Lý do trẻ thường cãi lời có thể xuất phát từ một số sai lầm của bố mẹ trong quá trình nuôi dạy.
Khi trẻ bắt đầu biết cãi lại, nhiều bố mẹ thường cho rằng con hỗn láo, ngỗ ngược. Trong trường hợp này, các chuyên gia khuyên rằng bố mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân, nguồn gốc của vấn đề thay vì trách mắng hay áp dụng các phương pháp giáo dục quá nghiêm khắc.
Bởi việc hiểu được nguyên nhân dẫn đến hành vi cãi lời của trẻ, sẽ giúp bố mẹ hiểu con hơn cũng như hạn chế được mâu thuẫn không đáng có. Từ đó biết cách ứng xử cho phù hợp, vừa không làm con nổi loạn hay ấm ức, vừa không làm mất vị thế của bố mẹ trước mặt trẻ.
Bố mẹ luôn cho là mình đúng và con phải nghe lời
Nhiều bố mẹ đều có sai lầm chung trong quá trình nuôi dạy con đó là: “Người lớn luôn luôn đúng, con trẻ phải nghe theo, không được cãi”.
Bởi vì bố mẹ luôn có một suy nghĩ rằng mình là người lớn, là người đẻ ra con, chính vì thế con bắt buộc phải nghe, không được sai một ly. Khi trẻ thể hiện ý kiến khác với ý nguyện của bố mẹ, họ cho rằng quyền uy của mình bị đe dọa, con không xem mình ra gì và vì thế cảm thấy tức giận hay thấy bị xúc phạm.
Thực tế, trẻ em trong quá trình phát triển luôn học cách để đạt được thứ mình muốn. Dưới 1 tuổi, trẻ biết quấy khóc khi đói. Đến khi lên 2-3 tuổi, trẻ biết quấn lấy chân cha mẹ để thu hút sự chú ý. Vì vậy khi đến độ tuổi có nhận thức riêng, trẻ sẽ có cách để phản ứng cho thấy nhu cầu được lắng nghe và đáp ứng.
Thường thì phụ huynh sẽ không giải thích cho con hiểu, không chấp nhận nổi việc bất đồng ý kiến này mà sẽ buông ra những câu la mắng.
Trong một số trường hợp, phụ huynh có thể nổi giận và dùng bạo lực để thể hiện quyền lực của bố mẹ, gây ra sự tổn thương không chỉ về mặt thể chất mà còn tạo ra bóng đen tâm lý, khiến con lệch lạc nhân cách cho đến lớn.
Bố mẹ có thể học cách giao tiếp tốt hơn mà không cần tranh cãi, tuy nhiên trẻ cần thời gian và cần sự chỉ dạy hợp lý, thay vì những mệnh lệnh. Bố mẹ cũng nên học cách lắng nghe, chỉ dẫn và góp ý, không nên đưa ra mệnh lệnh và bắt con im lặng nghe theo.
Lý do trẻ thường cãi lời bố mẹ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Luôn so sánh trẻ với những người khác
Việc phát triển tư duy về sự vật, sự việc trong cuộc sống cũng như có sự nhận thức về bản thân là một quá trình rất bình thường và tự nhiên của đứa trẻ. Từ 2-3 tuổi trở lên, trẻ đã bắt đầu có một khả năng nhận thức nhất định cũng như thích thể hiện cái tôi của mình bằng việc nói “không” với các yêu cầu của bố mẹ.
Lớn hơn chút nữa, trẻ hiểu biết nhiều hơn về thế giới xung quanh, trở thành một cá nhân có tư duy độc lập, có suy nghĩ và quan điểm riêng. Với vốn từ và khả năng biểu đạt ngày một hoàn thiện sẽ càng giúp cho trẻ dễ dàng bày tỏ chính kiến của mình trước mặt người lớn. Lúc này việc trẻ phản bác hay cãi lời bố mẹ không thể đánh đồng với việc trẻ không tôn trọng hoặc hỗn láo.
Một số phụ huynh hay châm biếm khi con làm sai, la hét, mắng mỏ con, thậm chí bêu rếu con trước mặt người ngoài. Vì vậy phản ứng cãi của trẻ có thể xuất phát từ chính cách cư xử không đúng của bố mẹ, bởi con cảm thấy mình không được công nhận, không được tôn trọng và tin tưởng.
