( Yeni ) – Không chỉ là những loài hoa thông thường mà những loài hoa sau đây còn có thể chế biến thành món ngon mà rất nhiều người mê. Bạn đã từng được thưởng thức món ăn từ những loài hoa này?
Nộm hoa ban (Sơn La)
Với đồng bào Thái, món ăn từ hoa ban được xem là nét ẩm thực độc đáo theo mùa. Vào tháng 2-3, các bà các chị khi đi nương về thường hái theo thứ rau đặc biệt này. Bên cạnh các phương pháp chế biến như làm xôi, nấu canh, nộm hoa ban là nổi bật hơn cả.
Món ăn từ hoa này khá đơn giản và không tốn nhiều thời gian. Sau khi mang về mang về, người ta sẽ chần cánh nhụt qua nước sôi rồi để ráo nước. Sau đó, hoa được đem vò nát.
Măng trộn nộm ngon nhất là măng nứa và măng đắng. Sau khi thái nhỏ, măng được đem ngâm nước muối loãng rồi luộc qua. Để thêm chút béo ngậy, người nấu sẽ trộn thêm thịt cá suối nướng.
Thành phần quyết định hương vị đặc trưng của nộm hoa ban chính là nước trộn nộm. Hỗn hợp này cần đủ tỏi, chanh, ớt, mùi tàu, mắc khén và riềng mới đúng chuẩn. Tất cả được đem trộn rồi đợi tầm 20 phút là dùng được.
Nộm hoa ban là sự hòa quyện giữa ngũ vị tạo nên nhiều cung bậc khác nhau. Trong ngày xuân, đặc sản Sơn La này quả là món giảm mỡ ngấy tốt nhất.
Gỏi gà hoa phượng (Đồng Tháp)
Nhắc đến món từ hoa, không ai có thể bỏ qua nền ẩm thực miền Tây. Thật khó để tìm thấy ở Việt Nam nơi có số lượng đặc sản chế biến từ hoa nhiều như vậy. Điều thú vị là loài hoa phượng quen thuộc cũng được sử dụng làm nguyên liệu chính.
Tuy có vẻ xa lạ nhưng gỏi hoa phượng từ lâu đã phổ biến trong đời sống người dân Tây Nam Bộ. Món ăn này có màu sắc rực rỡ này còn khá thích hợp để sống ảo. Dù độc lạ thế nào, thức ăn này vẫn có đủ hương vị chua, mặn, ngọt.
Như tên gọi, đặc sản này sử dụng thịt gà và hoa phượng làm nguyên liệu chính. Thịt gà được luộc rồi xé nhỏ. Hoa phượng cần chọn bông đẹp nhất, còn tươi non, không bị dập nát. Ngoài ra, người chế biến còn dùng một số loại gia vị khác như giá đỗ, hoa chuối, rau thơm, lạc, hành khô, ớt, chanh,…
Sau đó, các nguyên liệu được trộn đều với nước trộn gỏi. Hoa phượng được cho vào cuối cùng để không bị nhũn nát. Rắc chút lạc rang với hành phi là hoàn thành món ăn.
Đĩa gỏi gà hòa phượng thành phẩm có màu sắc cực kỳ bắt mắt. Nào là màu đỏ hoa phượng, màu trắng thịt gà. Nào là màu đỏ thẫm hoa chuối, màu xanh rau thơm, màu vàng của lạc rang và hành phi. Tất cả tạo nên ấn tượng sâu sắc cho người thưởng thức ngay từ khi nếm thử.
Lẩu bông miền Tây
Bên cạnh lẩu mắm, bún cá, hoa cũng là đặc sản nổi tiếng của vùng miền Tây Nam Bộ. Ngoài xào, luộc, nấu, người dân miền Tây còn chuộng các món tổng hợp. Trong đó, món ăn “đẹp nhất” chắc chắn là lẩu bông hay lẩu hoa.
