Tiệc cưới ấm cúng là một hình thức tổ chức đám cưới đang trở thành xu hướng trong những năm gần đây, mang tên “private wedding” (đám cưới riêng tư/thân mật).
Gần đây, nhiều bạn trẻ đã khá quen với khái niệm đám cưới tối giản – một hình thức cưới lược bỏ các thủ tục rườm rà đang dần trở thành xu hướng, đặc biệt trong bối cảnh giá cả tăng cao, kinh tế khó khăn khiến các đôi ngày càng ưu tiên những lựa chọn đám cưới giảm thiểu quy mô, chi phí và tập trung vào trải nghiệm cá nhân.
Đám cưới riêng tư, đơn giản lên ngôi
Dương Thu (27 tuổi) đang cùng vị hôn phu hoàn tất những khâu chuẩn bị cuối cùng cho đám cưới dự kiến diễn ra đầu năm 2025. Thu cho biết, để chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này, đôi bạn đã phải lên kế hoạch tiết kiệm tiền trong suốt 1 năm.
Hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, Thu nhạy bén với những xu hướng mới. Đám cưới mơ ước của cô gái từ Bắc Ninh là một bữa tiệc nhỏ ấm cúng. “Tôi dự tính đó sẽ là một đám cưới được tổ chức trong khuôn viên sân vườn, khách mời là một số ít bạn bè và người thân” – Thu chia sẻ.
Bữa tiệc cưới ấm cúng mà Thu mong muốn là một hình thức tổ chức đám cưới đang trở thành xu hướng trong những năm gần đây, mang tên “private wedding” (tạm dịch: đám cưới riêng tư/thân mật). Kể từ sau đại dịch COVID-19, xu hướng này dần trở nên thịnh hành đối với các cặp vợ chồng trẻ.
Còn Thúy Vy (30 tuổi, TPHCM) là trường hợp điển hình cho việc tổ chức đám cưới tiết kiệm. Cô gái đến từ Lai Vung, Đồng Tháp gây chú ý trên mạng xã hội với chi phí đám cưới chỉ gói gọn trong 60 triệu đồng, cho 200 khách mời. Đám cưới của Vy diễn ra hồi tháng 2/2024.
“Trước đó, tôi chưa từng nghĩ tới chuyện tổ chức đám cưới, do phần tài chính là thứ tôi không thực sự sẵn sàng. Khi được bạn trai cầu hôn, tôi đã rất bất ngờ” – Vy chia sẻ. Cô nên duyên với một thầy giáo người Pháp. Vy chọn tổ chức đám cưới tại quê nhà – nơi cho phép Vy có thể tiết giảm hết mức các chi phí, song vẫn giữ được trọn vẹn các nghi lễ cần thiết theo phong cách đám cưới ở miền Tây.
Đám cưới gọn nhẹ, tiết kiệm của cô dâu Thúy Vy và chú rể người Pháp – Ảnh do nhân vật cung cấp |
Để tiết kiệm, họ đã lên kế hoạch và mua sắm từ sớm, thời gian chuẩn bị trong khoảng 1 năm. Các khoản chi cũng được lựa chọn gói dịch vụ giá mềm: thuê cổng cưới 3 triệu đồng, dàn nhạc cùng MC tốn 3,7 triệu đồng. Váy cưới của cô dâu được mua online với giá chỉ 600.000 đồng. Chi phí dịch vụ chụp ảnh là 3,5 triệu đồng, dịch vụ nấu ăn cho tiệc cưới ở quê khoảng 1,7 triệu đồng/bàn mặn…
Đội ngũ bê tráp được huy động từ bạn bè thân thiết, không phân biệt người đã kết hôn hay còn độc thân. Cặp đôi cũng tận dụng kỳ nghỉ trước đó ở Điện Biên để chụp ảnh pre-wedding (ảnh trước khi cưới) và bộ ảnh được thực hiện bằng chiếc điện thoại iPhone 13. Tất cả chi tiết được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo một đám cưới trọn vẹn nhưng vẫn nằm trong mức ngân sách hợp lý.
