Những con “sâu bướm mopane” với vẻ ngoài đáng sợ được chế biến thành món ăn đặc sản bổ dưỡng chứa nhiều protein và sắt.
Đối với nhiều người, nhất là những người từ các nước phương Tây, thì việc ăn côn trùng là một điều gì đó “hết sức đáng sợ và kinh khủng”.
Từ một loài côn trùng đáng sợ, giờ đây sâu bướm mopane trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người – Ảnh: Louise Swemmer/Africa Geographic |
Khởi nghiệp với loại côn trùng bổ dưỡng gấp 3 lần thịt bò
Thế nhưng, giờ đây, một công ty khởi nghiệp ở Nam Phi đang muốn thay đổi quan niệm này bằng cách biến những con “sâu bướm mopane” với vẻ ngoài đáng sợ thành món ăn đặc sản.
Kỹ sư hóa học người Nam Phi Wendy Vesela đã tìm ra cách biến những con sâu bướm có nhiều gai màu xanh lá cây và đen thành một loại bột có thể được sử dụng để làm ra các món ngon như: bánh quy mặn, chocolate giàu protein, cháo ngũ cốc hoặc sinh tố. Miếng bột mopane cũng có thể được hấp và thái mỏng, sau đó dùng làm lớp phủ trên bánh pizza.
Cô Wendy Vesela đang giới thiệu các sản phẩm chế biến từ sâu bướm mopane – Ảnh: Wanda Hennig/Daily Maverick |
Cô Vesela cho biết đã có sẵn nguồn khách hàng “trung thành và dồi dào” – là những khách hàng nội địa và quốc tế vốn “nghiện” các sản phẩm hữu cơ độc đáo này của cô.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sâu bướm mopane có hàm lượng protein gấp 3 lần thịt bò. Ngoài ra, đây còn là nguồn cung cấp đáng kể các chất kali, natri, canxi, phốt pho, magiê, kẽm, mangan, đồng.
Sâu bướm mopane có giá trị dinh dưỡng cao gấp 3 lần thịt bò – Ảnh: Boys can cook |
Chuyên gia dinh dưỡng người Zimbabwe Marlon Chidemo cho biết, sâu bướm mopane được ưa thích vì chúng giàu dinh dưỡng với hàm lượng protein, sắt và canxi dồi dào. Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) thì khẳng định, sâu bướm mopane là một trong những sản phẩm tài nguyên lâm nghiệp nổi tiếng và quan trọng nhất về kinh tế của vùng rừng mopane ở một số quốc gia châu Phi. Vào những năm 1990, mỗi năm có đến hàng trăm tấn sâu bướm monape được xuất khẩu từ Botswana và Nam Phi.
Mặc dù sâu bướm monape có giá trị dinh dưỡng cao, nhưng hình thù kỳ dị của chúng khiến nhiều người không có ý định ăn thử. Do đó, cô Vesela đã có sáng kiến biến những con sâu bướm mopane thành những thanh chocolate, bánh quy dinh dưỡng và đem giới thiệu ở các hội chợ ẩm thực địa phương.
“Tôi không ăn côn trùng vì cảm giác kinh sợ dâng lên trên đầu lưỡi. Nhưng nếu như ai đó đưa cho tôi một lát bánh dinh dưỡng làm từ bột của sâu bướm mopane thì lại là một chuyện khác. Phải nói là chúng thật sự rất ngon”, bà Gail Odendaal, một người dân địa phương 38 tuổi, cho biết.
Nuôi trồng và tiêu thụ sâu bướm mopane góp phần bảo vệ môi trường – Ảnh: Tsvangirayi Mukwazhi/AP |
Bên cạnh giá trị dinh dưỡng không thể phủ nhận thì sâu bướm mopane cũng rất thân thiện với môi trường khi không hề tiêu tốn thêm đất đai hay nước sạch. Chúng được nuôi dưỡng từ chính thân cây mopane – vốn mọc dày đặc ở những khu vực khô hạn ở châu Phi.
Nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ sâu bướm mopane ngày càng tăng, cô Vesela đang có kế hoạch mở rộng quy mô kinh doanh cũng như tăng cường việc thu hoạch sâu bướm mopane nhiều lần trong năm.
Việc thu hoạch sâu bướm mopane tạo thêm nhiều việc làm cho phụ nữ nghèo ở các quốc gia Nam Phi – Ảnh: bio-innovation |
Món ăn quen thuộc của người châu Phi
Những người nông dân, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, thường thu hoạch sâu bướm mopane bằng cách nhặt chúng ngay trên cây, hoặc rung mạnh để chúng rơi xuống đất, sau đó nhặt bỏ vào những chiếc thùng nhựa.
Người dân châu Phi thu hoạch, chế biến, bán và thưởng thức món sâu bướm mopane – Video: NC TV |
Để chế biến sâu bướm thành món ăn trong gia đình, người ta làm sạch bằng cách khử loại chất nhờn màu xanh nhạt từ bên trong chúng ra ngoài. Sau đó, đem luộc chín trong nồi nước muối sôi rồi vớt ra phơi nắng hoặc hun khói để tăng mùi vị.
Nếu chế biến hàng loạt theo cách công nghiệp, sâu bướm mopane sẽ được sấy khô, đóng gói sau đó mang đi phân phối tại các khu chợ lớn nhỏ ở khắp miền nam châu Phi.
Người dân địa phương đang phơi khô sâu bướm mopane – Ảnh: Tsvangirayi Mukwazhi/AP |
Vào mùa thu hoạch, dưới cái nóng hừng hực của thời tiết châu Phi, người dân “trưng dụng” hầu hết không gian quanh nhà để phơi hàng vạn con sâu bướm mopane. Đây là công đoạn tốn nhiều thời gian nhất trong quy trình bảo quản và chế biến loại côn trùng này.
Người dân bản địa thích ăn sâu bướm mopane tươi ngay khi vừa nhặt chúng từ trên cây xuống, bởi vì chúng thường ít dai hơn, đồng thời hương vị đặc biệt và độc đáo của chúng không bị mất đi do quá trình chế biến.
Ngoài ra, sâu bướm mopane còn được hầm, luộc, trộn với nước xốt bơ cay hoặc xốt đậu phụng và ăn kèm với cháo ngô Nshima.
Sâu bướm mopane được bán rộng rãi ở nhiều khu chợ địa phương ở châu Phi – Ảnh: bio-innovation |
Nguyễn Thuận
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/con-trung-co-gia-tri-dinh-duong-gap-3-lan-thit-bo-a1467416.html” name=””]