Việc trẻ luôn giữ thái độ tiêu cực chống đối khi bị đưa ra so sánh chứng tỏ bé cảm thấy không hài lòng với bố mẹ. Từ đó, trẻ sẽ tạo khoảng cách với gia đình, cảm thấy cô đơn, lạc lõng. Nếu kéo dài tình trạng này, cảm xúc tiêu cực có thể ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển tính cách của trẻ về sau.
Thông thường, bố mẹ so sánh con với người khác nhằm mục đích thúc đẩy trẻ. Tuy nhiên, điều này xảy ra quá thường xuyên khiến trẻ nhận thấy cha mẹ đánh giá cao những đứa trẻ khác hơn, chúng sẽ cảm thấy bị phớt lờ. Từ đó, trẻ sẽ không bao giờ cố gắng làm hài lòng cha mẹ.
Nếu bố mẹ thường xuyên mắng mỏ, chế nhạo con bằng cách so sánh, trẻ sẽ dần dần tránh giao tiếp nơi công cộng, thậm chí cả trong gia đình. Điều này ảnh hưởng rất tiêu cực đến đời sống tinh thần của bé.
Bố mẹ nên học cách lắng nghe, chỉ dẫn và góp ý, không nên đưa ra mệnh lệnh và bắt con im lặng nghe theo.
Trẻ bị ảnh hưởng từ hành vi xấu của môi trường sống
Một lý do nữa khiến trẻ hay cãi lại là từ việc bắt chước từ những người xung quanh. Trẻ học cách sử dụng từ ngữ cũng như cách nhấn giọng từ nhiều nguồn khác nhau, từ bạn bè xung quanh, từ các chương trình truyền hình hay thậm chí là từ hành động của bố mẹ và những người thân trong gia đình.
Nhiều trẻ em bắt chước hành động của người khác nhưng không biết rằng làm như vậy là hỗn và không tôn trọng người lớn.
Không ít trường hợp trẻ không mắc lỗi lầm gì nhưng vẫn thường xuyên bị bố mẹ trách mắng đầy vô lý khiến trẻ ấm ức, khó chịu. Mặc dù trẻ đang trong giai đoạn tăng trưởng và hệ thần kinh chưa phát triển hoàn thiện nhưng trẻ đã có những hiểu biết theo cảm xúc của riêng mình.
Vì vậy, khi sự hiểu biết và ᴄông nhận này bị bố mẹ hay những người khác phủ nhận, trẻ cũng sẽ đối phó với vấn đề theo cách mất bình tĩnh.
Bên cạnh đó, việc bố mẹ thường xuyên thất hứa cũng làm tăng thêm sự bất bình trong nội tâm của con. Khi trẻ cảm thấy bị lừa dối, cảm giác phản kháng và đối đầu sẽ dần lan tỏa trong lòng trẻ. Dần dà, trẻ không còn tin tưởng bố mẹ, không muốn chấp nhận kỷ luật và giao tiếp bình thường với bố mẹ cũng sẽ biến thành bắt bẻ và bác bỏ.
Đằng sau tất cả những hành vi có vẻ đối nghịch này, điều mà đứa trẻ muốn thể hiện chỉ đơn giản là con muốn được chú ý và con muốn được tôn trọng.
Trre thường xuyên cãi lời không phải là cách tốt để giải quyết vấn đề, một khi đã trở thành thói quen tự nhiên sẽ không có lợi cho việc học tập và phát triển của trẻ, thậm chí ảnh hưởng đến sự hài hòa của các mối quan hệ giữa các cá nhân khi trẻ lớn lên.
Tiên sĩ tâm lý Kiều Thị Thanh Trà, Trưởng bộ môn Tâm lý học giáo dục, khoa Tâm lý học, trường Đại học Sư phạm Tp.HCM đã có những chia sẽ hữu ích, giúp bố mẹ có ứng xử phù hợp và phương cách giáo dục con tốt hơn.
Kiều Thị Thanh Trà, Trưởng bộ môn Tâm lý học giáo dục, khoa Tâm lý học, trường Đại học Sư phạm Tp.HCM.
Thưa chuyên gia, cách cư xử và giao tiếp của cha mẹ với con cái ảnh hưởng thế nào đến việc hình thành tính cách và phát triển tâm lý ở đứa trẻ?