“Dù làm đám cưới tiết kiệm nhưng vẫn rất trang trọng. Chồng tôi còn lên sân khấu hát khiến khách mời thích thú. Ba mẹ tôi cũng cảm thấy rất vui, dù trước đó họ không thực sự yên tâm khi thấy chúng tôi lên ngân sách cho đám cưới quá tiết kiệm” – Vy nói.
Nhắc tới rào cản phụ huynh, Thúy Vy cũng phải tốn nhiều công sức để thuyết phục ba mẹ. Theo phong tục đám cưới miền Tây, nhà trai mang sính lễ như tiền mặt, vàng đến hỏi cưới. Trong khi ba mẹ chồng của Vy ở nước ngoài lại không quen kiểu tục lệ như vậy.
Ba chồng cô tự tay làm quà cưới để tặng cô dâu chú rể. Gia đình bên chồng cũng rất nhiệt tình. Sau bữa tiệc, cả nhà trai cùng phụ gia đình đàng gái dọn dẹp khiến ba mẹ cô dâu thêm ấn tượng sâu sắc về gia đình thông gia ngoại quốc.
Mệt mỏi với những nghi lễ rườm rà
Thực tế, tư duy về một đám cưới tối giản cả hình thức lẫn quy mô khách tham dự không phải là điều gì quá mới; chỉ là xu hướng này đang tăng lên trong thời gian gần đây, khi người trẻ đã quá ngán ngẩm với việc phải tham gia những bữa tiệc cưới đông người nhưng thiếu kết nối, không đọng lại được nhiều cảm xúc.
Đám cưới của Thanh Hoa (34 tuổi, TPHCM) là ví dụ. Cả hai người đều làm việc trong ngành công nghệ thông tin và có chung mong muốn tổ chức một đám cưới không quá cầu kỳ, quy mô nhỏ. Với những tiêu chí đó, Thanh Hoa quyết định tổ chức đám cưới theo cách tối giản và ít người tham dự. Điều này cũng xuất phát từ sự mệt mỏi với những đám cưới xa hoa, ồn ào mà theo chị là không thực sự mang lại nhiều ý nghĩa.
Thanh Hoa nhận thấy những nghi thức phổ biến như cắt bánh kem hay rót rượu vốn có nguồn gốc từ nước ngoài mà khi áp dụng vào Việt Nam, chúng đã mất đi phần lớn ý nghĩa ban đầu. Do vậy, chị lựa chọn giữ lại các phong tục cưới hỏi truyền thống, lược bỏ những nghi thức phương Tây không phù hợp.
Một đám cưới theo hình thức private wedding – Ảnh do nhân vật cung cấp |
Việc giảm thiểu số lượng khách mời cũng là quyết định có chủ đích của vợ chồng chị. Hoa chỉ mời khoảng 10 người bạn thân nhất – những người thực sự hiểu và quý mến vợ chồng Hoa. Chị cũng không mời nhiều họ hàng xa hay bạn bè của cha mẹ. Quyết định này giúp Thanh Hoa và chồng có thể thoải mái hơn trong việc tiếp đãi khách mời và tận hưởng những khoảnh khắc ý nghĩa bên gia đình.
Đám cưới của Hoa diễn ra nhẹ nhàng, ấm cúng, khi chị cùng chồng dành thời gian trò chuyện với từng thành viên dự tiệc. Thay vì tổ chức tiệc cưới lớn tại nhà hàng, chị chọn một buổi tiệc buffet nhỏ gọn, để mọi người có thể tự do lựa chọn món ăn yêu thích và thoải mái trò chuyện, thưởng thức bữa tiệc mà không cần phải tuân theo những quy chuẩn cứng nhắc.
Sau đám cưới, cả hai vợ chồng đã có những kỷ niệm đáng nhớ và không cảm thấy hối tiếc về quyết định tổ chức đám cưới theo cách riêng. “Mẹ chồng tôi đôi lúc vẫn kể về đám cưới một cách rất vui vẻ, vì nó nhẹ nhàng cho cả bà và tất cả mọi người” – Thanh Hoa nói.
