Sau mỗi câu chuyện ngụ ngôn đều là những bài học mang tính chất luân lý có giá trị giáo dục về đạo rất cao.
Sói và Voi
Ngày xửa ngày xưa có một anh Sói lười. Nhà cửa của anh, anh chẳng bao giờ quét dọn, sửa sang. Nó bẩn thỉu, rách nát, chỉ chực sụp xuống.
Một hôm, bác Voi đi qua, chẳng may đụng nhẹ vào làm đổ mái nhà anh Sói.
– Xin lỗi anh bạn! – Bác Voi nói với Sói – Tôi sẽ sửa ngay cho anh.
Bác Voi vốn là người giỏi giang, cái gì cũng biết và không sợ công việc. Bác liền lấy búa, đinh, sửa ngay mái nhà cho Sói. Mái nhà trở nên chắc chắn hơn trước…
– Ô hô! – Anh Sói bụng bảo dạ – Rõ ràng là lão ta sợ mình! Thoạt đầu đã phải xin lỗi, sau đó còn sửa lại cả mái nhà. Mình phải bắt lão ta làm cho mình một cái nhà mới mới được! Lão sợ, ắt phải nghe theo!
Ảnh minh họa.
– Này, đứng lại! – Sói quát bảo Voi – Lão làm cái thói gì thế? Lão tưởng có thể bỏ đi một cách dễ dàng thế chắc? Làm đổ nhà người ta, đóng qua loa được mấy cái đinh rồi định chuồn à?
Biết điều thì đi làm cho ta một cái nhà mới! Bằng không ta sẽ cho một bài học, đừng hòng mong thấy lại bà con thân thích! Nhanh lên!
Nghe Sói nói những lời ấy, bác Voi không nói gì cả. Bác lẳng lặng quắp ngang bụng Sói ném xuống hố nước bẩn. Rồi đè bẹp dí nhà Sói.
– Này, nhà mới này! – Bác Voi nói rồi đi thẳng.
Tỉnh dậy, Sói ngạc nhiên tự hỏi:
– Mình thật không hiểu gì cả! Lúc đầu lão có vẻ sợ mình, đã xin lỗi tử tế, thế mà sau đó lại hành động thế này… Thật không sao hiểu nổi!
Nhìn thấy hết mọi chuyện, bác Quạ già trên cây nói vọng xuống:
– Chú mày ngu lắm! Chú mày đã không hiểu sự khác nhau giữa người hèn nhát và người được giáo dục tốt!
Chó và cáo
Chó và Cáo thường đi kiếm ăn cùng nhau, chúng phân phối rất ăn ý nên lần nào cũng được no nê.
Một hôm, chúng lại đi kiếm mồi. Nhưng lần này chúng không gặp may, phải mất bao thời gian chúng mới bắt được một con chim nhỏ. Con chim quá nhỏ không đủ cho hai con, chỉ đủ một con. Ai ăn đây? Chó bảo nó mất nhiều sức hơn, Cáo thì nói nó phải đổ bao mồ hôi. Cãi nhau mãi mà vẫn chưa có kết quả.
Xưa nay, Cáo vốn xảo quyệt. Nó cúi đầu ngẫm nghĩ. Rồi tỏ ra nghiêm chỉnh bảo Chó:
– Anh Chó ạ, càng nhìn tôi càng thấy con chim này không binfht hường. Đây là con chim thần, chúng ta không nên tranh giành nữa.
– Cái gì? Chim thần à?
Cáo biết trí thông minh của Chó nổi tiếng khắp nơi, nhưng nó vẫn giả bộ nói:
– Chúng ta không thể đụng vào chim tùy tiện được, phạm phải thần lình chúng ta sẽ xúi quẩy cả năm, làm sao bây giờ? Theo tôi, nên chôn nó đi.
– Đúng như thế. Thượng đế sẽ giáng tội lên đầu chúng ta. – Chó đáp.
Lúc chôn chim, Cáo ta cố ý để lộ hai cái chân chim ra ngoài. Chó biết Cáo làm thế để sau này tìm cho dễ, nhưng vẫn tỏ ra không hiểu. Chó hỏi:
– Để lộ chân chim thần ra ngoài làm gì thế?
Ảnh minh họa.
– Để bảo vệ chim thần tốt hơn, không cho ai dẫm phải. Anh xem người khác qua đây trông thấy chân chim thần lại không nhanh chân rảo bước sao? – Cáo giải thích.
Mờ sáng hôm sau, Cáo bèn lén đến cầm hai chân chim mà lôi lên, rồi kéo về nhà. Cáo nói với vợ:
– Hãy rán lên đã. Đợi đến đêm chúng ta sẽ ăn, nhưng phải cẩn thận, đừng để nhà Chó trông thấy đấy.
