Hơn 10 năm kết hôn và có một con gái nhưng vợ chồng chị Nhung và anh Phương vẫn như vợ chồng son. Dù lấy vợ khuyết tật nhưng anh vẫn thương chị như những ngày đầu tiên.
“Em rất thương anh, thương rất trên đời, chưa có người nào em thương như anh” – Đó là những lời nhắn nhủ của chị Lâm Hồng Nhung (8X, Kiên Giang) dành cho ông xã Vũ Phương (Sóc Trăng) – người đã luôn ở bên yêu thương, cùng chị xây dựng nên tổ ấm nhỏ hạnh phúc suốt 10 năm qua và cả sau này nữa. Sinh ra với thân hình khiếm khuyết chưa bao giờ chị Nhung nghĩ sẽ có được hạnh phúc như bao người nhưng anh Phương đã đến và biến ước mơ ấy của chị thành hiện thực.
Tổ ấm nhỏ của chị Lâm Hồng Nhung.
Chị Lâm Hồng Nhung sinh ra ở Kiên Giang. Ngay từ khi sinh ra chị đã mắc phải khiếm khuyết không có cả cánh tay, chỉ sót lại một mỏm cụt nhỏ nên mọi sinh hoạt trong cuộc sống đều nhờ cậy hết vào đôi chân bé nhỏ. Ngoài ra chị còn bị cong vẹo cột sống lưng do thuở nhỏ đi học phải qua cầu khỉ khá chênh vênh, phải dựa vào tay vịn mới di chuyển được nên dần dần lưng chị bị cong lúc nào không hay. Số phận bất công đã lấy đi của chị Nhung hình hài và thể chất nhưng đổi lại, chị may mắn khi gặp được anh Vũ Phương sau này là chồng chị luôn hết mực yêu thương, chăm sóc và lo lắng cho vợ con. Vượt qua sự phản đối của 2 bên gia đình, anh chị quyết định về chung một nhà tháng 12/2011. Hiện tại, tổ ấm nhỏ của chị đang tròn đầy hạnh phúc với một nhóc tì nhí nay được 10 tuổi.
Chị Nhung chia sẻ, sinh ra với những khiếm khuyết bẩm sinh, ngay từ nhỏ chị đã rất mặc cảm, buồn tủi về bản thân. Năm 15-16 tuổi đi học, bạn bè ai cũng xa lánh. Thời gian đó đêm nào chị cũng khóc hỏi tại sao mình không được như bao người. Sau này chị lạc quan hơn, và suy nghĩ tích cực hơn, cố gắng đi học để có nghề phụng dưỡng bố mẹ. Thế nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị cũng phải nghỉ học đi mót lúa bằng chân, rồi nấu cơm rửa chén giúp đỡ mẹ.
“Bạn bè trong xóm có bạn trai đưa đi chơi, mình đâu có ai. Nhiều khi người ta cũng nói “Mày như vậy ai mà ưng mày”, mình cũng không trả lời nhưng tối về buồn lắm. Mình cố gắng suy nghĩ tích cực, mặc kệ, buồn, khóc cũng không được gì cứ vui vẻ là được”, chị Nhung tâm sự.
Chị Nhung sinh ra không được như bao người với những khiếm khuyết cơ thể bẩm sinh.
Năm chị Nhung 22 tuổi, chị và anh Phương có cơ duyên quen nhau. Kể về chuyện tình yêu của vợ chồng mình, chị Nhung cho biết, chị vu vơ nói với bạn mình rằng cảm thấy buồn, cần có người bầu bạn, nếu có quen ai thì làm mai cho chị. Trùng hợp làm sao anh bạn lại quen một người cũng đang độc thân, là anh Phương và chị đã xin ngay số điện thoại của anh để tiện liên lạc.
Sau cuộc nói chuyện đầu tiên, chị Hồng Nhung thẳng thắn thừa nhận mình “không có tay” khiến anh Phương cũng thoáng giật mình. Những tưởng chị chỉ đùa để thử lòng anh, anh không tin nhưng vẫn hỏi lại để xác nhận. Chị quả quyết điều mình nói là đúng, nếu anh chấp nhận quen thì cả hai làm bạn và tiếp tục nói chuyện. Bán tín bán nghi lời chị Nhung nói, anh Phương mới nhờ bạn có nhà gần nơi chị Nhung sinh sống đến để xác thực câu chuyện. Sau khi biết được sự tình, anh đã nói với chị một câu làm thay đổi cuộc đời của cả hai vợ chồng: “Tôi chịu quen bạn!”.
