Trang tin tức về khoa học nổi tiếng Live Science mới đây đã chọn ra các kỳ quan độc đáo hàng đầu thế giới, trong đó có vịnh Hạ Long của Việt Nam.
Bờ biển kỷ Jura – Ảnh: GETTY IMAGES
Bờ biển kỷ Jura, Vương quốc Anh
Bờ biển kỷ Jura kéo dài 154km, là di sản thế giới nằm bên eo biển Manche, miền nam Vương quốc Anh.
Những lớp đá mang nhiều niên đại, xa nhất lên đến 185 triệu năm, nằm trải dài trên các bãi biển hoang sơ hoặc sát nhiều vách vực đẹp mắt…
Đây là khu vực thường được các nhà địa chất học ghé thăm, tìm được những hóa thạch quý giá, có khi từ thời khủng long, nhờ đó hiểu hơn về quá trình phát triển sự sống trên Trái đất.
Vịnh Hạ Long, Việt Nam
Vịnh Hạ Long – Ảnh: WORLD ATLAS
Khoảng 1.600 hòn đảo nằm trong vùng vịnh rộng 1.500km 2 ở vịnh Bắc Bộ (Việt Nam).
Theo các nhà khoa học, lớp địa chất tại vịnh Hạ Long được phủ một lớp đá vôi phát triển chậm trong hơn 500 triệu năm, sau đó bị biển phong hóa, vỡ ra và hình thành các mảnh vỡ là những hòn đảo như ngày nay.
Đảo Komodo, Indonesia
Đảo Komodo (Indonesia) – Ảnh: GETTY IMAGES
Komodo là hòn đảo núi lửa ở miền nam Indonesia, nổi tiếng với loài thằn lằn khổng lồ đặc hữu.
Rồng Komodo là loài thằn lằn lớn nhất trên Trái đất còn sống hiện nay.
“Lâu đài bông” Pamukkale, Thổ Nhĩ Kỳ
Pamukkale (Thổ Nhĩ Kỳ) – Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC
Pamukkale nằm ở thung lũng sông Menderes, phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Địa hình nơi đây được tạo thành từ các nhũ đá vôi và suối nước ngầm trong xanh chảy tràn, như những “ruộng bậc thang” đá vôi.
Cảnh quan này có thể được nhìn thấy từ những ngọn đồi ở phía đối diện cách đó chừng 20km.
Hồ Peyto, Canada
Hồ Peyto – Ảnh: LONELY PLANET
Hồ nước này nằm ở Banff – công viên quốc gia lâu đời nhất ở Canada.
Nguồn nước trong hồ được “nuôi dưỡng” nhờ các sông băng đang hoạt động ở trên cao trên dãy núi Rocky.
Những lớp bụi, đá và băng đã phản chiếu ánh sáng xanh giúp nhìn thấy hồ nước có màu xanh ngọc sống động.
Hiệu ứng này có thể nhìn thấy mạnh mẽ nhất vào mùa hè khi các sông băng tan chảy nhanh nhất.
Sông băng Perito Moreno, Argentina
Sông băng Perito Moreno – Ảnh: LONELY PLANET
Hầu hết các sông băng trong khu vực đang tan nhanh, dẫu vậy sông Perito Moreno hầu như không thay đổi trong 100 năm qua.
Thậm chí theo Scientific Reports, sông băng đã tiến lên được 800m từ cuối những năm 1800 và vẫn tiếp tục đến hôm nay.
Perito Moreno tích tụ nhiều khối lượng nước ngọt hơn bất kỳ sông băng nào đang được giới nghiên cứu theo dõi hiện nay.
Khả năng “đứng vững” của sông băng này trong điều kiện khí hậu ấm lên vẫn đang là đề tài nghiên cứu thú vị của không ít nhà khoa học khắp nơi.
Salar de Uyuni, Bolivia
Ruộng muối Salar de Uyuni – Ảnh: ROVE.ME
Đây là ruộng muối lớn nhất thế giới, trải dài hơn 10.300km 2 và nằm ở độ cao 3.660m.
Mặt đất được bao phủ bởi lớp vỏ muối dày có khi đến cả mét.
Trải qua hàng nghìn năm, nước đã tích tụ trong khu vực để tạo thành các hồ, sau đó lại cạn kiệt.
Xương rồng là loài thực vật duy nhất có thể mọc trên đất muối. Ngoài ra, một số loài chim hồng hạc cũng đến nơi này sinh sản vào tháng 11 hàng năm.
Maldives, Ấn Độ Dương
Maldives đối diện với nguy cơ sẽ chìm dưới mực nước biển – Ảnh: GETTY IMAGES
Maldives bao gồm 1.190 hòn đảo nhỏ ở Ấn Độ Dương, bao quanh bởi các rạn san hô. Gần 1.000 hòn đảo không có người ở.
Hầu hết cát trên thế giới bao gồm những hạt thạch anh thô, trong khi ở bờ biển của Maldives lại là cát san hô mềm, khiến chúng trở thành một trong những bãi biển lý tưởng nhất.
Ngoài ra, Maldives cũng là một trong những nơi thấp nhất và bằng phẳng nhất trên Trái đất (1,5m).
Nếu mực nước biển tăng với tốc độ như hiện nay, phần lớn Maldives sẽ biến mất dưới nước biển vào năm 2100.
Thác Victoria, miền nam châu Phi
Thác Victoria – Ảnh: BRITANNICA
Victoria là một trong những thác nước nổi tiếng nhất thế giới. Chiều rộng của thác lên đến 1,6km.
Nền đá bên dưới của thác là đá bazan cách đây 180 triệu năm. Phần nền này được hình thành từ những đợt phun trào núi lửa. Các lớp dung nham nóng nguội đi và nứt nẻ ở một số nơi từ đông sang tây. Các mảng kiến tạo sau đó đã đẩy miền nam châu Phi lên phía trên, tạo ra các hệ thống sông mới.
Thác Victoria bắt đầu chảy cách đây 5 triệu năm sau khi các chuyển động dưới lòng đất khiến một hồ nước khổng lồ bắt đầu tràn.
Nước nhanh chóng hình thành một dòng chảy quanh các vách của đá núi lửa nứt nẻ, làm nên một kỳ quan thác đẹp mắt.
Rạn san hô Great Barrier, Úc
Rạn san hô Great Barrier – Ảnh: GETTY IMAGES
Gần 3.000 rạn san hô riêng lẻ tạo nên Great Barrier – hệ thống san hô lớn nhất trên thế giới. Đây là nơi sinh sống của 1.500 loài cá, 1/3 san hô mềm trên thế giới và 6 trong số 7 loài rùa biển trên thế giới.
Tuy nhiên kể từ năm 1985, rạn san hô Great Barrier đã mất một nửa san hô kể từ năm 1985. Các nhà khoa học nói san hô chết vì ô nhiễm, ngoài ra n ước biển ấm lên cũng khiến nhiều quần thể san hô khó sống hơn.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/live-science-chon-vinh-ha-long-la-mot-trong-10-ky-quan-thien-nhien-an-tuong-nhat-20221107164623432.chn” name=””]