Một năm mới lại đến, trời đất cũng sang trang, hãy mạnh dạn “tháo bỏ” những chiếc ghim buồn bã, tham đắm, giận hờn, si mê bằng một chiếc ghim hạnh phúc, an vui.
Ghim là thao tác thường xuyên được dùng trên mạng xã hội, các nhóm nhắn tin với mục đích lưu lại những điều quan trọng cho dễ tìm kiếm. Thường một hình ảnh, tin nhắn chỉ được ghim thời gian ngắn rồi nhường chỗ cho hình ảnh, thông tin mới cần thiết, quan trọng hơn.
Nhưng ở thế giới tâm hồn, người ta có khi ghim gút những nỗi buồn, thất vọng, tức giận… trong quá khứ như cố kéo nó về thực tại. Ghim xuyên qua năm tháng, xuyên qua bao “con giáp”, gió xuân về vẫn không đủ thay màu những mảng rêu hoen.
Làm sao bỏ ghim để sống an, làm sao dọn mình, xếp lại những u phiền xưa cũ và nhẹ nhàng, thư thái đón nắng xuân về? Hy vọng chúng ta sẽ tự tìm cho mình cách “xếp lại” qua cuộc hội ngộ thưởng trà cuối năm cùng doanh nhân Đặng Trọng Ngôn (Nhà sáng lập An Space – một doanh nghiệp xã hội, một hệ sinh thái với các sản phẩm và dịch vụ về phát triển sức khỏe Thân – Tâm – Trí “Vì một thế giới mạnh khỏe và hạnh phúc hơn”). Ông cũng là Kỷ lục gia châu Á và Việt Nam về hành trình phát triển Thân khỏe – Trí sáng – Tâm an.
Ông Đặng Trọng Ngôn thưởng trà cùng bà Lê Thị Chiến Thắng – đồng sáng lập An Space |
Phóng viên: Chiếc ghim như lời nhắc “xin đừng quên tôi”, kể cả khi “tôi” là những ký ức buồn bã, đớn đau. Theo ông, người ta thường ghim những điều gì nhất?
Doanh nhân Đặng Trọng Ngôn: Ai cũng sẵn sàng ghim thứ gì đó trong lòng, không chỉ đơn giản là để nhớ về, mà thực sự đã trói buộc mình vào những nỗi khổ làm mất đi sự tự do của chính mình. Ghim có thể là những ám ảnh trong quá khứ ta mãi không “cởi bỏ” nổi để nhẹ lòng, để mở cánh cửa cho những giây phút tuyệt vời ngay trong giây phút hiện tại và cả tương lai.
Ai cũng có những lỗi lầm và nếu không tự tha thứ cho chính mình, tâm hồn sẽ thường trực, nằm lòng những mặc cảm, ray rứt. Ai cũng từng có những điều không như ý với người khác và ai cũng từng chịu những tổn thương liên quan đến tiền bạc, bị hiểu lầm, xúc phạm, bị phụ tình… Tất cả chỉ do chính ta không nhìn nhận sâu sắc được sự việc nên có những tri giác sai lầm, để những điều ấy cứ chất chứa dai dẳng.
Mối quan hệ với người khác vì đó mà xấu đi, tâm hồn ta cũng trở nên yếu đuối, thể chất căng thẳng, mệt mỏi, chán chường. Ta hoàn toàn có quyền chọn sống thảnh thơi, tự do hay tiếp tục tàn hoại thân tâm bằng những chuyện đã qua. Điều này phụ thuộc vào việc ta có biết “tháo ghim” hay không.
* Hạnh phúc ở cách ta chọn sống hay do hoàn cảnh chi phối, thưa ông?
– Hạnh phúc đích thực không phụ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài, không hề có “điều kiện” nào mãi cho ta được sự hạnh phúc hay có một viên thuốc nào uống vào để trở nên hạnh phúc. Trải nghiệm bản thân và nghiên cứu về hạnh phúc, tôi thấy hạnh phúc chỉ là một kỹ năng.
Mà đã là kỹ năng thì hoàn toàn có thể học và thực hành, làm chủ được. Việc ngồi yên để than trách ai đó hay than trách cuộc đời “sao tôi quá bất hạnh” chỉ là giải pháp để… “hiện thực hóa bất hạnh” mà thôi.
Trên đời có muôn vàn nỗi khổ nhưng cơ bản chỉ 2: nỗi khổ từ thân và nỗi khổ từ tâm. Cả hai đều do sự mất quân bình. Cụ thể, thể chất sẽ khỏe mạnh nếu luôn có sự quân bình về dinh dưỡng, giờ giấc ăn uống, nếp sống (ngủ đủ), vận động, luyện thở sâu đúng cách… Tâm luôn giữ được sự an vui. Hạnh phúc hoàn toàn do sự nhận thức của mỗi người và tùy thuộc vào họ có cảm nhận được điều đó ngay trong hiện tại hay không.
Nhiều khi hạnh phúc hiện diện ngay trong những giờ phút ăn cơm cùng cha mẹ, nói chuyện cùng con cái, tâm tình cùng người thương…
Nhưng nhiều người chỉ “ghim” trong lòng những điều không như ý trong quá khứ hay để cho tâm trí trôi lăn trong những sự nuối tiếc về quá khứ, lo âu về tương lai mà quên đi bao điều tuyệt vời đang có mặt ngay ở giây phút hiện tại. Chỉ cần bạn sẵn lòng “bỏ ghim” đi những thành kiến hay gác lại những lo âu, sợ hãi vốn là gánh nặng tinh thần của tâm hồn, đồng thời cảm nhận cuộc sống đang diễn ra tươi đẹp ngay trước mặt, bạn sẽ luôn chạm được hạnh phúc.
