Trong bộ ảnh “Day to Night”, nhiếp ảnh gia Stephen Wilkes tái hiện sự thay đổi của dòng thời gian (từ ngày sang đêm) diễn ra trên một phong cảnh duy nhất. Anh và trợ lý dành hơn 26 giờ liên tục để ghi lại hơn 2.200 khung hình, rồi ghép với nhau một cách tỉ mỉ.
Hơn 115 năm trước, tạp chí National Geographic đã xuất bản những ấn phẩm hình ảnh đầu tiên của mình. Đến nay số lượng ảnh mà chuyên trang đã chụp và lưu trữ lên đến số lượng khổng lồ và có giá trị nghiên cứu cao.
Khi nhắc đến National Geographic, người ta sẽ nghĩ đến những thước phim bắt mắt, những hình ảnh con người hay thiên nhiên tráng lệ. National Geographic dường như gắn bó mật thiết với nhiếp ảnh, cũng như nhiếp ảnh là cách tạp chí này bước ra thế giới. Thật ra, số tạp chí đầu tiên của trang, xuất bản năm 1888, lại không có một bức ảnh nào.
Mãi đến 17 năm sau đó, biên tập viên Gilbert H. Grosvenor mới “liều mình” đưa 11 bức ảnh chụp Tây Tạng vào, đánh dấu những bước chuyển mình đầu tiên. Hai thành viên hội đồng quản trị từ chức vì không đồng tình với hướng đi mới, họ sợ tạp chí sẽ trở thành “sách ảnh” và đi sai hướng, nhưng dư luận lại phản ứng khá tích cực, tới mức lượng độc giả tăng lên gấp sáu lần.
Năm 1906, Grosvenor lấp đầy các trang tạp chí bằng hình đời sống hoang dã về đêm, chùm ảnh được thực hiện nhờ những tiến bộ công nghệ của nhiếp ảnh gia George Shiras III. Sự đổi mới này tạo ra nhiều bước ngoặt mới trong việc lưu trữ và tôn vinh sức mạnh nhiếp ảnh.
Vào những năm 1940, Harold “Doc” Edgerton phát minh ra đèn chớp điện tử – công cụ giúp bắt trọn nhiều chuyển động đặc biệt khi quay phim, sau đó ông cộng tác với nhà thám hiểm National Geographic Jacques Cousteau để phát triển các kỹ thuật chụp ảnh dưới nước.
Anand Varma kết hợp sinh học và công nghệ để phóng to những sinh vật hay vật thể khó quan sát được bằng mắt thường. Renan Ozturk thì dùng công nghệ máy bay không người lái để theo chân nhà leo núi trên đỉnh Everest, phác họa một cách rõ ràng lộ trình trèo lên đỉnh núi vĩ đại, một lộ trình mà không phải ai cũng thấy được. Còn nhiếp ảnh gia Reuben Wu chụp ảnh di tích Stonehenge bằng cách khéo léo kết hợp máy bay không người lái với đèn LED, khiến Stonehenge hiện lên bằng một sắc thái rất khác.
Tiến bộ công nghệ tác động rất nhiều đến cách National Graphic kể chuyện. Nhưng không chỉ cách kể chuyện thay đổi, mà National Graphic cũng lựa chọn các nhiếp ảnh gia với nhiều phong cách chụp khác nhau. Tôn chỉ của họ là sự đa dạng thúc đẩy tính sáng tạo.
Dưới đây là 15 bức ảnh mang tính biểu tượng nhất được lọc ra từ kho lưu trữ của National Geographic. Các bức ảnh được chụp trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Ảnh chụp tại Cộng hòa dân chủ Congo, 2010
Một nhà khoa học đi bộ trên bề mặt của núi Nyiragongo, một ngọn núi lửa ở Dãy núi Virunga, Congo. Các nhà khoa học bắt đầu cuộc thám hiểm xuống miệng núi lửa để nghiên cứu hồ dung nham 1800°F trải dài hơn 700 feet. Vào năm 2021, dung nham từ một vụ phun trào núi lửa đã tràn ra vùng ngoại ô của thành phố Goma gần đó. Goma là đô thị có 1,5 triệu dân.