Lam Hồng
Nhiều nước chuộng đám cưới tối giản Kể từ sau đại dịch COVID-19, xu hướng tổ chức đám cưới đang thay đổi mạnh mẽ ở nhiều quốc gia. Tại Trung Quốc – quốc gia nổi tiếng với các lễ cưới truyền thống phức tạp – nhiều đôi bạn trẻ đang bắt đầu chọn những hình thức tổ chức đơn giản và tiết kiệm hơn. Xiao Peng – cô gái 26 tuổi ở Trùng Khánh – đã chọn xe buýt làm phương tiện đám cưới, thay vì đoàn xe ô tô sang trọng như thông thường, tờ Xinhua đưa tin. Trong bối cảnh chi phí cưới hỏi tăng cao, nhiều đôi ở Mỹ đã bắt đầu tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để tiết kiệm. Một trong những cách tiết kiệm phổ biến nhất là cắt giảm số lượng khách mời. Theo dữ liệu từ The Wedding Report, các đám cưới có từ 25-50 khách chiếm khoảng 15% thị trường trong năm 2023. Xu hướng này đã tạo điều kiện cho sự phát triển của “micro wedding” (đám cưới nhỏ gọn) và “minimory” (lễ cưới tối giản), giúp các đôi có thể tổ chức một buổi lễ ấm cúng và tiết kiệm. Vanessa Acosta và Sam Roberts, một cặp đôi ở Pasadena, California đã quyết định chuyển từ kế hoạch tổ chức đám cưới với 150 khách mời và ngân sách 75.000 USD sang một buổi lễ tại sân vườn nhà với 54 người thân và bạn bè. Họ chỉ tiêu tốn khoảng 3.000 USD nhờ việc tự tay trang trí và mua sắm những vật dụng cần thiết từ các cửa hàng đồ cũ. Không chỉ giới hạn trong việc cắt giảm số lượng khách, những phương án như thuê đồ, tái sử dụng trang phục cũ hoặc tự tay làm đồ trang trí đang trở nên phổ biến. Chia sẻ với CNBC, cặp đôi Acosta và Roberts đã tiết kiệm được một khoản lớn nhờ việc tự may trang phục cưới và tái sử dụng những món đồ sẵn có. Thay vì đặt một bữa tiệc với chi phí 90 USD mỗi phần ăn cho 150 người, họ chỉ tốn 640 USD cho một quầy taco, đáp ứng đầy đủ nhu cầu ăn uống cho toàn bộ khách mời mà vẫn thừa thức ăn. Nhật Thành (tổng hợp) |
Đám cưới riêng tư, thân mật lên ngôi Xu hướng tổ chức đám cưới thân mật ngày càng phổ biến, giúp các cặp đôi tiết kiệm chi phí mà vẫn giữ được tinh thần của ngày trọng đại. Đám cưới thân mật thường có từ 10-25 khách mời, tập trung vào những kỷ niệm ý nghĩa thay vì tổ chức sự kiện lớn. Lợi ích của đám cưới thân mật bao gồm: kiểm soát ngân sách tốt hơn, giảm bớt áp lực cho cặp đôi, tạo không gian ấm cúng hơn với người thân thiết. Tùy theo quan điểm cá nhân, số lượng khách mời có thể khác nhau, nhưng mục tiêu chính vẫn là tạo ra một ngày lễ riêng tư và chân thực, phản ánh đúng mong muốn của cô dâu – chú rể. Hình thức đám cưới thân mật này có quy mô người tham dự lớn hơn so với elopement wedding (tạm dịch: đám cưới bí mật – một sự kiện chỉ có cô dâu chú rể và có thể thêm người chứng kiến). Điểm đặc biệt của hình thức cưới này là không bị ràng buộc theo bất cứ nghi thức truyền thống nào. |
Đào Phương Anh (chuyên gia tổ chức lễ cưới, nhà sáng lập Vietnam Wedding Planner): COVID-19 góp phần thay đổi thói quen tổ chức đám cưới
Đại dịch COVID-19 đã thay đổi thói quen cũng như hành vi của con người rất nhiều. Nhiều người trở nên ngại tiếp xúc, tránh tham gia các hoạt động đông người. Điều này cũng góp một phần thúc đẩy sự nở rộ của phong trào “đám cưới tối giản”.
