( Yeni ) – Khi nói chuyện với đồng nghiệp, dù thân thiết cỡ mấy thì bạn cũng nên tránh những điều sau.
Thông tin bí mật về công ty
Thông tin về một kế hoạch cắt giảm nhân sự hay một hợp đồng quan trọng của công ty đang nằm trong tay bạn? Hãy cẩn thận, sự sơ sẩy khi nói chuyện của bạn sẽ làm nhiều người hoảng sợ hay phấn khích không đúng thời điểm, và chắc chắn là lãnh đạo của công ty không hề thích điều này.
Kế hoạch nhảy việc
Bạn đang có ý định nghỉ việc và hào hứng chia sẻ với đồng nghiệp? Hãy cân nhắc thời điểm thích hợp. Bạn sẽ thông báo rộng rãi sau khi đã giải quyết ổn thỏa mọi giấy tờ, thủ tục có liên quan, và chỉ nên tiết lộ thông tin nếu như đã tìm được việc mới thích hợp.
Đừng để mọi chuyện đồn đoán rần rần ở văn phòng nếu bạn chưa thật sự chuẩn bị hay nghiêm túc cho việc này, nó sẽ đe dọa đến công việc hiện tại của bạn nhiều đấy.
Trút giận về công việc / đồng nghiệp / sếp lên blog / Facebook và để công khai
Đó là một hành động không hề khôn ngoan, vì bạn không thể biết được độ lan tỏa của nó và những ai sẽ đọc được, trong đó có cả những nhân vật chính trong câu chuyện bạn nữa. Hãy luôn biết kiềm chế trên mạng xã hội hoặc thiết lập cho mình một chế độ kiểm duyệt chặt chẽ để tránh rủi ro.
Thông tin mức lương
Nếu công ty bạn giữ bí mật về lương của mọi người, hãy im lặng về mức lương của mình và đừng tò mò hỏi mức lương của những người khác. Sự chênh lệch mức lương sẽ gây ra cảm giác tiêu cực, bất mãn và dễ làm sứt mẻ tình đồng nghiệp lắm đấy.
Những người nổi tiếng bạn quen biết
Thật ra đồng nghiệp không hề có nhu cầu biết được gia thế của bạn ra sao, bạn học ở trường danh tiếng như thế nào, chơi thân với những người tài giỏi, nổi tiếng đến đâu… Bạn càng nói nhiều, người ta càng khó chịu. Và nếu bạn đang khoác lác, đó là cách nhanh chóng để hình ảnh của bạn trở nên xấu thậm tệ trong mắt mọi người.
Bệnh
Hãy giữ im lặng về chuyện bệnh tật hay phải đi gặp bác sĩ chuyên khoa, có lẽ bạn không muốn những tin đồn đãi về bệnh tật của mình được truyền tai nhau trên văn phòng đâu đúng không?
Thêm vào đó, khi biết / nghĩ bạn bị bệnh, thái độ của người ta đối với bạn cũng sẽ thay đổi đấy. Chẳng ai muốn bị nhìn với con mắt dò xét hay nghi kỵ hay thậm chí là thương hại cả, vì chúng ta đến văn phòng là để làm việc mà.
Cuộc sống phức tạp
Nếu hé lộ cho đồng nghiệp biết về đời sống cá nhân rắc rối và phức tạp của mình, bạn có thể đánh mất luôn sự tin tưởng đấy. Bởi vì theo tâm lý thông thường, một người không thể giải quyết các vấn đề cá nhân của bản thân mình, thì làm sao có thể xử lý tốt công việc được đây?
Hài hước không đúng chỗ
Thật ra không phải ai cũng có khiếu hài hước. Nếu bạn có khiếu hài hước, hãy thể hiện đúng chỗ, với đúng người để tránh sự gượng gạo và bị nhận xét “vô duyên”. Nó sẽ rất bất lợi cho tâm trạng của bạn cũng như hình ảnh của bạn trong mắt mọi người.
Quan điểm chính trị
Hãy giữ riêng cho mình, vì đây không chỉ là vấn đề nhạy cảm, mà còn rất dễ để leo thang trong tranh luận rồi xung đột. Chắc bạn không muốn bất hòa với đồng nghiệp chỉ vì một lý do ngoài công việc đâu nhỉ?
Đồn đại thất thiệt
Những lời “nhiều chuyện” của bạn có thể gây rạn nứt trong đồng nghiệp, và sẽ thật không hay nếu họ phát hiện ra bạn là đầu mối của tất cả những thông tin trước đó. Không nên chơi các trò chơi tin đồn vì nó thật sự không hữu ích cho công việc của bạn.
[yeni-source src=”https://saigonthethao.thethaovanhoa.vn/phu-nu-today/10-dieu-tuyet-doi-khong-nen-tam-voi-dong-nghiep.html” alt_src=”https://phunutoday.vn/10-dieu-tuyet-doi-khong-nen-tam-voi-dong-nghiep-d323469.html” name=”Khoevadep”]