh bạo lực trong phim Thái, song chưa dập tắt được hẳn.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/danh-ghen-nhu-com-bua-trong-phim-thai-lan-20221031110342908.chn” name=””]