Theo thời gian, thứ quà quê đúng vị dần hiếm vì ít còn được chuộng. Đám học trò mê trà sữa và nước ngọt hơn đá me, hột é năm nào.
Những món quà quê thân thương vừa uống vừa ăn dẫn ta đi qua mùa hè nắng nôi khó chịu. Dẫu cái quán nhỏ không còn, dẫu hàng dừa nước đã thành quá vãng, dẫu mọi thứ đang dần đổi thay nhưng hễ còn nhớ, còn kiếm tìm vẫn còn cơ hội gặp được những niềm vui hội ngộ với ký ức mình.
Bình bát |
Người ta thường không hay thời gian đang trôi trên những cây cổ thụ lớn, bởi sự sừng sững của chúng khiến những thay đổi mỗi ngày trở nên mỏng dờn như cánh khói. Giống như thời gian đã bị bỏ quên, ta có đi ngang hàng trăm lần, cây vẫn to lớn rộng tán xòe cành mát rượi. Với những loài cây bụi còn trẻ thì khác. Ta thấy chúng thay đổi mỗi ngày. Chỉ cần vài cơn mưa, chúng đã như thành người dưng trên con đường cũ: um tùm với quá nhiều cành lá mới. Cũng bằng cách đó, khi ta theo những mối lo lớn, ta không để ý ở quê nhà những điều nho nhỏ đã dần không còn nữa.
Không tìm ra quán nước bé xíu như cái chòi canh vịt nằm dưới chân cầu, nép bên gốc còng già, tôi tấp đại vô một quán, gọi ly đá me thơm mùi khóm ngào, nhai nước đá rào rạo với đậu phộng giòn tan, hỏi thăm cô bán hàng giờ làng xóm ra sao, ai còn ở ai rời đi. Quán nước có nhưng thời cuộc đã đòi hỏi mọi thứ phải đẹp hơn, sang hơn, phong phú hơn khiến từ riêng biệt đã hòa chung với những thứ đại trà ở đâu cũng có. Thứ quà quê đúng vị dần hiếm vì ít còn được chuộng. Đám học trò mê trà sữa và nước ngọt hơn đá me, hột é năm nào.
Thì về nhà tìm lại ký ức xưa. Khi mùa me tới, đám con nít đã chán chê món me chua lè chấm muối, chờ me chín rủ nhau trèo bẻ về lủ khủ cả bọc đầy. Kiếm thêm một trái khóm vườn, vậy là về mè nheo mẹ làm cho hũ me ngào khóm. Me, khóm, đường, đậu phộng, gừng… chừng đó nguyên liệu làm ra món quà quê vừa ăn vừa uống đã ghiền mấy tháng trời. Ngào trên bếp nóng dậy mùi, dường như khói bếp củi vườn làm mùi vị càng đậm và sâu hơn. Khi mẹ làm xong, đổ thứ hỗn hợp chua ngọt thành phẩm vô keo thủy tinh, cả đám con nít túm tụm ngắm nhìn như nhìn báu vật.
Chỉ cần múc vài muỗng, đập nước đá nhuyễn đầy ly, vậy là đã có một buổi nhấp nháp mát thấu trời. Chua từ me, ngọt từ đường được khóm cân bằng và kết hợp lại, thêm mớ đậu phộng rang rắc lên trên, múc một muỗng thấy rôm rả một muỗng. Sau này, mấy chị học thêm món me ngào hột dẻo cũng ngon không kém nhưng thú vị thì thua; bởi khi đó me ăn luôn hột, làm sao còn thú vui vừa ăn đá me vừa phun hột vèo vèo? Với con nít, vậy mới vui.
Nhắc đá me không thể không nhắc tới người anh em gắn kết của nó: hột é mủ gòn. Thứ này dễ làm hơn nhưng lại khó có ăn hơn vì cả hột é lẫn mủ gòn phải đi mua mới có. Nhớ phải mua thêm dầu chuối, một ống bé xíu xiu mà chứa cả một mùa thơm, mỗi lần nhỏ một giọt vô ly đã thấy thèm nức nở. Hột é và mủ gòn ngâm nở, bỏ vô ly thêm đá, thêm dầu chuối, vừa nhai vừa tưởng tượng mình cũng đang lừng thơm. Mùi chuối chín đi theo ký ức, xua tan những tháng ngày nóng bức oi nồng của hạ, chung với sừn sựt dai mềm mủ gòn, hột é.
Mãng cầu gai |
Những món ngon vừa ăn vừa uống không chỉ có vậy, nhiều lúc chúng đơn giản hơn mà vẫn hút hồn đám con nít xứ quê. Trời dở dở ương ương hành người mắc mệt, chán không muốn ăn, chỉ thèm nước đá mà có trái mãng cầu gai dầm đá đường thì ngon “bá cháy”. Thời đó làm gì đã có máy xay, phải dầm mãng cầu gai ra ăn. Trái mãng cầu gai bự lắm, ăn một mình đâu có hết, đám con nít phải chia nhau ăn chung cho vui. Mãng cầu chua gắt nhưng mùi vị đặc biệt, có đường giúp vô, sang sang thì thêm miếng sữa, bảo đảm ngồi vừa uống vừa nhai, lâu lâu nhả hột… cả buổi mà vẫn thòm thèm.
