Bình đẳng giới không phải là bắt đàn ông làm việc nhà nhiều hơn, mà là giúp họ hình thành trách nhiệm nhìn thấy việc cần làm.
Hãy hình dung một cặp vợ chồng công sở, cùng cam kết chia sẻ trách nhiệm gia đình đồng đều. Khi người vợ bước vào căn bếp bừa bộn, cô nhìn thấy chén đĩa cần rửa và thùng rác cần đem đổ. Tất nhiên người chồng cũng nhìn thấy chén đĩa dơ trong bồn rửa và thùng rác đã đầy, nhưng những nhận thức này không “lôi kéo” anh ta hành động. Nói cách khác, người chồng không coi mớ hỗn độn trên là “nhiệm vụ” phải giải quyết.
Ảnh mang tính minh họa – Freepik |
Một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Philosophy and Phenomenological Research vào tháng 11/2022 cho thấy, đàn ông và phụ nữ được xã hội đào tạo để nhìn thấy những khả năng hành động khác nhau khi họ cùng đứng giữa căn nhà bừa bộn. Theo một khái niệm trong tâm lý học được gọi là “học thuyết khả năng”, khi chúng ta nhìn vào các đối tượng và tình huống, chúng ta sẽ thấy khả năng hành động.
Chẳng hạn khi bạn nhìn vào một trái táo, bạn không chỉ thấy nó có màu đỏ và sáng bóng, mà còn biết nó có thể ăn được. Vì vậy, tuy vợ chồng nhìn vào những thứ giống nhau trong nhà bếp, họ thấy những khả năng hành động khác nhau. Lý thuyết về khả năng hành động có thể giúp giải thích tại sao phụ nữ phải gánh vác khối lượng công việc nhà và chăm sóc con cái không cân xứng ngay cả khi họ làm việc toàn thời gian. Sự bất bình đẳng này gây tổn hại đáng kể về tinh thần cho phụ nữ và gây căng thẳng nghiêm trọng cho các mối quan hệ.
Có một điều chắc chắn, sự “vô tâm” không phải là cái cớ cho cánh mày râu “trốn việc”. Để việc nhà được san sẻ công bằng, người chồng cần thay đổi nhận thức của mình. Tin tốt là nhận thức về khả năng hành động có thể thay đổi thông qua thực hành và nỗ lực.
Chúng ta dễ nhận thấy khả năng thực hiện nhiệm vụ sẽ tốt dần hơn sau mỗi lần thực hiện và bằng cách chú ý có chủ đích đến các tín hiệu về hành động cần thực hiện. Phụ nữ không được sinh ra để nhạy cảm hơn với chiếc thùng rác đầy hay đống chén đĩa dơ. Những thói quen đó một phần được định hình từ các chuẩn mực xã hội, như việc các bé gái từ nhỏ được khuyến khích chơi đồ hàng, búp bê, bắt chước các hoạt động chăm sóc trẻ em.
Do đó, nếu người chồng muốn thay đổi, anh ấy cần chú ý một cách có ý thức xem có chén đĩa dơ trong bồn rửa hay không, thùng rác đầy đến mức nào, có sữa trong tủ lạnh hay không…
Ảnh mang tính minh họa – Prostooleh |
Trau dồi sự nhạy cảm của cá nhân đối với khả năng hành động cũng đòi hỏi cơ hội thực hành. Điều này thậm chí phụ thuộc vào các chính sách mang tính quốc gia. Ví dụ, nghiên cứu cho thấy những người cha được nghỉ thai sản lâu hơn sẽ làm tốt công việc chăm sóc con hơn, ngay cả khi anh ấy quay lại làm việc.
Việc chăm sóc con cái giúp nam giới có cơ hội trau dồi các kỹ năng chăm sóc gia đình: cách thay tã, cách dỗ dành một đứa trẻ quấy khóc… Quan trọng không kém, nó cho phép nam giới học cách nhận biết khi nào họ cần thực hiện những nhiệm vụ chăm sóc và thay đổi góc nhìn về khả năng hành động. Điều này dẫn đến việc phân bổ nhiệm vụ chăm sóc gia đình đồng đều hơn trong dài hạn.
Tóm lại, khuyến khích bình đẳng giới không phải là bắt đàn ông làm việc nhà nhiều hơn, mà là giúp họ hình thành trách nhiệm nhìn thấy việc cần làm.
Ngọc Hạ (theo Conversation)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/thay-doi-cach-nhin-nhan-trach-nhiem-gia-dinh-a1486321.html” name=””]