Ngoài đời thật, chúng ta không có Doraemon, cũng không có túi thần kỳ.
Doraemon của cố họa sĩ Nhật Bản Fujiko F. Fujio là bộ truyện gối đầu giường của trẻ em toàn châu Á trong hàng chục năm qua. Không chỉ đơn thuần là một bộ truyện dễ thương, thú vị, Doraemon còn sống mãi trong lòng mọi đứa trẻ, và tất cả những ai từng là những đứa trẻ vì những bài học nhẹ nhàng mà nó truyền tải.
Hãy trở thành những người bạn trung thành
Doraemon là một người bạn lý tưởng. Cậu luôn quan tâm đến những người xung quanh, đặc biệt là Nobita. Mỗi khi Nobita gặp khó khăn hay than phiền, Doraemon luôn ở đó khuyên bảo và giúp cậu giải quyết. Đó là lý do Doraemon cũng đã nhận lại được sự trung thành và tình yêu thương của Nobita cũng như tất cả mọi người. Khi nhà có động đất, ông bà Nobi mỗi người đã ôm một đứa trẻ để bảo vệ, vì họ coi mèo ú cũng như con của mình.
Xuyên suốt bộ Doraemon là những bài học cảm động về tình bạn. Suneo và Gian là những người luôn bắt nạt Nobita, nhưng cũng lại là người sẵn sàng lao vào hiểm nguy để giải cứu bạn mình khi nguy cấp. Tình bạn của những học sinh lớp 3E dù đầy lúc trắc trở, cãi vã nhưng sau tất cả, Nobita, Suneo, Shizuka và Gian vẫn yêu mến nhau, chưa bao giờ lựa chọn từ bỏ nhau. Những cuộc phiêu lưu của Nobita, dù là vào lòng đất, sang hành tinh khác hay tới vương quốc trên mây đều sẽ chẳng bao giờ đặc sắc đến vậy nếu cậu bé đi một mình.
Chúng ta ai cũng có một Nobita bên trong mình
Nobita được khắc họa là một đứa trẻ lười biếng và nhiều khuyết điểm trong suốt tuổi thơ. Thế nên cậu thường xuyên tự ti, bi quan và hay than khóc.
Nhưng Nobita cũng có ưu điểm của mình. Cậu bé ấy giỏi tưởng tượng, giỏi chơi dây, sẵn sàng hy sinh sự an toàn của mình để giúp đỡ người khác và tiết kiệm tiền tiêu vặt để mua bánh rán cho bạn thân mèo ú.
Nobita hoàn toàn không phải một đứa trẻ tệ, mà cậu bé giống bất kỳ ai trong chúng ta ngày còn nhỏ. Chúng ta đều từng đầy lóng ngóng, hậu đậu, sợ sệt và thấy bất an. Chính bản thân tác giả Fujiko F. Fujio đã nói ông thấy mình là Nobita: “Tôi chính là Nobita. Tính cách yếu đuối của cậu bé giống hệt tôi khi còn học tiểu học. Hầu hết mọi đứa trẻ đều có một Nobita trong mình. Tôi nghĩ đó là lý do độc giả đồng cảm khi đọc Doraemon. Thế nhưng có một điều rất đáng ngưỡng mộ ở cậu bé ấy. Nobita không giỏi giang, hay gây chuyện, thế nhưng cậu ấy biết cách nhìn nhận lại những sai lầm của mình. Nobita thường nghĩ mình vẫn chưa đủ tốt. Cậu bé mong muốn trở thành một con người tốt hơn, bất chấp mình thất bại bao nhiêu lần. Tôi nghĩ điều đó rất tuyệt vời”.
Trong đời thực không có chiếc túi thần kỳ
Những đứa trẻ khi lớn lên đều sẽ phải nhận ra đời thực khác Doraemon, không ai có túi thần kỳ. Ngoài cuộc sống thật, chúng ta đều phải tự làm việc và giải quyết những vấn đề của mình. Dẫu vậy, ngay cả khi dùng bảo bối của Doraemon, Nobita vẫn chưa chắc thoát ra được những rắc rối và thậm chí còn gây họa nhiều hơn nữa.