Không đòi hỏi phải trồng trọt chăm sóc như mãng cầu, bình bát vẫn khiến người ta nhớ hoài về nó. Bình bát mọc hoang hay gần những ao nước, dù lặng thầm mà vẫn bị đám trẻ chú ý săm soi từng ngày. Giữa màu xanh nhức nhối, trái bình bát chín vàng nổi bần bật, sao mà quên được. Nhưng lũ trẻ vẫn thích ra thăm bình bát mỗi ngày, từ hồi trái còn nhỏ xíu, xanh lè tới khi lớn trọng trọng da căng bóng mơn mởn. Vui là vui vì điều đó.
Ngày qua ngày ngóng trông, một bữa nọ cất tiếng gọi nhau, bình bát chín rồi tụi bây ơi. A lê hấp bẻ vô, dầm với đá đường, quá đã cho một trưa nắng nóng. Vị bình bát khó tả, cả chua ngọt và chát cũng nhè nhẹ, thơm vấn vương những ngày lội đồng bắt cá mệt rã người. Ôm ly bình bát dầm trong tay như tỉnh lại. Thứ trái hoang dại đó, nào đâu biết sau này trở thành đặc sản mà kiếm hoài cũng không dễ mua được.
Đá me |
Đã nhớ quà từ vườn nhà thì phải nhớ luôn quà của dòng sông. Dọc theo con sông nhỏ đều đặn lớn ròng mỗi ngày, hàng dừa nước mọc tốt tươi cho cả lá và trái. Bữa nào ba bơi xuồng đi gỡ lưới về mà nói tao thấy mấy buồng dừa nước sắp ăn được rồi đó bây là lòng tụi con nít mừng như trẩy hội. Chộn rộn mỗi ngày, ba bốn lần chạy ra coi buồng dừa nước có bự thêm chút nào chưa. Đến khi ăn được là hì hục đốn vô, mất cả buổi trời ngồi chẻ từng trái dừa nước ra, dùng muỗng nạo thu được phần cơm trắng ngà nhỏ cỡ trái nhãn. Một buồng lớn chỉ lấy được có một ca nhỏ xíu cơm dừa nước, phần vỏ còn lại đem phơi cho má chụm lửa lò. Phải ăn mấy buồng mới đã miệng, bởi dừa nước nhai sướng răng, thêm đá đường đặc biệt ngon mùi vị mà chỉ dừa nước mới có.
Sau này có thêm một món ngon mới, cũng đặc sản miền Tây, mà tùy chỗ mới kiếm được. Thứ trái màu vàng bán nhiều dưới chân cầu Cần Thơ, phía bên Vĩnh Long, khi tới mùa không phải ai cũng mê. Có người chê nó chua quá, có người chỉ cần nhắc hai chữ thanh trà đã thèm ứa nước miếng. Thanh trà lựa những trái chín rửa sạch để ăn từ từ, chỉ cần cỡ hai trái là đủ cho một ly nước mát. Lấy dao bén gọt bỏ vỏ cho vô ly, dùng muỗng dầm ra cơm thanh trà nhừ với đường, nhớ thêm chút muối để đậm đà hơn. Thêm xíu nước cho đỡ sệt kẹo, rồi bỏ thêm đá đập nhuyễn hay đá viên nữa là thưởng thức được rồi. Nghe đâu người ta thương nhớ thanh trà vì mùi thơm riêng của nó. Một ly nước thanh trà hòa vị chua, ngọt thêm mát lạnh của nước đá như đẩy lùi những cơn nóng đi xa.
Dù cho đi tới đâu, quê nhà vẫn là vùng xanh dấu nhớ. Dù có bước tới hàng quán sang trọng nào, người xứ mình vẫn không thể thôi cồn cào thèm những hương vị cũ. Thèm ồn ào tán gẫu cùng chúng bạn bên ly hột é mủ gòn, bên ly đá me thơm thơm. Thèm được đi vườn kiếm mãng cầu, đi quanh xóm lùng bình bát để đem về dầm đá đường với mấy đứa con nít chung xóm. Thèm túm tụm huyên náo cả sân, xúm nhau ngồi chẻ từng trái dừa nước để lấy phần cơm ngon dẻo. Thèm ghé bên đường mua một ký thanh trà, chạy lẹ về dầm đá mời ba mẹ uống chung.
Những món quà quê thân thương vừa uống vừa ăn, dẫn ta đi qua mùa hè khó chịu. Những thức ấy nuôi hồn mình lớn, đợi mình về chơi. Có ai nhớ thì về, bắc ghế trước hiên nhà ngồi nhai một ly nước quê để thấy mình được trẻ lại và tươi mới hơn. Ai rồi cũng cần dừng chân nghỉ ngơi cho những hành trình mới.
Phát Dương
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/qua-vuon-vua-an-vua-uong-a1461471.html” name=””]