Bún xếp vào tô, thêm đu đủ xắt sợi, rau dưa và thịt cá nhồng, rắc ít đậu phộng… rồi chan nước dùng nóng hổi, béo ngậy.
Đến Phú Quốc, dân du lịch “bụi” hay rỉ tai nhau nhất định phải ăn bún kèn, bún quậy và bánh canh ghẹ. Ai đã từng ăn bún kèn Châu Đốc, nhất định phải thử qua món bún kèn ở Phú Quốc để biết vị đặc trưng của món bún vùng biển.
Món bún kèn (có nơi gọi là kèng) được cho là có nguồn gốc từ người Khmer. Trong tiếng Khmer, chữ kèn có nghĩa là món ăn có sử dụng nước cốt dừa.
Nếu bún kèn Châu Đốc được nấu bằng cá lóc thì bún kèn Phú Quốc nấu bằng cá nhồng hoặc cá ngân – những loại cá biển có vị ngọt, dai và không tanh.
Bún lạnh, thêm rau dưa, đậu phộng… chan nước dùng nấu từ nước cốt dừa và thịt cá nhồng |
Quán bún kèn Út Lượm (số 42 đường 30/4, thị trấn Dương Đông, Phú Quốc) có lẽ là quán nổi tiếng nhất Phú Quốc. Chị chủ quán Út Lượm (48 tuổi) cho hay, quán bún có tuổi đời đã 38 năm, từ thời má chị là dì Tư Lương. Nay chị kế nghiệp má, phát huy món bún ngày càng nức tiếng.
Để nấu món bún kèn, chị Út chỉ dùng mỗi cá nhồng giã nhuyễn. Nước dùng được nấu từ nước cốt dừa. Gia vị thì có nghệ, gừng, sả và bí quyết của riêng chị. Rau ăn kèm với bún kèn là đu đủ xắt sợi. Loại đu đủ vừa chín tới, rất giòn và ngọt. Cùng với dưa leo, rau thơm, rau húng lủi xắt sợi.
Nước dùng được nấu từ nước cốt dừa và thịt cá nhồng |
Bún xếp vào tô, thêm đu đủ, rau dưa, đậu phộng và thịt cá nhồng… chan nước dùng vừa đủ. Món bún lạnh lại có rau dưa, tưởng chừng chẳng ăn nhập gì với nước dùng nóng hổi, béo ngậy. Vậy mà khi thêm chút tương ớt, trộn đều tô bún rồi gắp một đũa; vị béo, giòn, ngọt, thơm… hòa quyện vào nhau làm nên hương vị rất đặc trưng. Đặc biệt những ai thích béo, có thể xin thêm chén nước dùng để chan lên cho thỏa mãn vị giác.
Tô bún kèn đậm vị biển đặc trưng của Phú Quốc |
Quán mở cửa từ 6 – 12 giờ.
Giá tô bún kèn khá mềm (30k/ tô) cũng là điểm cộng của món bún kèn.
Đức Phương
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/den-tham-phu-quoc-an-to-bun-ken-a1465433.html” name=””]