Nói xong, Cáo bố bỏ đi chơi. Phải mất gần một ngày Cáo mẹ mới rán xong chim. Trời xẩm tối, Cáo mẹ cất chim trong một nồi, đậy điệm kỹ càng rồi vờ như không có gì, sang trò chuyện cùng Chó mẹ.
Đêm khuya, khi chẳng còn nhà nào thắp đèn, Cáo bố và Cáo mẹ cũng phải về nhà. Cáo bố dương dương tự đắc nói với vợ:
– Giờ thì chúng ta ăn thịt rán được rồi. Ăn từ từ thôi, không được gây tiếng ồn.
Cáo bố mở vung nồi. Ai ngờ vung bị hở. Nhìn vào trong nồi chẳng còn lấy một mẩu xương chim. Cáo bố ngớ người ra, Cáo mẹ cũng không hiểu, lũ Cáo con càng ngơ ngác.
Chim rán biến đâu mất? Chắc ai cũng đoán ra, chú Chó thông minh đã theo dõi Cáo từ đầu đến cuối. Đợi cho Cáo mẹ rán chim xong bỏ vào nồi, Chó ta vào lấy trộm đêm giấu ở bìa làng.
Mất chim rán, Cáo bố nổi khùng với vợ, rồi trách mình ngu xuẩn không cất kỹ. Cáo bố còn vu cho Cáo mẹ ăn hết. Lũ Cáo con không được ăn thịt chim nhao nhao lên đòi. Cáo mẹ không nói được câu nào.
Nghe bên nhà Cáo ầm ĩ, Chó bố cố tình sang xem, rồi khuyên:
– Nửa đêm rồi, cả nhà còn cãi vã gì nữa?
Cáo mẹ vừa bị một trận mắng tức tối trong lòng, không kìm được, chỉ vào mặt chồng khóc nức nở và nói:
– Chả hiểu ông ấy mang ở đâu về một con chim, bảo tôi rán lên rồi cất vào nồi, ai ngờ lúc định ăn thì đã bị mất. Ông ấy còn vu cho tôi ăn vụng, oan cho tôi quá!
Cáo bố đứng như trời trồng, không nói được câu nào, chỉ mong có lỗ nào mà chui xuống cho đỡ xấu hổ.
Chó bố hoan hỉ mang chim rán về cả nhà cùng ăn. Từ đó, Chó và Cáo không bao giờ đi kiếm ăn cùng với nhau nữa.
Chuột Nhà và Chuột Đồng
Chuột Nhà và Chuột Đồng là bạn thân của nhau. Chuột Đồng sống ở nông thôn, ngày ngày ra đồng ăn thóc, cuộc sống rất vui vẻ, hạnh phúc.
Chuột Nhà sống trong một hốc tường của một gia đình giàu có ở thành phố. Khi chủ nhà đi vắng, Chuột Nhà chạy ra trộm thức ăn: nào là đỗ, thóc, pho mát, mật ong,… Cuộc sống của Chuột Nhà cực kỳ sung sướng.
Một hôm, Chuột Đồng mời Chuột Nhà đến ăn giỗ. Chuột Nhà diện lễ phục chốn đồng quê dự tiệc. Chuột Đồng mang đại mạch và thóc mà mình dự trữ được ra đãi khách. Chuột Nhà vừa ăn đại mạch và thóc vừa bảo Chuột Đồng:
– Bạn thân mến ơi, bạn sống như một con kiến tầm thường vậy. Còn chỗ tôi thì có bao nhiêu là thứ ngon. Bạn hãy lên thành phố hưởng thụ với tôi.
Nghe bùi tai, thế là Chuột Đồng theo Chuột Nhà lên thành phố sinh sống. Trong bếp nhà chủ của Chuột Nhà, Chuột Đồng thấy có đỗ, thóc, lại còn có cả pho mát, mật ong,… Nó thèm đến nỗi nước miếng cứ chảy ra ròng ròng.
Không ngờ Chuột Nhà lại có lắm cái ăn như vậy, nó rất ngưỡng mộ Chuột Nhà.
Ảnh minh họa.
Khi chúng đang chuẩn bị đánh chén thì có tiếng người mở cửa bếp. Chuột Nhà nhát gan, nghe thấy tiếng động liền ba chân bốn cẳng chui tọt vào hang.
– Chủ nhà đấy! Chạy mau đi!
Cả hai con chuột chạy như bay. Khi xung quanh yên tĩnh trở lại chúng mới dám chui ra. Vừa định cầm miếng pho mát lên thì lại có người mở cửa tiếp. Chuột Nhà lại vội vàng trốn vào hang.