Có thể nói, đại dịch COVID-19 là một bước ngoặt quan trọng trong ngành cưới, song đây chưa phải là nguyên nhân chính cho xu hướng đơn giản hóa đám cưới. Bất kể hình thức đám cưới nào, chi phí tổ chức luôn là yếu tố chính, bên cạnh những khía cạnh khác như tư duy và sở thích của các cặp đôi.
Đặc biệt, quan điểm của phụ huynh cũng ảnh hưởng đáng kể. Nhiều đôi tổ chức đám cưới thân mật, chỉ có bạn bè và người thân nhưng họ vẫn phải làm tiệc cưới quy mô lên tới 300-400 người để đãi khách của ba mẹ. Quan điểm “ma chê, cưới trách” vẫn luôn tồn tại trong xã hội Việt Nam.
Để lên kế hoạch tổ chức đám cưới tối giản hay đám cưới riêng tư, phía nhà tổ chức sẽ đánh giá nhu cầu cũng như tư duy của khách hàng. Khách hàng sẽ được phân làm 2 nhóm: nhóm những đôi có yếu tố nước ngoài, tức là người đã từng sinh sống hay đi du học ở nước ngoài.
Đây là nhóm đã có sự tiếp xúc với văn hóa nước ngoài và hiểu được phần nào những ý nghĩa của các nghi thức xuất hiện trong một đám cưới riêng tư. Nhóm còn lại là những đôi chưa từng ra nước ngoài nhưng có mong muốn tổ chức đám cưới theo hình thức thân mật. Đây là những cô dâu – chú rể đã được tiếp xúc với phong cách tổ chức đám cưới riêng tư và có sự hứng thú nhất định với hình thức này. Tùy vào nhu cầu của từng nhóm khách hàng mà nhà tổ chức sẽ lên kế hoạch cho phù hợp.
Khái niệm đám cưới tối giản ở Việt Nam hiện tại đang chỉ đại diện cho một hình thức, một lối sống mới. Tài chính có thể là vấn đề quyết định tới quy mô tổ chức, nhưng ở một số trường hợp, sở thích cá nhân mới là yếu tố chính. Tôi từng tổ chức đám cưới với quy mô chỉ hơn 40 người, nhưng chi phí lên tới 700-800 triệu đồng, chưa tính vé máy bay cho khách mời.
Đám cưới được tổ chức ở resort 5 sao, thuê villa cho khách ở. Với mức chi như vậy, hoàn toàn có thể làm 2-3 đám cưới quy mô khoảng 300-400 người ở TPHCM.
Cũng có những đôi không tổ chức đám cưới quá lớn. Họ chỉ đơn giản là đi đăng ký kết hôn rồi về nhà cùng nhau ăn một bữa cơm nhưng lại chi hàng tỉ đồng để cùng đi du lịch khắp thế giới.
Thu Trang (23 tuổi, Bắc Giang): Tối giản không có nghĩa là sơ sài
Theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ một đám cưới tối giản không có nghĩa là một đám cưới sơ sài hay để mất đi sự trang trọng. Đám cưới tối giản là đơn giản hóa về các khâu tổ chức – hình thức không rườm rà mà vẫn đảm bảo sự tinh tế và sang trọng, chủ yếu tập trung vào cảm xúc của cặp đôi.
Một đám cưới như vậy không chỉ tiết kiệm được các chi phí không cần thiết mà còn giảm áp lực cho cô dâu – chú rể cũng như gia đình 2 bên khỏi phải chuẩn bị quá nhiều công đoạn. Thay vì quá chú trọng vào nghi lễ truyền thống, một đám cưới tối giản có thể tạo không gian thân mật, giúp cô dâu – chú rể và khách mời cảm thấy thoải mái, vui vẻ, nhớ lâu về trải nghiệm vui vẻ này.