Trong mỗi chương truyện ngắn, Nobita có thể dùng nhiều hơn một bảo bối mà vẫn loay hoay. Mỗi một vấn đề có thể có một ngàn cách giải quyết, con người chỉ có thể làm nên những điều kỳ diệu bằng cách tự tạo ra “bảo bối” của riêng mình. Và ngay cả khi không giải quyết xong được rắc rối thì Nobita ít nhất cũng rút ra được bài học nào đó cho bản thân nên thất bại cũng không sao cả.
Không bao giờ bỏ cuộc
Đã có không ít lần Nobita gặp phải rắc rối lớn nhưng cuối cùng đã thành công nhờ thái độ không bao giờ bỏ cuộc của mình. Trong tập 6 bộ truyện ngắn, Nobita đánh nhau với Gian. Đó là khi Doraemon chuẩn bị rời đi, Nobita đã liên tục thách đấu với Gian dù bản thân đã sứt đầu mẻ trán. Cậu bé nỗ lực hết sức để chứng minh rằng mình có thể tự vệ mà không cần sự giúp đỡ của Doraemon, vì có như vậy mèo ú mới yên tâm trở về tương lai. Sau hàng chục lần bướng bỉnh, cuối cùng, Gian thừa nhận rằng Nobita đã chiến thắng.
Ai cũng có mặt tốt và xấu
Chúng ta chỉ có thể cải thiện bản thân bắt đầu bằng việc chấp nhận rằng mình không hoàn hảo. Nobita được biết đến là người lười biếng và hay ngủ nướng, luôn bị điểm 0. Tuy nhiên, như đã đề cập, Nobita cũng có những ưu điểm. Suneo luôn tự ti vì chiều cao của mình nhưng sẵn sàng chia sẻ đồ chơi với bạn bè. Gian hát dở tệ, hay bắt nạt người khác nhưng rất yêu thương em gái và hay phụ mẹ bán hàng. Ngay cả bản thân chú mèo máy Doraemon dễ thương đến vậy cũng có “điểm trừ” là sợ chuột. Dekisugi dường như là nhân vật hoàn hảo nhất bộ truyện lại chưa bao giờ được độc giả chú ý đến quá nhiều.
Bảo bối có thể giải quyết nhiều vấn đề nhưng cũng có thể tạo ra vấn đề nếu không được sử dụng đúng cách
Trong Doraemon, mèo máy luôn lôi bảo bối từ trong túi thần kỳ ra để giúp Nobita giải quyết một vấn đề nào đó nhưng hầu hết mọi lần Nobita đều không sử dụng đúng cách. Nobita có biệt tài là tìm kiếm những ứng dụng khác thường cho các món bảo bối của Doraemon và tự đẩy mình vào rắc rối thêm. Dù chúng ta làm gì và có những bảo bối kỳ diệu ra sao thì kết quả cuối cùng vẫn tùy thuộc vào cách chúng ta phản ứng với nó, hoàn cảnh bên ngoài chỉ chiếm 10% mà thôi.
Trở nên giàu có không khiến bạn hạnh phúc
Suneo, người bạn giàu có của Nobita thường cảm thấy thất vọng khi thấy Nobita và những người bạn khác vui vẻ mặc dù có mọi thứ đồ chơi đắt đỏ nhất. Những chuyến du lịch xa hoa và tiền tiêu vặt khổng lồ từ bố mẹ không khiến Suneo hạnh phúc hơn Nobita – đứa trẻ nhà nghèo có bạn thân Doraemon luôn bên cạnh hay vui vẻ hơn Gian – cậu bé có cô em gái Jaiko hết sức dễ thương.
Nguồn: Cartoon Fact
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/7-bai-hoc-cuoc-song-tu-doraemon-the-gioi-tre-tho-tuoi-dep-nay-cung-truyen-tai-vo-so-dieu-ma-nguoi-lon-can-suy-ngam-20230309154127348.chn” name=””]