– Chủ nhà lại đến kìa, chạy đi!
Chuột Đồng cũng chạy chối chết. Lúc này, Chuột Đồng đói đến mức bụng kêu òng ọc. Nó run run nói với Chuột Nhà:
– Tạm biệt bạn thân mên! Bạn cứu việc hưởng thụ những thứ ngon lành này đi, còn tôi không muốn cứ phải nơm nớp lo sợ như thế nữa. Tôi sẽ quay về ăn thóc, sống một cuộc sống bình thường và yên ổn.
Muỗi và Sư Tử
Một con Muỗi rất muốn trở thành Chúa sơn lâm, bèn nghĩ: “Trong khu rừng này, Sư Tử là Chúa sơn lân, như vậy chắc hẳn là người mạnh nhất. Nếu mình có thể đánh bại nó, thế thì mình có thể đường đường chính chính làm Chúa sơn lâm rồi.”
Nghĩ là làm, Muỗi quyết định sẽ tuyên chiến với Sư Tử. Muỗi đến bên Sư Tử, và quát lớn:
– Chúa sơn lâm! Trong khu rừng này chỉ có tôi là không sợ anh. Không tin anh thử thì biết ngay.
Muỗi cứ bay vo ve trước mặt Sư Tử. Về cơ bản, Sư Tử chẳng bao giờ thèm để mắt đến loài muỗi bé nhỏ này, chỉ là tiện chân khua mấy cái. Muỗi tức giận hỏi:
– Lẽ nào anh không dám chấp nhận lời thách đấu của tôi? Nếu anh còn muốn làm Chúa sơn lâm thì hãy nhận lời thách đấu đi. Anh dùng móng vuốt vồ tôi hay dùng răng để cắn tôi?
Muỗi lại vo ve, xông thẳng vào Sư Tử, đốt vào xung quanh mũi của Sư Tử, những chỗ mà không có lông.
– Hãy đỡ đòn của ta đây!
Ảnh minh họa.
Sư Tử vô cùng tức giận, nói:
– Con Muỗi ranh này, dám coi thường ta hả? Thế thì ta sẽ đọ sức với mi.
Nghe xong, Sư Tử che mũi đi. Và bắt đầu tìm cách tóm cổ con Muỗi láo toét.
– Ta sẽ cho mi biết tay!
Nhưng Muỗi bay tới bay lui, Sư Tử dùng móng vuốt cào nát hết cả mặt và mũi mà vẫn không tóm được Muỗi. Đau quá, Sư Tử đành bỏ đi.
Sau khi Muỗi thắng Sư Tử, luôn hát vang bài ca thắng lợi và khúc ca thắng lợi đi khắp mọi nơi. Muỗi vừa bay vừa hét:
– Ta đã thắng Sư Tử, ta đã trở thành Chúa sơn lâm, ta là người mạnh nhất. Ha ha…
Muỗi vô cùng sung sướng bay qua bay lại. Đột nhiên, Muỗi bị dính chặt vào mạng nhện.
Nhện mừng rỡ reo lên:
– A ha, một con muỗi béo ú. Hôm nay ta gặp may rồi! Hãy cầu nguyện trước khi chết đi! Ha ha…
Muỗi cố gắng vùng vẫy mong có thể thoát ra nhưng vô ích. Lúc sắp bị Nhện ăn, Muỗi mới than thở rằng:
– Ta thắng kẻ mạnh nhất là Sư Tử, nhưng lại bị một con Nhện bé tí tẹo tiêu diệt. Thế là hết. Hu hu…
Bài học hay từ những câu chuyện ngụ ngôn
Những câu chuyện ngụ ngôn thường sử dụng các biện pháp ẩn dụ hoặc nhân hóa loài vật, con người để chỉ đến một vấn đề trong cuộc sống, mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc hoặc lên án về một thực tế, về những tật xấu của con người.
Sau mỗi câu chuyện ngụ ngôn đều là những bài học mang tính chất luân lý có giá trị giáo dục về đạo rất cao, mang cả ý nghĩa phê phán.
Sau mỗi câu chuyện ngụ ngôn đều là những bài học mang tính chất luân lý có giá trị giáo dục về đạo rất cao, mang cả ý nghĩa phê phán.
[yeni-source src=”https://arttimes.vn/gia-dinh/nhung-cau-chuyen-ngu-ngon-hay-day-be-bai-hoc-lon-trong-cuoc-song-c59a6352.html” alt_src=”https://eva.vn/nuoi-con-khoe-day-con-khon/nhung-cau-chuyen-ngu-ngon-hay-day-be-bai-hoc-lon-trong-cuoc-song-c429a522650.html” name=””]