Trong mấy chục năm qua, tôi chỉ phải vào bệnh viện vài ngày vì… sốt xuất huyết. Thực ra tôi chỉ nằm nghỉ dưỡng và phòng biến chứng chứ không điều trị gì. Tôi xét lại bản thân xem tại sao phải nằm viện và tôi nhận ra nguyên nhân chỉ do một con muỗi bé xíu chích vào thời điểm tôi đang bị căng thẳng, lo âu khiến cả cơ thể phải lâm bệnh. Tôi giật mình nhận rõ tác hại của sự mất quân bình. Ai cũng có mầm bệnh trong người, nhưng một khi cơ thể hay tinh thần mất quân bình, chính là điều kiện tốt cho các mầm bệnh trỗi dậy và phát tác.
* Làm sao để ta nhận diện được ghim hiện hành của mình và tháo gỡ?
– Ghim lớn nhất của đời người là “mong cầu mọi thứ phải như ý mình”, trong khi thực tế cuộc sống luôn tồn tại cả vui lẫn buồn, cả thành công lẫn thất bại, cả hạnh phúc lẫn khổ đau… Khi ta mong cầu “mọi điều phải như ý mình” thì gặp những điều như ý, ta thường muốn nắm giữ và mong nó cứ mãi tồn tại như vậy. Còn khi nó phai mờ đi thì ta sinh ra luyến tiếc và bất mãn.
Ngược lại, khi bất như ý, ta nảy sinh thái độ phản kháng, loại bỏ, dẫn đến căng thẳng, giận dữ và bạo lực nếu không biết chuyển hóa hay không làm chủ được tình hình. Thái độ tốt nhất để chuyển hóa những điều bất như ý là chấp nhận và thích ứng. Đời này nếu không có nỗi khổ thì làm gì có niềm vui, không có thất bại thì sao có thành công.
Đời sống tình cảm, mối quan hệ, tài chính hay sự nghiệp vẫn thường theo biểu đồ hình sin, có những lúc đi lên, đi ngang hoặc đi xuống một tí. Ta đừng quá nao núng; hãy kiên nhẫn, giữ sự bình tâm và thăng bằng để qua những khúc quanh. Ta nên vui với những gì mình đang có.
Phải chăng chiếc ghim “phải kiếm được thật nhiều tiền” đã tạo áp lực cho chính mình? Chiếc ghim ấy xô đẩy khổ chủ vào vòng xoáy của công việc, tiền bạc và hẳn nhiên tạo nên những khoảng trống cho những mảng còn lại: hạnh phúc gia đình, kết nối với con cái, bạn bè, họ hàng hay rời xa những lý tưởng nhiều ý nghĩa. Mỗi ngày sống trong năng lượng như vậy, họ vô tình mang về nhà năng lượng lo lắng, sợ hãi và người thân của họ là những người đầu tiên phải chịu đựng.
Điều đáng tiếc nhất là việc quên đi chính bản thân mình, không dành đủ thời gian chăm sóc chính mình cũng như dành đủ cho bản thân tình yêu thương, sự trân quý. Trong khi, chỉ khi nào bạn có đủ năng lượng an vui và chuyển hóa chính mình mới có thể mang đến điều tốt đẹp cho gia đình, con cái cùng những người thân bên cạnh, cũng như kiến tạo nền tảng đủ cho sự thành công của bạn.
Tương tác gia đình, nếu vướng phải rào cản từ chiếc ghim tiêu cực như “vợ chồng không thể hòa hợp nổi”, “chẳng đời nào ông ấy chịu thay đổi” hay “con cái gì mà cứng đầu, người lớn nói không nghe”… thì khó kết nối truyền thông, mối quan hệ đi dần vào ngõ cụt. Khi đó, sự gắn bó gia đình có chăng chỉ là ở pháp lý hay huyết thống chứ không đặt trên nền tảng của tình thương và sự thấu hiểu. Với những ám ảnh hằn sâu, nếu bản thân không tự bước qua nổi thì vẫn có thể nhờ nhà chuyên môn đồng hành, giúp ta những phương pháp vượt qua sự tổn thương trong lòng.
* Năm mới, thật hân hạnh khi các gia đình được ông tặng những chiếc ghim xinh xinh sắc hồng…
– Một năm mới lại đến, trời đất cũng sang trang, hãy mạnh dạn “tháo bỏ” những chiếc ghim buồn bã, tham đắm, giận hờn, si mê bằng một chiếc ghim hạnh phúc, an vui ngay từ bên trong mỗi chúng ta. Ta sẽ sống một cuộc đời thanh thản, hạnh phúc, bình an mà không cần phải phụ thuộc điều gì cả hay đợi ai ban phát cho ta. Đó mới chính là niềm vui đích thực, bất tận.
* Xin cảm ơn và chúc ông luôn vui khỏe, hạnh phúc với hành trình gieo mầm hạnh phúc của mình.
Tô Diệu Hiền (thực hiện)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/cai-ghim-to-nhat-la-muon-moi-thu-theo-y-minh-a1483316.html” name=””]