MGM Grand Air từng trở thành biểu tượng của hãng hàng không đại diện cho giới siêu giàu.
Chủ nhân của hãng hàng không kỳ lạ
Ra mắt năm 1987, hãng hàng không MGM Grand Air do tỷ phú Kirk Kerkorian sáng lập đặt ra tiêu chuẩn rõ ràng cho hành khách đi máy bay. Đó là những vị khách giàu có bước lên những chiếc máy bay Boeing 727 và Douglas DC-8 được thiết kế xa hoa, bay từ Los Angeles (LAX) tới sân bay John F. Kennedy (JFK) tại New York, và đặc biệt những vị khách tới sòng bài tại Las Vegas của chủ nhân hãng hàng không.
Kirk Kerkorian là người nhập cư sinh ra tại Armenia, sau đó tới sinh sống ở Fresno, bang California, Mỹ. Tuy nhiên, Kirk sớm nghỉ học ở trường để về nhà giúp đỡ bố mẹ kiếm tiền trang trải cuộc sống. Kirk cũng là một võ sĩ hạng nhẹ đầy triển vọng nhưng lại từ bỏ giữa chừng để học lái máy bay.
Trở về sau Thế chiến II, Kirk đã sử dụng kiến thức về máy bay của mình để mua những chiếc máy bay quân sự thừa, tân trang lại và bán chúng kiếm lời. Năm 1947, Kirk có đủ tiền để “mua đứt” dịch vụ cho thuê máy bay chở những người đánh bạc từ khắp nơi trên thế giới đến Las Vegas. Sau khi chi tiền mua lại xưởng phim Metro-Goldwyn-Mayer vào năm 1969, ông đã xây dựng sòng bạc lớn nhất trên thế giới thời bấy giờ MGM Grand Casino với hơn 2.000 phòng.
Được đánh giá tuy tiếng tăm còn mới nhưng không gian và dịch vụ sang trọng, MGM Grand Air vận hành 3 chiếc Boeing 727 và 3 chiếc Douglas DC-8. Vào thời điểm đó, giá vé của hãng không cao hơn nhiều so với giá vé hạng nhất của các hãng hàng không khác nhưng dịch vụ lại vượt trội hơn rất nhiều.
Dịch vụ độc đáo, hứa hẹn
Tuy khoang máy bay có thể chứa 100 hành khách hoặc hơn theo công suất hoạt động tiêu chuẩn nhưng quy định của MGM Grand Air đề ra chỉ phục vụ không quá 33 hành khách/chuyến. Giá vé một chuyến bay từ Los Angeles đến New York là 1.400 USD, từ Los Vegas và New York là 1.000 USD, và bay giữa Los Angeles và Las Vegas là 180 USD.
Ban đầu, hãng hàng không thu hút rất nhiều người nổi tiếng và giới siêu giàu. Vì khách hàng không phải xếp hàng, không cần làm thủ tục lên máy bay, không cần chờ đợi lấy hành lý, sẽ có nhân viên phụ trách đưa hành lý lên máy bay và trả tại điểm đến. Bên cạnh đó, hãng cũng cung cấp dịch vụ xe limousine đưa đón tận nơi tùy chọn.
Từ phòng chờ ở cả hai sân bay đều vô cùng sang trọng, tiện nghi và sở hữu dịch vụ trợ giúp đặc biệt. Trên máy bay luôn có 5 TVHK, có quầy bar cũng như các khoang riêng phục vụ họp hành. Hành khách được phục vụ rượu vang và champagne hảo hạng. Phòng vệ sinh có vòi nước bằng vàng và xà phòng được khắc chữ tạo dấu ấn riêng.
Nhận được sự ủng hộ lớn từ giới đại gia, hãng đã mở thêm các đường bay khác nhưng họ ngày càng khó khăn vì không thể tìm đủ 33 hành khách cho một chuyến bay. Khi máy bay phản lực tư nhân trở nên phổ biến hơn vào những năm 1990, lợi nhuận của MGM Grand Air bị giảm.
Tới năm 1995, hãng hàng không đã được bán đi và đổi tên thành Champion Air với mục đích chuyên cung cấp các chuyến bay thuê cho các đội thể thao và các cơ quan chính phủ. Nhưng, vào năm 2008, khi dịch vụ này không còn được ưa chuộng, hãng đã đóng cửa hoàn toàn.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/hang-hang-khong-chi-phuc-vu-dai-gia-khoang-may-bay-chua-100-hanh-khach-nhung-chi-cho-33-nguoi-20221114112049246.chn” name=””]