Sau đó, chị Nhung cũng thẳng thắn nói với anh Phương rằng “Nếu anh thương thì anh phải thương thật, nếu không thật anh lấy em về, anh bỏ thì tội cho em”. Bên cạnh đó, chị cũng lo lắng gia đình anh Phương phản đối chuyện tình cảm của cả 2 nhưng anh luôn động viên chị yên tâm vì mẹ anh đã mất sớm, bố lấy vợ mới không sống ở nhà. Nếu chị chịu lấy anh, anh sẽ nhờ dì đi hỏi cưới.
“Mình bảo anh cứ từ từ, anh xuống nhà mình chơi, nếu thấy được thì quen, để cho nhau một thời gian. Anh xuống xây chuồng heo cho nhà mình 1 tháng mới xong vì muốn ở lại lâu nên lúc xây lúc nghỉ. Mặc dù mình đã gửi hình ảnh qua bưu điện cho anh xem rồi nhưng lần đầu gặp, anh vẫn không khỏi bất ngờ vì nhỏ quá như em bé, chỉ nặng 15kg. Anh bảo “Tôi nhòm tưởng là em bé không đấy, ai nghĩ em lớn tuổi đâu”, chị Nhung cười nhớ lại.
Một ngày khi mẹ đi chợ, chỉ có chị Nhung và anh Phương ở nhà, chị cũng đã hỏi anh suy nghĩ kỹ điều này chưa vì chị cũng như bao người con gái khác, không muốn ai thương hại mình, thương phải thương cho thật, không thương thì thôi. Anh Phương đã thủ thỉ với chị rằng: “Anh thấy em vậy nhưng mà anh thương. Em chịu không? Nếu em chịu thì anh tiến tới”. Và để tạo thêm lòng tin nơi Nhung, anh đã hứa quả quyết là sẽ thương thật lòng và sẽ không bao giờ bỏ chị.
Vậy là anh chị về chung một nhà với nhau vào năm 2011. Khi lấy anh Phương, chị Nhung cũng gặp phải những lời nói không hay của rất nhiều người cho rằng chị bị khuyết tật đi lấy chồng không bao lâu cũng bị bỏ bởi người bình thường lấy nhau còn bỏ huống hồ chị. Thế nhưng chị bỏ mặc ngoài tai và chứng minh cho họ thấy bằng tổ ấm nhỏ hạnh phúc 10 năm nay của vợ chồng mình.
Anh chị kết hôn năm 2011.
10 năm hôn nhân, vợ chồng chị Nhung anh Phương vẫn mặn nồng như thuở ban đầu. Thậm chí anh còn thương chị nhiều hơn cả trước đây. Chị Nhung tâm sự, khi lấy nhau về, chị đã hỏi anh rằng “Sau này em không có con phải làm sao?”
“Đối với tôi em có con hay không không quan trọng, tôi thương em là được, lúc nào trời phật thương vợ chồng mình thì cho mình có con” – anh Phương nói.
Sau 3 tháng lấy nhau, chị Nhung có bầu. Quãng thời gian mang bầu khó nhọc với cơ thể chỉ nặng vỏn vẹn 15kg, chị luôn có anh đồng hành. Khi chị mang bầu lớn không thở được, phải ngủ ngồi, anh xoa bóp rồi ẵm chị ngủ. Khi vừa vượt qua cửa tử khi sinh, anh mừng rỡ nắm tay chị vì anh sợ mất chị không biết phải sống sao, anh thương chị, thương cả con.
Khi mang bầu khó nhọc, anh ẵm chị ngủ mỗi ngày.
