Trong hàng trăm năm, người Bajau đã sống trên biển, và chọn lọc tự nhiên đã khiến họ trở thành những “người cá” bên ngoài đời thực.
Nếu bạn nín thở và úp mặt vào bồn nước, cơ thể bạn sẽ tự động kích hoạt phản ứng lặn. Nhịp tim chậm lại, mạch máu và lá lách cũng sẽ co lại, tất cả những phản ứng này sẽ giúp bạn tiết kiệm năng lượng khi thiếu oxy.
Hầu hết mọi người có thể nín thở dưới nước trong vài giây, một số trong vài phút. Nhưng những người Bajau thì hoàn toàn khác, họ có thể ở dưới nước trong 13 phút ở độ sâu hàng chục mét. Những người du mục này sống ở những vùng nước quanh khu vực Philippines, Malaysia và Indonesia, nơi họ lặn để săn cá hoặc tìm kiếm các yếu tố tự nhiên có thể được sử dụng trong các nghề thủ công.
Giờ đây, một nghiên cứu trên tạp chí Cell đã đưa ra những manh mối đầu tiên cho thấy đột biến DNA đã khiến cho những người Bajau có lá lách lớn hơn và mang lại cho họ một lợi thế di truyền đối với cuộc sống du mục biển.
Trong tất cả các cơ quan trong cơ thể bạn, lá lách có lẽ là một bộ phận không được nhiều người quan tâm. Về mặt kỹ thuật, bạn có thể sống mà không có nó, nhưng khi bạn có nó, cơ quan này sẽ giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch của bạn và tái chế các tế bào hồng cầu.
Nghiên cứu trước đây cho thấy ở hải cẩu, động vật có vú sống ở dưới nước, lá lách của chúng luôn có kích thước lớn nhưng không cân đối. Tác giả nghiên cứu Melissa Llardo từ Trung tâm Địa di truyền học tại Đại học Copenhagen muốn xem liệu đặc điểm tương tự có đúng với ở những người thợ lặn hay không. Trong một chuyến đi đến Thái Lan, cô đã nghe về những người du mục biển và rất ấn tượng bởi khả năng của họ.
“Lần đầu tiên tôi đã gặp họ như một người bình thường chứ không chỉ xuất hiện với thiết bị khoa học và rời đi”, cô nói về chuyến đi đầu tiên của mình đến Indonesia. “Lần thứ hai, tôi mang theo máy siêu âm xách tay và bộ dụng cụ lấy dịch nhổ. Chúng tôi đi vòng quanh những ngôi nhà khác nhau, và chúng tôi đã chụp ảnh lá lách của họ”.
Người Bajau có truyền thống sống du mục trên thuyền nhà, khai thác các nguồn tài nguyên phong phú từ các rạn san hô và rừng ngập mặn của khu vực.
Trong thế kỷ 20, một số người Bajau định cư trên bờ biển nhưng vẫn tiếp tục lối sống tự cung tự cấp (làm việc chỉ để tồn tại) dựa trên các phương pháp đánh bắt truyền thống của họ.
Vì thiết bị lặn duy nhất có sẵn là một cặp kính bảo hộ bằng gỗ và một số tạ tay, do đó thành công của họ phụ thuộc vào khả năng lặn sâu và nín thở trong thời gian dài.
Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã nghiên cứu những người Bajau và nhận thấy rằng họ có lá lách lớn hơn đáng kể so với những người dân trong khu vực lân cận, những người chủ yếu làm nông nghiệp hơn là đánh cá để làm thức ăn.
Điều này cũng xảy ra ngay cả với các thành viên của cộng đồng người Bajau không lặn, điều đó cho thấy rằng đây là một đặc điểm di truyền chứ không phải là sự thay đổi của các cá nhân do cả đời lặn.
Các nhà nghiên cứu cũng tình cờ phát hiện ra một gen có tên là PDE10A (T4), được cho là kiểm soát một loại hormone tuyến giáp nhất định, gen này xuất hiện ở người Bajau. Hormone này làm tăng tỷ lệ trao đổi chất (lượng năng lượng mà cơ thể có thể sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định), có thể giúp chống lại mức oxy thấp, nhưng cũng có liên quan đến kích thước lá lách lớn hơn ở chuột.
Các gen khác ở người Bajau cũng thay đổi liên quan đến cách cơ thể phản ứng với quá trình lặn.
Một trong những gen như vậy khiến máu bị đẩy ra khỏi các chi và các khu vực không thiết yếu của cơ thể để não, tim và phổi có thể tiếp tục nhận oxy.
Tất cả những điều này cho thấy rằng chọn lọc tự nhiên đã giúp hình thành nên người Bajau để chúng có thể lặn sâu hơn và lâu hơn.
Đây không phải là lần đầu tiên người ta phát hiện ra các ví dụ về sự tiến hóa liên tục của loài người giữa các nhóm người cụ thể.
Ví dụ, hầu hết người dân tộc Tây Tạng có một đột biến không thường thấy ở các nhóm dân tộc khác, nó tạo ra nhiều tế bào hồng cầu hơn để bù đắp cho lượng oxy giảm trong không khí ở độ cao lớn.
Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng các nhóm người Inuit ở Greenland đã thích nghi với lượng lớn chất béo mà họ ăn, điều đó có nghĩa là họ có thể đối phó với chế độ ăn này mà không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Các tác giả của nghiên cứu gợi ý rằng việc hiểu rõ sự thích nghi của cơ thể người Bajau có thể giúp nghiên cứu điều trị tình trạng thiếu oxy cấp tính, trong đó con người bị mất oxy nhanh chóng. Tình trạng này thường là nguyên nhân gây tử vong trong phòng cấp cứu. Nghiên cứu Bajau có thể hoạt động hiệu quả như một phòng thí nghiệm mới để tìm hiểu tình trạng thiếu oxy.
Tuy nhiên, lối sống du mục biển ngày càng bị đe dọa. Họ bị coi là những nhóm yếu thế không được hưởng quyền công dân như những người đồng cấp ở đại lục. Việc đánh bắt công nghiệp gia tăng cũng khiến họ khó có thể tồn tại bằng nguồn dự trữ trong nước. Do đó, nhiều người chọn cách rời biển.
Cũng sẽ rất thú vị nếu biết liệu người Bajau có những thay đổi khác trong gen của họ giống với gen của hầu hết người Tây Tạng hay không. Cả hai nhóm có thể đã phát triển những thay đổi bởi vì tình trạng thiếu oxy là phổ biến khi sống ở độ cao lớn hơn hoặc nín thở dưới nước mà việc có các gen đột biến đã mang lại cho họ một lợi thế đáng kể.
Chúng ta biết rằng các đột biến ảnh hưởng đến các chức năng cơ thể cụ thể đôi khi có thể phát sinh riêng biệt ở những người hoặc nhóm không liên quan.
Nhưng cũng có thể trong trường hợp này, hai cộng đồng sống rất xa nhau có thể có những đột biến khác nhau với những tác động tương tự đến khả năng đối phó với mức oxy thấp của họ.
Có lẽ sự so sánh đó sẽ là bước tiếp theo của cuộc điều tra rất thú vị này.
Nguồn: Esploaioni Geografiche; Earthlymission; OggiScienza
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/tuong-namor-chi-co-trong-phim-nhung-ngoai-doi-cung-co-toc-nguoi-ca-2022111414042566.chn” name=””]