“Nếu hiểu tâm lý lứa tuổi, sẽ thấy các con như những loại trái cây khác nhau – có trái vỏ mỏng, có trái vỏ dày, phải có cách lột vỏ phù hợp với từng em và cần phải bình tĩnh, kiên trì”.
Phụ huynh thường dồn sự quan tâm, lo lắng khi con vào lớp Một (đầu cấp tiểu học) mà ít quan tâm đến việc cùng con bước vào trung học. Tất nhiên, so với lớp Một thì khi vào lớp Sáu, con đã cao lớn hơn, có ý thức học tập, ý thức bảo vệ bản thân rõ ràng hơn.
Tuy nhiên, theo nhận xét của nhiều giáo viên có kinh nghiệm, trung học mới là giai đoạn điển hình của câu nói “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba… học trò” với hàng loạt những tình huống “nhức não”.
“Cơm sôi, nhỏ lửa”
Chị Kim L. (ở quận 4, TPHCM) than thở: “Đứa con lớp Chín tưởng sẽ truyền kinh nghiệm học tập cho thằng em sắp vô lớp Sáu, ai ngờ toàn hướng dẫn em chiêu trò chọc ghẹo bạn bè, thầy cô, chiêu “lật bùa” khi kiểm tra hay qua mặt giám thị, kể cả bày cách che giấu chuyện hút thuốc lá điện tử”. Chị Kim L. la mắng con thì 2 đứa hè nhau bỏ ăn; chị khuyên dạy lời hay lẽ phải thì các con toàn cãi lại.
Anh Huỳnh T. (ở quận Tân Phú, TPHCM) thì thường xuyên nổi đóa khi các con mở máy tính cùng lúc nhiều giao diện để vừa học bài, vừa chat trên mạng, vừa chơi game. Khi người lớn dòm ngó thì chúng bật bài lên như đang chăm chú học, tập trung lắm. Năm học rồi, đứa con gái học lớp Tám đã bắt đầu yêu đương, viết thư dằn mặt tình địch là một bạn nữ khác lớp. Cô giáo nhắc nhở, con gái còn lên mạng viết status bóng gió chống cô.
Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết, cô đã tiếp cận, can thiệp, xử lý vô số chiêu trò của học sinh. Đó có thể là học sinh nhà rất gần trường nhưng luôn đi học trễ, vào lớp ngủ gà ngủ gật vì thức đến 1 – 2g sáng để chơi game, chat, lướt mạng… Đó có thể là học sinh chẳng thà nhận điểm 0 chứ nhất định không vào nhóm thuyết trình (vì kỵ một bạn chung nhóm).
Đó cũng có thể là phi vụ trèo tường đột nhập vào trường lúc nửa đêm của 6 bạn nam sinh lớp Tám. Đó là học sinh cố tình vi phạm trong tầm mắt giám thị với phương châm “phạm tội công khai càng… vui”.
Hay chuyện một nữ sinh gây ra đủ chuyện – từ cô lập bạn trong lớp đến đầu têu bạo lực học đường, chọc ghẹo thầy cô. Khi được mời lên văn phòng “uống nước trà”, các thầy cô ngỡ ngàng bởi gương mặt như thiên thần của em. Không ít trường hợp, khi nhà trường liên hệ, phụ huynh bảo: “Cô muốn cấm túc hay đuổi học gì đó thì tùy. Nó quậy quá, ở nhà tôi cũng chán lắm rồi”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ: “Chúng tôi thường nói vui rằng, gây chiến là quyền của trẻ, nhưng tham chiến hay không là quyền của chúng ta. Và sau những ngày “giông bão ấy” là hạnh phúc của ba mẹ, thầy cô khi các con trở thành phiên bản khác, tích cực, phát triển, hiểu chuyện”.
Theo tiến sĩ Thu Huyền, để hiểu trẻ ở giai đoạn vào trung học, phụ huynh và nhà trường không nên bỏ qua đặc điểm phát triển về não bộ của trẻ. Ở tuổi từ đầu cấp II, vùng vỏ não trung ương (cortex) của trẻ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, vùng prefrontal cortex (thùy trán) phát triển muộn và chỉ hoàn thiện khi tới 25 tuổi.
Thùy trán có chức năng thực hiện, suy nghĩ, lập kế hoạch, tổ chức và giải quyết vấn đề, kiểm soát hành vi, nhân cách. Đây là cơ sở để giải thích vì sao học sinh trung học vẫn còn hạn chế về kiểm soát cảm xúc, giải quyết vấn đề hay nói cách khác là nông nổi, bồng bột, bốc đồng, cạn nghĩ (không liên kết được nguyên nhân – thực trạng – hậu quả). Cộng với sự gia tăng các hoóc môn làm thay đổi, xáo trộn tâm sinh lý tuổi dậy thì nên các biểu hiện này phổ biến hơn.
