Nhiều lần chị tưởng mình đủ quyết tâm để chấm dứt hôn nhân, nhưng rồi chị cắn răng ở lại để “đẹp mặt gia đình”.
Ảnh minh họa |
Ngay ngày đầu làm dâu, chị đã được mẹ chồng giáo huấn “thuyền theo lái, gái theo chồng”, “Muốn nói không, làm chồng mà nói”, vợ chỉ được nghe và vâng lời. Chồng nói sai cũng không được cãi.
Chị chỉ nghĩ mẹ chồng nói thế thôi, không ngờ ngày nọ, khi chồng chị đưa ra yêu cầu vô lý, chị phản ứng lại liền bị anh tát. Anh cho rằng chị không có quyền cãi tay đôi với chồng.
Hôm đó chị khóc sưng mắt rồi về nhà mẹ ruột ở gần đó. Mẹ chị an ủi: “Chồng con nóng tính. Nó nói gì thì con cứ im lặng mà làm theo, kẻo ăn đòn thiệt thân”.
Chị ngạc nhiên vô cùng. Mẹ chị từ nhỏ luôn dạy chị biết quý trọng bản thân, nay lại cho rằng việc chồng đánh vợ là đương nhiên, và khuyên chị nhường nhịn cả những điều vô lý.
Sau lần ra tay ấy, chồng chị xin lỗi, chị ậm ừ cho qua. Chị nghĩ 2 người mới về chung một nhà cũng còn nhiều lạ lẫm, cần thời gian để hiểu nhau, để hòa hợp. Nhưng kể từ đó, trong tim chị có 1 vết thương hằn sâu.
Vậy nhưng, chồng chị nhanh chóng cho thấy anh chính xác là người ưa bạo lực. Hễ không ưng điều gì là anh “đụng tay đụng chân”. Ra đường, nếu lỡ va chạm giao thông, anh sẽ dừng xe lại “ăn thua đủ” với người khác, rất hung hăng, dữ tợn.
Có lần chị nhắc chồng rằng va quẹt trong giao thông là điều không ai muốn, mỗi người nhường nhau một chút là xong. Đang cơn bực tức, anh liền trợn mắt chửi bớt và đỉnh điểm là tát chị. Chị vừa khóc vừa nói: “Em đâu nói gì sai?”, thì anh gào lên: “Cái thứ đàn bà mà dám cãi chồng!”.
Không chỉ đánh vợ, anh còn mê đỏ đen. Ngày quen nhau chị không hề biết thói tật này vì anh giấu rất kỹ. Đến lúc chị về làm dâu, mẹ chồng yêu cầu đưa vàng cưới để bà trả nợ cho anh, chị mới té ngửa.
Cứ tưởng có vợ có con, anh sẽ bỏ thói hư tật xấu để làm ăn, vun đắp gia đình. Không ngờ anh tiếp tục bòn rút tiền của chị để đánh bạc. Khi mới lấy nhau, anh còn né tránh, nói gần nói xa hoặc bịa chuyện này chuyện kia để rút tiền của chị. Sau đó, anh xem như chuyện trả nợ là nghĩa vụ của vợ. Chủ nợ đến nhà réo tên chị đòi, anh xuất hiện, yêu cầu chị trả giùm.
2 đứa con lần lượt ra đời, gánh nặng dồn lên vai chị. Tiền anh đi làm hầu như không phụ giúp gì cho vợ con, vì chẳng đủ cho anh tiêu xài, cà phê thuốc lá. Chị phải làm thêm một lúc 2 – 3 việc để có tiền trang trải. Đôi ba lần chị nói với mẹ ruột rằng chị muốn ly hôn vì kiệt sức với cuộc hôn nhân này. Ngoài 2 đứa con, chị chẳng có gì ngoài thân xác tàn tạ, mắt thâm quầng, và những tổn thương.
Mỗi lần như vậy, mẹ luôn thuyết phục chị ở lại, rằng nếu ly hôn, 2 đứa nhỏ không có cha, sẽ bị người đời dị nghị, chị sẽ mang tiếng chồng bỏ, ba mẹ chị không dám ngẩng đầu nhìn ai.
Mỗi lần nghe mẹ nói, chị nuốt nước mắt vào trong. 25 năm hôn nhân, chị luôn nung nấu ý định một ngày bước ra khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc, nhưng rồi lại chấp nhận chịu đựng.
Con gái lớn đi lấy chồng, con trai thứ 2 đi du học. Sau đám cưới của con gái, chị một lần nữa nói chuyện ly hôn, mẹ chị mắng: “Ai đời tuổi này còn muốn ly hôn! Con cái lớn đã có vợ có chồng, muốn làm xấu mặt nó hay sao?”.
Tuy nhiên, cô con gái ủng hộ chị, nói rằng mẹ đã khổ nhiều, 25 năm là quá dài cho một đời người. Lời nói của con cho chị sức mạnh, chị nộp đơn ly hôn. Chồng chị muốn giành phần nhiều tài sản, chị chấp nhận. Suốt những năm qua, chị đã làm việc cật lực, cũng để dành được một số vốn riêng. Chị muốn đến một vùng đất mới, làm lại từ đầu. Vì chị biết không bao giờ là muộn, mọi thứ chỉ muộn màng khi ta không chịu hành động mà thôi.
Bây giờ, ngôi nhà của chị đầy hoa trái cỏ cây. Mỗi sáng, chị pha ly cà phê, ngồi bên hiên nghe nhạc, đọc sách. 7 giờ sáng chị đi làm, 5 giờ chiều trở về nhà, mỗi ngày trôi qua đều vui và ý nghĩa. Chị nuôi mấy con chó, mấy con mèo để bầu bạn. 50 tuổi, chị vẫn còn trẻ để bắt đầu…
Thanh Vân
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/25-nam-nung-nau-ly-hon-a1529921.html” name=””]