Đôi mắt kém không thể ngăn mẹ trở thành người phụ nữ tháo vát. Việc trong nhà từ lớn đến nhỏ mẹ đều chu toàn. Mẹ đi hái cà phê thuê, gặt lúa thuê, làm cỏ thuê… đến rạc cả người để nuôi đàn con.
Mắt mẹ tôi từ nhỏ nhìn đã rất kém, 2 đồng tử theo thời gian cứ lệch dần về phía trong sống mũi. Đến ngày con cái lớn khôn, mắt phải của bà đã hoàn toàn chỉ còn một màu trắng đục, mắt trái chỉ còn tí xíu tròng đen.
Đôi mắt kém không thể ngăn mẹ trở thành người phụ nữ tháo vát. Việc trong nhà từ lớn đến nhỏ mẹ đều chu toàn. Mẹ đi hái cà phê thuê, gặt lúa thuê, làm cỏ thuê… đến rạc cả người để nuôi đàn con. Hình ảnh mẹ trong mắt tôi luôn là chiếc áo lao động bạc phếch, quần xắn móng heo bên thấp bên cao, chiếc nón lá sùm sụp quá nửa khuôn mặt.
Cha mẹ của tác giả cùng con rể và các cháu ngoại |
Mẹ ra khỏi nhà từ sáng tinh mơ và trở về khi ngày chỉ còn sót lại vài ba vạt nắng. Mẹ làm tất cả với đôi mắt nửa tối nửa sáng, ngày càng mờ đi và chỉ chờ ngày nhấn chìm mẹ trong biển tối thăm thẳm, mênh mông.
Đều đặn ngày nào mẹ cũng giặt giũ, nấu nướng, quét tước nhà cửa gọn gàng khi chị em chúng tôi bận học, bận làm. Chúng tôi mặc nhiên coi đó là lẽ thường, như đã quen với đôi mắt không bình thường của mẹ.
Đến một ngày, thay vì bỏ bột ngọt vào món canh thì mẹ nhầm sang lọ muối. Trong bữa ăn, đôi đũa của mẹ ngập ngừng, không biết dĩa cá ở chỗ nào trên mâm cơm thì tất cả mới giật mình. Rồi cũng từ ấy, bộ quần áo mẹ giặt thường vẫn còn sót lại đôi ba vết bẩn, nồi cơm mẹ cắm số lần bị nhão và sống nhiều hơn, mẹ ít đi đâu ra khỏi xóm nhỏ thì chúng tôi biết mắt mẹ đã kém lắm rồi.
Thời gian trước, chúng tôi đã định đưa mẹ đi chữa mắt, nhưng mẹ gạt đi. Mẹ nghĩ đến mấy đứa con, đứa nào cũng còn vất vả trăm bề; mẹ nghĩ đến căn nhà gỗ dột, chẳng có gì đáng giá; mẹ nghĩ đến những ngày cực khổ đã qua và sắp tới rồi tặc lưỡi: có lẽ mắt mẹ không chữa được nữa.
Chị em chúng tôi nhất quyết đưa mẹ đi Sài Gòn chữa mắt. Lúc đầu mẹ còn chần chừ, nhưng khi nghe vị bác sĩ gần nhà khẳng định chắc nịch: nếu cứ để thế này, 1 năm nữa sẽ mù hẳn, phải nhanh chóng can thiệp gấp, mẹ mới đồng ý đi.
Đêm ấy, mẹ nói với tôi bằng giọng đều đều: từ lâu lắm rồi, mẹ chẳng còn nhìn rõ một thứ gì, kể cả khuôn mặt của chồng và các con. Mẹ làm mọi thứ theo thói quen, nhìn mọi thứ bằng ánh nhìn mờ đục. Mẹ luôn muốn mắt mẹ nhìn được rõ ràng 1 lần. Mẹ sợ bị mù, giàu đôi con mắt, khó đôi bàn tay…
Đến lúc ấy, tôi mới biết mẹ đã khổ sở vô cùng. Để sống một đời cực nhọc, mẹ đã phải cố gắng hơn người khác gấp đôi, gấp ba. Nhìn mẹ, nghĩ đến mẹ, tim tôi thắt lại, lòng nghẹn đắng. Tôi thấy mình nợ mẹ cả cuộc đời. Mắt mẹ thành như thế, tôi cũng là một phần nguyên nhân.
Mẹ vào phòng phẫu thuật, tôi và em trai ngồi cạnh nhau bên ngoài chờ đợi. Mấy tiếng đồng hồ mà cảm giác dài như một đời đã trôi qua. 2 chị em chẳng nói với nhau câu nào, lòng ai cũng đang rối bời, lo lắng. Bác sĩ mổ cho mẹ tôi đã nói, cô ấy chưa bao giờ gặp một ca mổ nào khó như ca của mẹ.
Sau đợt đó, mắt mẹ đã đỡ mờ hơn, mẹ vui, những tiếng thở dài ít lại. Dù thế, khoảng trắng trong mắt mẹ vẫn chiếm phần nhiều. Tôi chỉ mong mẹ luôn khỏe mạnh, bình an, sống vui vầy bên con cháu sau một đời đã dốc cạn sức lực để chu toàn, hy sinh cho chồng con.
Mẹ với chị em tôi là người mẹ với đôi mắt không bình thường, nhưng là đôi mắt có thể thấu suốt mọi điều, là đôi mắt đẹp và quý giá nhất đối với chúng tôi. Mẹ đã sống cuộc đời mình với đôi mắt rất sáng.
Nguyễn Hiên
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/doi-mat-me-luon-thau-suot-moi-dieu-a1516070.html” name=””]