Đối với chị Nhung, anh Phương là một người chồng vô cùng tâm lý. Lần đầu tiên 2 vợ chồng lên Đồng Nai cách đây 4 năm, cuộc sống vô cùng khổ cực, anh đi làm, tiền lương lo tất cả không dám ăn gì. Khi anh chở chị đi qua xe bán chim cút nướng, dù rất thèm nhưng chị cũng chỉ dám liếc qua vì còn để dành tiền đóng nhà trọ. Để ý qua gương thấy vậy, anh hiểu ý nên chở chị về nhà trọ rồi đi mua về cho chị 5 con chút cút nướng trong âm thầm. Điều đó khiến chị sung sướng, muốn khóc vì anh hiểu ý mình, để ý từng chi tiết nhỏ mà chị chưa một lần nói ra.
Anh Phương còn quan tâm mẹ vợ như mẹ ruột. Mẹ chị bị tai biến liệt nửa người anh vừa chăm sóc chị lại vừa về chăm sóc mẹ chị, không nề hà đổ bô cho bà. Khi bà lên nhà chị chữa trị, nhìn thấy mẹ không ăn được, anh vội mượn tiền hàng xóm đi mua quả trứng về cho bà ăn. Tháng nào dù kiếm được nhiều hay ít, anh cũng cố gắng xoay sở đưa cho mẹ chị 2 triệu để mua thuốc. Thậm chí, anh còn chủ động nhắc chị gửi tiền về cho mẹ để mẹ có thuốc uống.
“Trong bữa cơm gia đình mình, anh thường để cho vợ con ăn hết thức ăn, ăn cho đã thì thôi. Khi còn dư anh mới ăn, nếu không còn anh đổ nước mắm chan cơm là xong. Tiền bạc anh đưa cho mình hết luôn, không giữ một cắc nào.
Anh cũng không rượu bia, nhậu nhẹt. Khi chủ thầu mời mọi người đi ăn nhậu, anh không đi mà dành 100 nghìn chủ thầu cho về mua nửa con gà nướng cho mình ăn. Các ngày lễ tình nhân, quốc tế phụ nữ hay ngày lễ nào anh cũng mua quà tặng mình, có khi là bông hoa, bó tiền tặng, rồi mua nước hoa đủ thứ hết”, chị Nhung chia sẻ sự quan tâm của ông xã.
Anh là người chồng vô cùng tâm lý.
Nói đến đây, chị Nhung cười thổ lộ, ở xóm trọ, ai cũng ngưỡng mộ hạnh phúc nhỏ của chị, đặc biệt là sự chịu thương chịu khó của anh Phương lo cho gia đình. Anh vẫn ẵm, cõng chị mỗi ngày mặc cho ai nhòm ngó. Đi coi nhạc các đoàn lô tô biểu diễn, anh cũng ẵm chị khiến con gái phải ghen “Sao cha không cõng con, cõng mẹ không à” rồi anh lại cõng cả con. Chị thường hay nói đùa anh “Dạo này thấy tôi già rồi không còn như trước nữa nên không còn thương tôi nữa phải không?”. Anh lại thủ thỉ với chị: “Không, tôi thương bà dữ lắm. Bà ơi tôi thương bà lắm, tôi không bao giờ dòm ai ở bên ngoài đâu, bà đừng có lo” rồi ôm hôn chị như những người mới yêu.
Chị thường thử lòng xem anh có thay đổi không, còn thương chị như thuở ban đầu không bằng cách không nấu cơm buổi tối. Anh đi làm 7h tối, có khi 10h tối mới về thấy vậy cũng không hề bực bội hay cáu gắt. Thậm chí anh còn pha cho chị cốc sữa uống rồi nhẹ nhàng hỏi han “Em ơi em đói bụng lắm hả, anh đi làm về trễ quá. Bữa nay vợ đau chân nằm đi không được nên không nấu cơm hả. Bữa nay để chồng nấu cho”.
Dù chị thử lòng nhưng chưa bao giờ anh giận hay bực bội vẫn nhẹ nhàng, ân cần như những ngày đầu.
Dù cuộc sống vợ chồng không tránh khỏi những lúc giận nhau, cãi vã nhưng vợ chồng chị chưa bao giờ giận quá 1 phút 30 giây. Đến nay vợ chồng chị vẫn thương nhau như thuở ban đầu và vẫn giống như cặp vợ chồng son.
[yeni-source src=”http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/8x-kien-giang-nang-15kg-lay-chong-khoe-manh-10-nam-toi-nao-cung-duoc-am-nhu-em-be-d296426.html” alt_src=”” name=””]