Bố mẹ (hoặc người chăm sóc trực tiếp) chính là hình mẫu đầu tiên và quan trọng nhất của mỗi đứa trẻ. Chính vì vậy, cách cư xử và giao tiếp của bố mẹ với con cái là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển tâm lý của trẻ.
Giao tiếp tích cực giữa bố mẹ và con cái giúp nuôi dưỡng mối liên kết tình cảm, yêu thương và ấm áp đồng thời thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau giữa bố mẹ và con cái. Đây là điều kiện thuận lợi để nuôi dạy và phát triển những phẩm chất tốt đẹp ở trẻ.
Một số ý kiến phản hồi rằng, hiện nay nhiều trẻ nhỏ thường xuyên cãi lời cha mẹ cho thấy trẻ độc lập và có khả năng bày tỏ ý kiến của riêng mình, theo chuyên gia điều này có đúng không?
Tính độc lập (hay tự lập) của trẻ thể hiện qua năng lực tự đưa ra sự lựa chọn, tự thực hiện hoạt động theo lựa chọn của bản thân với sự thoải mái, hào hứng, vui vẻ mà không phụ thuộc, dựa dẫm hay nhờ vả người khác và quan trọng là trẻ luôn cố gắng, nỗ lực và tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Ngược lại, trẻ thường xuyên cãi lời cha mẹ lại bộc lộ những hành vi chống đối, không lắng nghe và phản ứng lại với tất cả các yêu cầu từ phía cha mẹ hoặc người lớn, thường xuyên đi kèm với cảm xúc giận dữ và chối bỏ trách nhiệm trong các hành vi của mình.
Vì vậy, việc trẻ nhỏ thường xuyên cãi lời cha mẹ và trẻ độc lập, có khả năng bày tỏ ý kiến riêng của mình, về bản chất, là hoàn toàn khác nhau.
Chuyên gia có thể gợi ý những cách ứng phó thông minh khi con cái thường xuyên chống đối, cãi lời cha mẹ?
Có rất nhiều nguyên nhân ẩn sau biểu hiện chống đối, cãi lời bố mẹ của trẻ. Vì vậy, bố mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân của các hành vi, biểu hiện này để có cách xử lý phù hợp thay vì thể hiện sự tức giận hoặc trừng phạt trẻ. Bố mẹ có thể cân nhắc một số gợi ý sau đây:
– Giữ bình tĩnh nhưng cần thể hiện sự kiên quyết và không chiều theo trẻ.
– Tạo cơ hội cho trẻ bày tỏ quan điểm, lắng nghe và trao đổi với trẻ.
– Sử dụng quyền hạn của mình và đưa ra một số lựa chọn cho trẻ, đồng thời, cho trẻ biết về kết quả dự kiến ở từng lựa chọn.
– Trao quyền lựa chọn cho trẻ, tuy nhiên, cần giúp trẻ nhận ra và chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình.
– Nhất quán trong cách cư xử, hành vi của bản thân và yêu cầu đối với trẻ.
Bố mẹ có nên rèn luyện cho con những thói quen tốt từ nhỏ để trẻ phát triển tính cách lành mạnh hơn?Nếu có, theo chuyên gia nên dạy trẻ những thói quen nào?
Bố mẹ có thể giúp cho trẻ rèn luyện và hình thành những thói quen tốt ngay từ nhỏ. Những thói quen này sẽ đi cùng trẻ và mang lại lợi ích lâu dài.
Bố mẹ có thể giúp trẻ rèn luyện và hình thành những thói quen tốt chẳng hạn như thói quen sinh hoạt lành mạnh, đọc sách, chơi thể thao, cư xử đúng mực hay các kỹ năng xã hội phù hợp với độ tuổi của trẻ.
Cần có thời gian để rèn luyện và hình thành thói quen, vì vậy, bố mẹ cần kiên nhẫn, động viên khuyến khích và đồng hành cùng con.
[yeni-source src=”https://arttimes.vn/gia-dinh/3-sai-lam-khien-tre-hay-cai-lai-ts-tam-ly-chi-cach-phan-ung-khon-ngoan-giup-con-nen-nguoi-c59a6398.html” alt_src=”https://eva.vn/nuoi-con-khoe-day-con-khon/3-sai-lam-khien-tre-hay-cai-lai-ts-tam-ly-chi-cach-phan-ung-khon-ngoan-giup-con-nen-nguoi-c429a522731.html” name=””]