Phụ huynh cần làm gì?
Trải nghiệm nhiều trò nghịch của học sinh trung học, thầy Bùi Ngọc Chinh – đại diện Ban giám hiệu Trường tiểu học-THCS-THPT Tuệ Đức (cơ sở Đông Hưng Thuận, quận 12, TPHCM) ví von: “Nhiều khi học sinh cố tình làm khó thầy cô, phụ huynh. Người lớn càng tức giận thì học sinh càng hả dạ vì khiêu khích thành công. Cho nên thầy cô càng phải giữ thái độ an nhiên, cho các con thấy mình không hề bị khiêu khích bởi trò trẻ con.
Thật ra, hiểu tâm lý lứa tuổi, sẽ thấy các con như những loại trái cây khác nhau – có trái vỏ mỏng, có trái vỏ dày, phải có cách lột vỏ phù hợp với từng em và cần phải bình tĩnh, kiên trì. Mọi vấn đề cần được xử lý bằng tình thương và sự thấu hiểu”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ với phụ huynh Trường tiểu học-THCS-THPT Tuệ Đức trước thềm năm học 2024-2025 – Ảnh: Diệu Hiền |
Cũng theo thầy Bùi Ngọc Chinh, nếu học sinh trung học mà ngoan ngoãn, răm rắp vâng lời, làm cho người lớn an tâm thì sự an tâm ấy chẳng khác nào như… “liều thuốc an thần”. Ở tuổi này, các em phải như “cơm sôi” để có thể ngon ngọt, dẻo thơm ở nhiều năm sau.
Có những trường hợp, mới ngày trước học sinh đã nằng nặc đòi chuyển trường, sang hôm sau đã quên ngay đòi hỏi đó và vui vẻ, hào hứng trở lại. Đó là khi các em tháo gỡ được những gút mắc, hiểu lầm trong mối quan hệ bạn bè hoặc tìm được động lực, sự hứng khởi trong việc học hay các hoạt động vui chơi. Những cuộc trò chuyện đủ sâu và kịp thời của phụ huynh đối với con là vô cùng cần thiết.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền khuyên: “Cách thức ba mẹ đồng hành cùng con là thấu hiểu, tin tưởng, trao quyền, hỗ trợ, hợp tác cùng giáo viên. Phụ huynh nên khai thác điểm mạnh, đặt ra kỳ vọng hợp lý cho con, đồng thời hướng dẫn phương pháp học phù hợp. Ba mẹ cũng cần lắng nghe các con chia sẻ, nghiêm túc nhìn nhận sự việc dưới góc nhìn của con, thể hiện sự tôn trọng các lựa chọn của con và cho con quyền ra quyết định. Đặc biệt, nếu ba mẹ thất hứa, con sẽ mất niềm tin, tẩy chay và khép lòng.
Lớp Sáu không phải là lớp Năm + 1 Các thầy cô cũng cho biết lớp Sáu không phải là lớp Năm + 1 mà có những khác biệt về đặc điểm chương trình học khiến học sinh không dễ dàng thích nghi và bứt phá ngay. Ở trung học, yêu cầu học thuật cao, đòi hỏi tư duy trừu tượng, suy luận, phân tích, năng lực nghiên cứu, vận dụng, giải quyết vấn đề. Song song đó, yêu cầu sự tự chủ, năng lực tự học cao. Con phải ý thức việc học là việc của mình, nhớ thời khóa biểu, nhớ bài kiểm tra. Ở trung học cũng yêu cầu học sinh có các kỹ năng xã hội tốt để tương tác với thầy cô, bạn bè, điều tiết căng thẳng để giao tiếp chan hòa, hiệu quả. Niềm vui của trẻ ở trung học cũng khác khi còn ở tiểu học. Xây dựng kỷ luật, nói không với nghiện ngập Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, một trong những lo ngại của phụ huynh khi con bước vào trung học là vấn đề nghiện. Các loại chất kích thích kích hoạt giải phóng nhiều dopamine hơn trong não, lớn hơn so với các hoạt động lành mạnh. Chơi game, khi thắng mỗi vòng thì được thưởng; chơi mạng xã hội thì được like, view kích thích hưng phấn. Sự kích thích quá mức này dần khiến các kích thích yếu không còn tác dụng. Từ đó, các hoạt động hằng ngày mà trước đây các em thấy thích thú thì nay trở nên chán ghét. Nghiện thiết bị điện tử cũng có cơ chế tương tự. Ba mẹ nên đồng hành, xây dựng cho con kỷ luật tích cực để có thể dừng lại ở vui chơi lành mạnh, an toàn và làm chủ được cuộc chơi, thời gian chơi, không xao nhãng mục tiêu học tập. |
Hoài Nhân
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/cung-con-tu-tin-but-pha-o-trung-hoc-a1528502.html” name=””]