Tôi rút ra kinh nghiệm: Khi nghe thông tin của chồng, vợ chỉ nghe một tai, cái gì thiết thực mới nghe kỹ.
“Quái, không còn hiểu nổi cái… cô Vít này ra làm sao nữa!”. Khi ông chồng nghe bà vợ nói thế, tức là bà ấy sắp cho biết một thông tin quan trọng. Thì đây:
“Nhà kia cả nhà mắc dịch hết mà cứ khơi khơi đi du lịch phơi phới. Họ bảo chỉ ho sốt qua loa, giờ ai đó mà “phen này ta quyết đi buôn sả” thì chẳng được nữa, ế rồi. Chỉ cần ra nhà thuốc, mua thuốc uống, đỡ phải đun nồi nước xông.
Nhà nọ, thằng con rước bệnh ở trường về nhà lây lan cho bố mẹ. Nhà đóng cửa, chẳng cần báo phường nữa. Mà lạ ghê, bà ngoại ăn cơm chung, ngủ chung phòng, phục vụ cháu thì lại… chẳng việc gì. Giờ “già bệnh nền” không còn kiêng gì à? Nhà bé, F0 đông hơn F1 thì ai bị cách ly? Con số nhiễm báo đăng, chẳng còn làm ai hốt hoảng. Mắc bệnh tự chữa ở nhà, ai đến mà thống kê. Mà dịch thì chắc gì đã hết hẳn, dân mình cứ ham tụ tập, vui chơi, ngày lễ cháy phòng khắp nơi. Ở vài nước vẫn còn sốt với cô Vít nhé”.
Ông chồng nhìn bà vợ như người lạ: “Tin của bà cũ hơn trái đất, đọc chi vậy, nghe đây nè, giờ chiến tranh cũng bớt nóng rồi nghen, nói chi đến dịch bệnh.
Thế giới đang sợ khí quyển nóng lên hơn 1 độ, phải cố để đừng lên 2 độ. Ghê chưa!”.
Ảnh mang tính minh họa – PressFoto |
Vợ nghe thế tặc lưỡi: “Ông đọc cái đó làm gì, toàn chuyện… trên trời. Bây giờ, người ta quan tâm việc làm nào có thu nhập khá, con cái thi vào ngành nào, ra trường dễ kiếm việc làm. Giá xăng, giá vàng đến mức nào rồi…”.
Chồng lại bảo bà vợ toàn đọc tin… xoàng, tin của ông mới choáng: Cả thế giới đang đứng trên một núi nợ. Nợ công toàn cầu tăng vọt. Loài người qua đại dịch còn có thêm bệnh tâm thần mới: chứng lo âu khủng hoảng khí hậu.
Vợ bĩu môi: “Ôi dào, bệnh sang chảnh quá ở xứ nào, chứ dân ta lo các bệnh thông thường đủ méo mặt rồi. Nghe cô bạn kể vừa đưa người nhà vào mổ cấp cứu mà khiếp. Có tưởng tượng nổi không, bệnh viện nhỏ mà ngày có tới cả ngàn người vào ra. Thế thì bằng đi xem đá banh chứ bệnh viện gì”.
Cứ thế, nói qua nói lại rồi vợ chồng cãi nhau, chứng minh tin của ai thiết thực hơn quan trọng hơn. Họ ở cùng chung cư với tôi, khác lầu. Mỗi lần, thấy ông chồng nhắn tin rủ tôi “cà phê, đánh cờ” là tôi biết ông chồng vừa bị bà vợ tuyên bố: “Thôi, ông đọc cái gì kệ ông, đừng có nói với tôi”.
Chồng về hưu năm ngoái, năm nay vợ về hưu. Đứa con duy nhất đi học xa. Hai “vợ chồng son già” quá rảnh nên đọc tin tức rồi cãi nhau suốt.
Nghe ông kể chuyện, tôi rút ra kinh nghiệm: Khi nghe thông tin của chồng, vợ chỉ nghe một tai, cái gì thiết thực mới nghe kỹ.
Vì thế, muốn vợ chú ý, tôi không nói nhiều về thời sự quốc tế, bóng đá thế giới, khí hậu toàn cầu. Cứ báo cáo chuyện mua đất ở đâu cẩn thận kẻo dính sốt ảo, các kiểu lừa tiền qua điện thoại, chỗ nào bán hàng dỏm trên mạng, may ra vợ còn… chiếu cố nghe.
Quảng Yên
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/noi-chuyen-gi-vo-moi-nghe-a1463001.html” name=””]