Dù sinh sống trong thế kỷ XI – XII và là biểu tượng của sự can trường – khí chất thanh cao tại xứ Phù Tang, đến nay, hình ảnh nữ chiến binh Samurai vẫn mang nhiều nét tương đồng với phụ nữ thời hiện đại.
Như một mối liên kết cố hữu giữa phái đẹp và những loài hoa, những nét tương đồng ấy có thể được đặc tả trọn vẹn thông qua “bộ tứ bình đương đại”.
Hẳn ta đã quen với bức tứ bình truyền thống gồm bốn loài Mai, Lan, Cúc, Trúc – biểu trưng của sự sung túc, tài lộc và bình an; hay bộ tứ quý Tùng, Cúc, Trúc, Mai – đại diện cho khí tiết và lối sống cao đẹp của người quân tử. Nhưng để đặc tả và tôn vinh khí chất – dung mạo của những “nữ Samurai hiện đại”, thương hiệu mỹ phẩm cao cấp Menard từ Nhật Bản đã họa nên bộ tứ bình mới với bốn loài Anh đào, Bách hợp, Cúc, Trúc. Nếu Anh đào và Bách hợp là những đoá hoa thể hiện vẻ đẹp rạng rỡ, thanh cao thì Cúc và Trúc lại là bản trường ca về thế giới nội tâm tràn đầy sự thông tuệ, kiên cường nhưng cũng không kém phần bao dung, nhân ái.
Anh đào – Xinh đẹp, mỏng manh
Từ thời cổ đại, vẻ đẹp của hoa anh đào chính là nguồn cảm hứng bất tận của các bậc hoàng đế, thi nhân, thậm chí là trong dân gian đại chúng Nhật Bản. Khi hoài nụ hay khi đứng một mình, đóa anh đào mang dáng điệu khép nép, e lệ; đến khi bung nở rực rỡ, hoa mang vẻ đẹp tha thướt, mỏng manh; lúc nép mình vào nhau như một “cụm mây hoa”, anh đào lại đạt đến đỉnh cao của sự lộng lẫy. Có lẽ vì vậy, hoa được xem là biểu trưng hoàn hảo để mô tả vẻ đẹp của một người phụ nữ theo từng giai đoạn.
Mang một vẻ đẹp mong manh là thế, song anh đào cũng chính là loài hoa tượng trưng cho linh hồn và hệ tư tưởng võ sĩ đạo – Samurai. Người Nhật xưa có câu: “Nếu là hoa, xin là một đóa anh đào. Nếu là người, xin được là một võ sĩ đạo”, nghĩa là khi Samurai đối mặt với hiểm nguy, họ sẽ kiên cường tranh đấu và dũng cảm đón nhận cái chết, tựa loài hoa anh đào dù sở hữu vòng đời ngắn ngủi vẫn tận hiến vẻ đẹp thanh cao, rồi sẵn sàng lìa cành khi đương độ rực rỡ nhất. Nữ chiến binh Samurai thời hiện đại cũng vậy, họ được sinh ra với thiên tính mỏng manh, vẻ ngoài xinh đẹp nhưng ẩn sâu là sự mạnh mẽ, kiên gan, sẵn sàng đối diện với mọi nghịch cảnh.
Bách hợp – Thanh cao, quý phái
Không phải ngẫu nhiên mà bách hợp được tôn là nữ hoàng của những loài hoa. Nếu anh đào đại diện cho nét đẹp mong manh thì bách hợp – với những cánh hoa to mềm mại, uốn mình uyển chuyển về phía sau, tỏa ngát hương thơm dịu dàng – lại được ví với khí chất thanh cao và vẻ kiêu sa của người phụ nữ. Sự thanh cao ánh lên nơi đôi mắt sáng trong cùng lối giao tiếp linh hoạt, nét kiêu sa toát lên từ đôi gò má ửng hồng và dáng điệu thướt tha.
Cúc – Nhân ái, bao dung
“Diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa”, dịch theo nghĩa thuần Việt nghĩa là “Lá không rời cành, hoa chẳng lìa thân” là một câu nói nổi tiếng về hoa cúc trong văn học cổ. Trong tình yêu, hoa cúc đại diện cho lòng chung thủy sắt son. Trong đạo làm con, hoa cúc tượng trưng cho tấm lòng hiếu thảo đối với cha mẹ. Với một nữ võ sĩ Samurai, rộng hơn tình yêu, tình thân, hoa cúc còn là biểu tượng của lòng nhân ái, bao dung trong tổng hòa các mối quan hệ nhân sinh.
Trúc – Kiên cường, thông tuệ
Trong văn học dân gian, hình ảnh cây trúc thường đại diện cho người quân tử với tính cách ngay thẳng, cương trực. Vượt ra khỏi sự liên tưởng cố hữu này, xét ở một góc nhìn sáng tạo hơn, cây trúc có nhiều nét tương đồng với một nữ Samurai hiện đại. Không mang vẻ bề thế của một cây đại thụ, thân trúc tuy mảnh mai nhưng vươn mình vững chắc nhờ cụm rễ bám sâu vào lòng đất, tựa như khí chất có nhu có cương của một nữ chiến binh: Mạnh mẽ ẩn mình trong dịu dàng, kiên cường ẩn mình trong ôn nhu, trí tuệ và sự nhạy bén ẩn mình trong khiêm nhường.
Những sắc hoa thơm, dáng cỏ lạ của đất trời là những yếu tố khắc họa nên chân dung tuyệt mỹ của nữ Samurai thời hiện đại: xinh đẹp, bao dung song hành trí tuệ và sự mạnh mẽ. Với Menard, họ là những vị y sĩ từ bỏ hạnh phúc cá nhân để cùng cộng đồng chung tay chống lại dịch bệnh, là những người mẹ địu con gồng mình qua mùa bão lũ, hay gần gũi hơn, họ là nơi để về, là nhà, là nguồn năng lượng ấm áp mà mỗi người đều cần trong cuộc đời. Menard không mang đến một chuẩn mực về vẻ đẹp, vì tự mỗi người phụ nữ đã là một chuẩn mực riêng. Menard chỉ là một tri kỷ chia sẻ niềm cảm mến, trân trọng và khích lệ người phụ nữ trở thành phiên bản hoàn hảo của chính mình, sống tận hưởng những gì mà bản thân xứng đáng.
[yeni-source src=”http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/buc-chan-dung-nu-samurai-qua-bo-tu-binh-duong-dai-d255357.html” alt_src=”” name=””]