“Con chỉ biết mưa giông và mưa bóng mây tại quận 3 thôi ạ. Mẹ chỉ cho con kiểu mưa nào độc lạ chút nghen!” – cậu trai của tôi nói.
Ăn cơm tối xong, cậu con trai út đề nghị mẹ hướng dẫn viết bài văn tả một cơn mưa. Tôi nhẹ nhàng gợi dẫn: “Con biết những dạng mưa nào?”.
“Dạ thưa mẹ, con chỉ biết mưa giông và mưa bóng mây tại quận 3 thôi ạ. Mẹ chỉ cho con kiểu mưa nào độc lạ chút nghen!” – cậu trai của tôi nói.
Trước mắt tôi bỗng giăng mắc một miền ký ức mà ở đó có những làn nước mỏng mảnh buốt lạnh vương trên mái tóc, mí mắt, gò má, áo quần và đôi bàn tay để trần điều khiển xe đạp mỗi sáng mai đến lớp.
Mưa phùn. Cái dạng mưa nhẹ bẫng không để lại một thanh âm, xuất hiện vào nửa cuối mùa đông ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Tôi bắt đầu tả và kể cho con chép bài về đặc tính của cơn mưa phùn. Không biết điểm bắt đầu và kết thúc, chỉ thấy từ sáng sớm mưa đã phủ bụi nước đầy trời khiến cả ngày âm u, xám xịt.
Tôi nhớ bà ngoại trằn trọc, chực chờ trời hửng, lồng áo đơn áo kép, mắt tuy không còn nhìn rõ nhưng bàn tay vẫn dẻo dai đâm trầu. Mẹ tôi nhanh nhẹn trở dậy bắc ngay ấm tích để nấu nước chè xanh và một số món có thể làm món ăn sáng. Bố vội vã dắt xe đạp ra trước hiên cho các con đi học.
Phải nỗ lực lắm đám trẻ con mới có thể rời giường, co ro trong mớ quần áo cũ, vội vã ăn chút cháo đậu đỏ hoặc ngô nướng, thức quà sáng giản đơn của nhiều gia đình nông dân, để kịp đến lớp.
Niềm vui lớn nhất của tụi học sinh chúng tôi là được dầm mưa phùn trên con đường dài hun hút gió. Mặc dù được căn dặn phải giữ ấm, nhưng khuất tầm mắt mẹ là chúng tôi xếp hết áo mưa, “nghênh diện” đón làn mưa buốt thấm vào mắt, mũi, má… Thỉnh thoảng, chúng tôi vuốt mái tóc bị mưa thấm ướt rồi vung vẩy nước hứng được té vào nhau. Tiếng cười nói xôn xao của lũ “nhất quỷ nhì ma” xua tan quãng đường dài và cảnh thôn quê ảm đạm.
Có những lúc không đến trường, tôi ngồi co ro bên bếp than hồng, hóng mắt ra cánh đồng trước nhà, nhìn không gian mưa phùn phủ trắng. Mẹ tôi và nhiều cô dì hàng xóm đang chịu đựng làn nước buốt giá hối hả cấy mạ non. Bố tôi cũng đang dầm mưa để miệt mài bào từng tấm gỗ cho láng để làm đồ gia dụng.
Khi trưởng thành, vào phương Nam nắng ấm quanh năm, tôi vẫn không vơi bớt nỗi nhớ thương da diết về một miền thôn quê lặng lẽ trong tiết khí mùa đông và lất phất mưa phùn.
“Mưa phùn có gì vui không mẹ?” – câu nói của con giúp tôi quay trở lại với thực tại. Tôi tiếp tục kể cho con nghe về những chồi non sẽ nhú ra dưới tác động của mưa phùn, báo hiệu một mùa xuân sắp đến. Đàn chim non nghịch ngợm cũng biết nhô đầu khỏi tổ và vẫy cái cánh yếu ớt lấm tấm mưa phùn.
Tôi nhớ đến mâm cỗ ngày giỗ, không nhiều món ngon, nhưng đầy đủ mọi thành viên gia đình, rộn ràng tiếng cười tiếng nói sum vầy. Hàng xóm sang nhà nhau, ngại về khi trời mưa, nán lại góp thêm một câu chuyện, một câu hát dân ca. Một chén nước chè xanh nóng, một ly rượu lạt… cũng trở thành cái cớ để cánh đàn ông mời nhau trò chuyện tâm tình.
Mưa phùn là cơ hội để mọi người thêm gần gũi, thêm thắt chặt tình thân, tình làng nghĩa xóm.
Tan học về nhà, mặt mày phụng phịu, con tôi không vui: “Mẹ ơi, cô giáo bảo bài văn tả cơn mưa không phải là văn phong của con”. Tôi quên mất, dẫu có vui có buồn đó cũng chỉ là hoài niệm tuổi thơ của cá nhân tôi. Tôi đã đưa con đến miền ký ức hoàn toàn xa lạ.
Con tôi cần có những kỷ niệm ấu thơ của riêng mình để trải nghiệm và lưu giữ. Tôi quyết định lên kế hoạch đưa các con về quê miền Trung tuần tới để con tôi có thêm một chút ký ức… mưa phùn.
Quỳnh Trang
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/mua-phun-vui-khong-me-a1476726.html” name=””]