Trước và sau Tết Nguyên Đán là thời điểm tủ lạnh của mỗi gia đình đều đầy ắp các loại thực phẩm. Bảo quản đúng cách, thực phẩm sẽ giữ được chất dinh dưỡng và độ tươi ngon, an toàn.
Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, bảo quản thực phẩm ngày Tết cần có sự sắp xếp thông minh, khoa học.
Phân loại thực phẩm trước khi cất trữ
Đa số người nội trợ Việt Nam vẫn giữ thói quen sau khi đi chợ sẽ bỏ ngay thực phẩm mới mua vào tủ lạnh để giữ độ tươi mới. Điều này thực ra là một sai lầm. Các loại thực phẩm cần được chia ra làm 3 loại: thực phẩm sống, thực phẩm chín và thực phẩm đóng hộp. Sau đó, sẽ sắp xếp 3 loại thực phẩm này thành từng ngăn riêng biệt trong tủ lạnh.
Rau củ, trái cây phải thật ráo nước trước khi cất trữ tủ lạnh.
Bảo quản thực phẩm sống
Đối với thực phẩm sống từ thực vật như: rau, hoa quả, trái cây… nên cất tại ngăn dưới tủ lạnh, không nên để rau và trái cây ngay bên dưới ngăn đá vì dễ bị dập. Lưu ý, sơ chế sạch sẽ và để thật ráo nước các loại thực vật, sau đó chia chúng ra túi hoặc hộp riêng. Đối với súp lơ, cà rốt, hành tây, hành lá, chanh, gừng… nếu được bọc nilon (nilon bọc thức ăn) sẽ giữ rau củ tươi rất lâu.
Đối với thực phẩm sống từ động vật như: thịt cá, lợn. bò, gà, hải sản… nên sơ chế thật sạch và để ráo nước, sau đó chia thành từng phần phù hợp với nhu cầu sử dụng. Phải bọc thật kỹ thực phẩm và giữ trong ngăn đá tủ lạnh, để tránh tình trạng lây nhiễm vi khuẩn chéo từ thực phẩm sống sang thực phẩm chín.
Thực phẩm tươi sống chế biến ngay trong ngày thì để ở ngăn mát, còn giữ lâu ngày thì phải để ở ngăn đá.
Bảo quản thực phẩm chín
Ngày Tết đau đầu nhất là không biết cất trữ bánh chưng, giò chả, gà luộc vào tủ lạnh thế nào để giữ được hương vị ngon lành của món ăn. Với tiết trời ẩm của mùa xuân, rất dễ tạo cơ hội cho vi khuẩn gây mốc, ôi thiu đồ ăn. Chính vì thế, đối với các món từ gạo, cần để nguội hẳn trước khi cho vào tủ lạnh, sau đó bọc kín và bảo quản ở ngăn mát của tủ lạnh.
Đồng thời, không được để thức ăn đã nấu chín chung với thực phẩm tươi sống để tránh vi khuẩn lây nhiễm chéo. Luôn nhớ hâm nóng thực phẩm để đảm bảo vệ sinh an toàn. Tránh để đồ hộp đã mở nắp trong tủ lạnh vì sẽ làm cho thức ăn chứa trong hộp bị nhiễm vị kim loại.
Bảo quản thực phẩm ăn sẵn, đóng hộp
Với sản phẩm sữa, ta không nên để chung với các loại thực phẩm khác vì sữa rất dễ hấp thụ mùi. Bọc kín sữa và để ngăn cánh tủ lạnh, tách biệt với các ngăn khác. Với pho mát, nên bọc thật kỹ bằng màng bọc thực phẩm hoặc hộp kín đựng thực phẩm vì pho mát rất nhanh khô, dễ làm mất mùi vị tự nhiên của chúng.
Bên cạnh đó, hãy tạo cho mình thói quen dán nhãn thực phẩm để quản lý thời hạn sử dụng đồ ăn.
Bỏ những thực phẩm đã dự trữ quá lâu
Dẫu biết là “ăn phải dành, có phải kiệm”, nhưng đối với những thực phẩm đã được cất trữ quá lâu, chúng ta vẫn nên vứt bỏ. Điều này vừa đảm bảo cho tủ lạnh nhà bạn hoạt động tối ưu, vừa đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình. Mỗi loại thực phẩm đều có hạn sử dụng riêng, vì thế cần dán nhãn hạn sử dụng lên từng loại thực phẩm Tết để tránh xảy ra hiện tượng ngộ độc thực phẩm trong những ngày đầu năm mới.
Vệ sinh tủ lạnh – vô cùng quan trọng
Với chức năng cất trữ thực phẩm, tủ lạnh là môi trường của rất nhiều vi khuẩn mà mắt thường không thể nhìn thấy. Muốn giữ cho thực phẩm, đồ ăn luôn tươi ngon, ta cần thường xuyên lau và dọn chiếc tủ lạnh của gia đình. Trong quá trình vệ sinh tủ lạnh, hãy nhớ rút phích cắm tủ lạnh và để tủ xả hơi lạnh trong một thời gian để đảm bảo an toàn.
[yeni-source src=”http://danviet.vn/huong-dan-cach-bao-quan-thuc-pham-tet-tuoi-ngon-va-an-toan-50202223111597132.htm” alt_src=”” name=””]