Nếu được tự tổ chức đám cưới, tôi sẽ lựa chọn phong cách tối giản. Dĩ nhiên tôi cũng sẽ cân nhắc ý muốn của gia đình, đặc biệt là ba mẹ khi họ vẫn quan niệm đám cưới là sự kiện quan trọng không chỉ của cô dâu – chú rể mà còn của cả gia đình.
Huyền Trang (24 tuổi, du học sinh ở Hàn Quốc): Đám cưới tốn kém thật sự không cần thiết
Tôi quyết định tổ chức một đám cưới nhỏ và phù hợp để không bị áp lực về chi phí và thời gian chuẩn bị. Việc tổ chức đám cưới hoành tráng, tốn kém không thực sự cần thiết. Một đám cưới giản dị không chỉ phù hợp với hoàn cảnh của tôi mà còn giảm bớt căng thẳng không đáng có.
Nếu bạn nhìn xa hơn, bạn sẽ nhận ra rằng tình yêu và hôn nhân không nhất thiết phải đi đôi với một đám cưới hoành tráng. Điều quan trọng là sự gắn kết giữa 2 người, không phải là quy mô của buổi lễ.
Đình Anh (30 tuổi, Hà Nội): Lễ cưới đơn giản giúp các đôi bớt căng thẳng
Dù chưa nghĩ đến chuyện kết hôn, tôi rất thích đám cưới tối giản. Việc tổ chức một đám cưới tối giản sẽ khiến các đôi bớt căng thẳng, lo âu về việc mời ai tham dự cũng như hạn chế phát sinh những chi phí không cần thiết.
Thay vào đó, ta có thể tập trung vào ngày vui rực rỡ của riêng mình, cùng người mình yêu nắm tay bước vào hành trình hôn nhân. Một buổi tiệc nhỏ chỉ có những người thân thiết sẽ tạo không gian ấm cúng và gần gũi.
Nếu được lựa chọn, tôi nghiêng nhiều về một đám cưới tối giản. Tuy nhiên, tôi sinh ra và lớn lên ở tỉnh lẻ, phong tục cưới xin ở quê khá nặng về hình thức. Vì thế, một đám cưới tối giản kết hợp với một bữa tiệc báo hỷ tại quê nhà có lẽ là phương án hợp lý nhất với tôi. Đám cưới là sự kiện quan trọng trong đời, nhưng không nên để vấn đề kinh tế trở thành gánh nặng cho gia đình.
Thúy Nguyễn (30 tuổi, Hà Nội): Tối giản nhưng trọn vẹn ý nghĩa
Tối giản hình thức cho một đám cưới giúp ta tập trung hơn vào ý nghĩa thực sự của buổi lễ trọng đại. Việc loại bỏ những nghi thức không cần thiết sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho cô dâu – chú rể, đồng thời mang lại không gian thân mật hơn cho khách mời.
Tôi không thích các bữa tiệc quá phô trương và rườm rà. Chắc chắn tôi sẽ lựa chọn tổ chức đám cưới tối giản nhất có thể, nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ các thủ tục cần có. Tuy vậy, tôi sẽ phải thỏa thuận với gia đình, bởi ba mẹ tôi vẫn mong muốn một đám cưới đông đủ họ hàng, làng xóm để chung vui.
Có lẽ tôi sẽ cố gắng thuyết phục ba mẹ 2 bên tối giản các thủ tục nhưng vẫn đảm bảo trọn vẹn ý nghĩa “chung vui cùng gia đình”. Tôi tin rằng, đám cưới tối giản không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng mà còn tập trung vào việc xây dựng kỷ niệm đẹp, ấm cúng cho cả hai bên gia đình.
Khánh Vinh (ghi)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/dam-cuoi-toi-gian-than-mat-duoc-long-gioi-tre-a1529181.html” name=””]