Ảnh chụp tại Mỹ, 2016
Để quan sát luồng khí xung quanh cánh của một con chim ruồi, các nhà khoa học sử dụng máy phun sương sóng âm phủ một lớp sương mịn quanh chú chim. Thỉnh thoảng, khi cần đổi hướng bay, cánh của nó sẽ lật hơn 90 độ. Các lớp sương sẽ cuộn lại như tấm ảnh thể hiện. Chim ruồi là loài chim duy nhất có thể bay lùi.
Ảnh chụp tại Trung Quốc, 2015
Một người chăm sóc thú ở khu bảo tồn Ngọa Long, Tứ Xuyên, mặc bộ đồ gấu trúc để tiếp cận một chú gấu trúc con. Người này cần kiểm tra sức khỏe để chắc chắn chú gấu này có thể sẵn sàng cho cuộc sống ngoài tự nhiên. Gấu trúc từng được coi là loài có nguy cơ tuyệt chủng vào năm 1990. Sau 30 năm nỗ lực, chính phủ đã thành công hồi phục số lượng gấu và quần thể đã tăng lên gấp đôi.
Ảnh chụp tại Nga, 2016
Khoác một tấm màn và đội vương miện bằng bìa cứng, cô bé Kristina Khudi hóa thân thành “công chúa lãnh nguyên” trong khu cắm trại Nenets gần vùng biển Kara. Suốt nhiều thế kỷ, những người chăn nuôi tuần lộc ở Bắc Cực, Nga lại di cư 800 dặm mỗi năm. Nhưng giờ đây, hành trình của họ đối mặt với nhiều trở ngại, ngoài thách thức đến từ tự nhiên là các vùng khí đốt khổng lồ, còn là thách thức của thế giới hiện đại: biến đổi khí hậu.
Ảnh chụp tại Mexico, 2016
Năm 2011, băng đảng tội phạm Zetas, do nghi ngờ có người phát tán thông tin về hoạt động buôn bán ma túy của hội, nên đã càn quét vùng Allende, Mexico và thị trấn gần biên giới Texas, giết chết ít nhất một trăm người.
Đối với những người đã trải qua mất mát, ngày lễ Día de Muertos (Lễ hội của người chết) năm ấy đặc biệt quan trọng, vì họ không chỉ tưởng nhớ về tổ tiên mà còn là những người không may bị băng đảng tàn sát.
Ảnh chụp tại Mexico, 2017
Đôi mắt của một chú vẹt được bao quanh bởi những dải lông rực sắc. Bức ảnh được chụp tại quần đảo Canary. Những loài vẹt sống quanh đây sẽ ăn trái cây, mật hoa, đôi khi là côn trùng và chúng cảm thấy thoải mái khi sống gần nơi ở của con người.
Ảnh chụp tại Iran, 2016
Người dân đang tắm tại một vùng nước thuộc hồ Urmia. Khu vực này có màu đỏ hồng do có chứa các loài tảo và vi khuẩn nước mặn. Người Iran từ nhiều thế hệ thường tới du lịch tới đây, nhưng lượng khách ngày càng giảm khi diện tích hồ dần bị thu hẹp lại vào những năm 1980. Gần đây, mực nước hồ đã dần hồi phục, nhưng vẫn chỉ bằng một nửa so với kích thước ban đầu.
Ảnh chụp tại Ai Cập, 2021
Lăng mộ của vua Pharaoh Tutankhamun được khai quật cách đây gần một thế kỷ. Bên trong chứa đầy của cải và cả xác ướp của giới hoàng gia. Đây là sự kiện gây chấn động thời điểm đó. Bốn vị thần bảo vệ thi thể của vị pharaoh được chạm khắc bằng đá thạch anh và đặt bao quanh quan tài.