Một nồi lẩu bông này thường cho 2-3 người. Điểm độc đáo nhất là các loại hoa miền Tây như điên điển, kèo nèo, bông súng, cắp bắp, cải canh, hoa hẹ, bông so đũa,… Tất cả hợp lại thành món ăn từ hoa độc đáo vừa đẹp mắt vừa thơm ngon.
Lẩu bông ngon nhất khi ăn với cá lăng săn chắc. Khi ăn, thực khách cho cá lăng vào nước lẩu sôi, nhúng rau, gắp miếng bún rồi chăn nước lẩu để thưởng thức trọn vẹn món ăn từ hoa này. Từ đó, đặc sản mang đầy đủ vị cá ngọt thơm, bông điên điển đăng đắng, so đũa bùi bùi, me chua cùng vô số hương vị khác.
Và bất kỳ ai đi qua sông nước đều không thể quên được món ăn tuyệt vời này. Thú hơn cả là ngồi nhậu trên ghe thuyền trong khi thưởng thức đờn ca tài tử.
Hoa bí
Hoa bí là món ăn dân dã, phổ biến khắp cả nước. Hoa bí có thể ăn được là hoa bí đực của cây bí rợ, không ra quả. Người miền Bắc thường luộc hoa bí vì có vị ngọt thanh, phần cuối bí có vị giòn dai, ăn rất thú vị. Món canh mùa hè cũng thường được nấu cùng với hoa bí, nêm thêm ít vị chua, cùng với thịt băm.
Riêng ở miền Nam, bông bí cũng như các loại bông khác như điên điển, bông so đũa làm thành món “lẩu hoa” đầy màu sắc và ngon miệng. Người miền Nam luộc bông bí chấm nước kho cá, kho thịt hay tương dầm ớt. Bông bí còn dùng để nấu canh, xào tỏi, xào thịt bò, xào nghêu… xào bông bí phải canh cho vừa chín mới còn giòn.
Hoa chuối
Hoa chuối là món hoa ăn được rất phổ biến và có từ lâu đời ở khắp mọi miền Tổ quốc. Hoa chuối hay được dùng để chế biến các món gỏi, nấu canh chua, hoặc dùng làm rau ăn kèm bún bò cũng rất ngon.
Hoa thiên lý
Hoa thiên lý còn gọi là Dạ ly hương, không chỉ là nguyên liệu để chế biến món ăn dinh dưỡng mà còn được xem là một bài thuốc. Có rất nhiều món ăn từ hoa thiên lý. Vị ngọt của hoa thiên lý rất hợp để nấu các món canh đơn giản với thịt lợn, xương hay hầm với giò lợn.
Hoa mướp (bông mướp)
Hoa mướp (bông mướp) là nguồn thực phẩm sạch, mọi người rất thích ăn. Thông thường trồng mướp là để lấy quả. Vì vậy, họ thường hái những hoa mướp đực đem bán hoặc dùng để chế biến các món ăn. Hoa mướp cái chừa lại để kết quả sau này. Hoa mướp nấu canh với tôm, xào tỏi hay xào thịt bò đều tạo nên những món ăn rất lạ miệng.
Hoa sen
Trong khi những loại hoa khác có thể chế biến thành các món ăn dân dã, thì hoa sen chỉ thích hợp với món ăn tinh tế, vương giả. Hầu hết các bộ phận của cây sen như hạt sen, nhụy sen, tim sen, củ sen hay ngó sen đều ăn được.
Hoa sen có sẵn vị ngọt, lại lành tính rất tốt cho sức khỏe. Có một món ngon từ hoa sen thuộc hàng cao lương mĩ vị chốn cung đình là vịt hấp hoa sen. Bên cạnh đó, rất nhiều món ăn có sự kết hợp của hương sen như cơm sen, nộm sen hay chè sen,… tất cả đều mang hương vị đặc trưng của ẩm thực Việt Nam.
[yeni-source src=”http://www.khoevadep.com.vn/8-mon-sieu-ngon-tu-cac-loai-hoa-moi-nam-chi-co-dung-1-mua-search/?id=305818″ alt_src=”” name=”Khoevadep”]