Ảnh chụp tại Sudan, 2020
Bức ảnh được chụp tại một đám cưới diễn ra tại khu vực thuộc dãy núi Biển Đỏ (Red Sea). Trước đó, trời đổ mưa. Khi mưa tạnh, người tham gia đám cưới bắt đầu thực hiện các điệu nhảy. Những người đàn ông sẽ bật nhảy và thi xem ai nhảy cao hơn. Nhiếp ảnh gia Nichole Sobecki ấn tượng bởi sự tử tế và nhiệt tình của những người lạ tại đây.
Ảnh chụp tại Mỹ, 2016
Thợ săn Larry Lucas Kaleak đang lắng nghe âm thanh của những con hải cẩu và cá voi đầu cong (bowhead whale) bằng cách áp tai vào một mái chèo gỗ và cảm nhận rung động truyền qua mái chèo. Những thợ săn bản địa ở Alaska, Bắc Cực có truyền thống “cắm trại” trên những tảng băng dày trong vài tuần, chờ đợi lũ cá voi di cư. Nhưng khi tình trạng nóng lên toàn cầu làm băng tan nhanh hơn, truyền thống 4.000 năm tuổi của bộ tộc này bị đe dọa.
Ảnh chụp quần đảo Cook, 2019
Một con cá voi cái và một con cá voi con đang được “hộ tống” bởi hai cá voi đực ở vùng biển thuộc quần đảo Cook. Hai chú cá voi đực giúp đỡ “bà mẹ đơn thân” vì mong muốn được trở thành bạn tình và giao phối với cá voi cái. Cá voi con thường phát ra những tiếng rít nhẹ, nghe như tiếng thì thầm. Tiếng kêu của con đực trưởng thành lại khá trầm, thấp, còn tiếng rít lại có cường độ cao.
Ảnh chụp tại Ấn Độ, 2013
Vrindavan, thành phố ở miền Trung Ấn Độ, được mệnh danh là “thành phố của những góa phụ”. Theo truyền thống văn hóa tại đây, người phụ nữ góa bụa phải cắt tóc ngắn và quấn khăn trắng. Bà Lalita, ngồi ở góc phải là một ví dụ điển hình. Tuy nhiên những góa phụ trẻ ít bị ràng buộc bởi các phong tục truyền thống hơn. Trong rất nhiều trường hợp, sự ra đi của người chồng đồng nghĩa với việc người vợ rơi vào cảnh bị ngược đãi và đày đọa bởi phong tục truyền thống, nhưng những người phụ nữ đang bắt đầu đứng lên phản kháng.
Ảnh chụp tại Mỹ, 2013
Nhà leo núi Alex Honnold đang đu mình trên thung lũng Yosemite, California mà không có bất kỳ dây thừng hay thiết bị an toàn nào. Trước khi đạt được thành tích ấn tượng vào ngày 3 tháng 6 năm 2017, Honnold đã suy nghĩ về chuyến leo núi trong suốt 10 năm, rồi dành một năm rưỡi lên kế hoạch và luyện tập.
Ảnh chụp tại Pakistan, 2011
Những người leo núi đang bước đi trên đỉnh núi Gasherbrum II thuộc dãy Karakoram vào thời điểm hoàng hôn. Khi xuống dốc, những nhà leo núi và cả nhiếp ảnh gia Cory Richards suýt bị vùi lấp bởi một trận tuyết cấp 4 nhưng may mắn thoát chết trong gang tấc. Sau tai nạn, Cory phải gặp một số sang chấn tâm lý, nhưng cũng nhờ đó mà anh cởi mở khi nói về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần.
Nguồn: National Geographic
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/15-hinh-anh-an-tuong-nhat-trong-suot-mot-thap-ky-qua-20221110100441582.chn” name=””]