Trẻ uống sữa bị tiêu chảy có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau đây, bố mẹ nên tìm hiểu kỹ vấn đề này và có biện pháp khắc phục kịp thời.
Sữa là thực phẩm rất giàu dinh dưỡng, cần thiết cho sức khỏe trẻ nhỏ. Tuy nhiên, đôi khi sữa chính là nguyên nhân khiến trẻ bị tiêu chảy.
Vậy vì sao trẻ uống sữa bị tiêu chảy và làm thế nào để hạn chế điều này? Thực tế giải quyết vấn đề không khó, trước hết bố mẹ cần hiểu được tầm quan trọng của sữa đối với sự phát triển của trẻ cũng như nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, từ đó có biện pháp khắc phục kịp thời cho con.
Tầm quan trọng của sữa đối với sự phát triển của trẻ
Sữa được xem là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ nhỏ, ngoài sữa mẹ, trẻ cần có một chế độ ăn bổ sung hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng. Cùng với chế độ ăn, sữa bột hay còn gọi là sữa công thức bổ sung vi chất quan trọng, góp phần đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày cho trẻ.
Trong sữa chứa những chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển toàn diện của cơ thể trẻ. Các nhà khoa học đã chứng minh sữa có hơn 400 dưỡng chất quan trọng giúp cung cấp năng lượng và nuôi dưỡng cơ thể.
Sữa là thực phẩm rất giàu dinh dưỡng, cần thiết cho sức khỏe trẻ nhỏ.
Sữa cung cấp đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng là chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và nhiều khoáng chất giúp cơ thể trẻ tăng trưởng, phát triển và khỏe mạnh.
Chất đạm: có vai trò quan trọng trong quá trình duy trì và phát triển của cơ thể, hỗ trợ trẻ phát triển kỹ năng vận động và củng cố cơ bắp, giúp chuyển hóa các chất dinh dưỡng.
Chất đạm trong sữa có chất lượng sinh học cao, dễ hấp thu. Khi đạm sữa kết hợp với canxi và phốt pho có trong sữa sẽ làm cho hệ xương, răng của trẻ sẽ phát triển tốt.
Canxi: Canxi trong sữa dễ hấp thu, không chỉ giúp trẻ có khung xương chắc khỏe, canxi sữa còn kết hợp với vitamin B12 giúp cơ thể tăng sức đề kháng.
Ngoài ra, trong sữa còn có vitamin D, phốt pho, là những chất giúp xương chắc khỏe, các dưỡng chất trong sữa kết hợp hài hòa với nhau, hỗ trợ nhau phát huy tác dụng, mang lại tác dụng cộng hợp có lợi cho sức khỏe và phát triển của trẻ.
Một số nguyên nhân phổ biến dễ khiến trẻ tiêu chảy khi uống sữa bột
Trên thực tế, việc bé bị tiêu chảy sau khi uống sữa bột nói chung có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau:
Bình sữa không được vệ sinh sạch sẽ
Do chức năng đường ruột của bé chưa phát triển hoàn thiện nên sức đề kháng cũng còn yếu, nếu việc vệ sinh và khử trùng bình sữa không tốt sẽ dễ dẫn đến tình trạng bé bị tiêu chảy nhiễm trùng đường ruột.
Do đó, mẹ hãy đảm bảo vệ sinh thật tốt trước khi cho bé sử dụng bình sữa.
Nồng độ pha sữa không chính xác
Mặc dù trên thị trường có rất nhiều nhãn hiệu sữa bột nhưng yêu cầu nhiệt độ pha của các hãng là khác nhau, nên khi pha sữa bột cho con thì mẹ nên chú ý pha theo nhiệt độ ghi trong hướng dẫn.
Trong một số trường hợp nhiệt độ nước quá cao, các thành phần đạm trong sữa bột sẽ dễ bị biến tính, nếu nhiệt độ nước quá thấp sẽ dễ chứa vi khuẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột của bé.
Cũng giống như nhiệt độ nước để pha, các hãng sữa bột khác nhau có yêu cầu về tỷ lệ pha khác nhau, tương tự như vậy bố mẹ cũng cần pha theo đúng tỉ lệ ghi trên bao bì. Sữa quá đặc hoặc quá loãng đều có thể ảnh hưởng đến dạ dày và khiến trẻ bị tiêu chảy.
Chức năng đường ruột của bé chưa phát triển hoàn thiện nên sức đề kháng cũng còn yếu nên dễ dẫn đến tình trạng bé bị tiêu chảy nhiễm trùng đường ruột.
Trẻ bị dị ứng đạm trong sữa
Trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch chưa phát triển và dễ bị dị ứng đạm khi được bổ sung sữa công thức. Vì vậy, trước tình trạng này, các bác sĩ khuyến cáo các bé dị ứng đạm nhẹ đến trung bình có thể chọn sữa bột công thức đạm thủy phân, có độ dung nạp hơn 90% đồng thời cũng đáp ứng đủ dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển bình thường của bé.
Không dung nạp lactose
Nếu lượng men lactase trong cơ thể trẻ không đủ, đường lactose trong sữa bột ăn vào không thể phân hủy hết ở ruột non.
Khi đó nếu đường lactose đi vào ruột già và bị lên men bởi hệ thực vật coliform sẽ tạo ra một lượng lớn axit, điều này sẽ khiến bé xảy ra các triệu chứng như đầy hơi và tiêu chảy. Tình trạng này còn được gọi là không dung nạp lactose.
Việc không dung nạp lactose cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ bị tiêu chảy khi uống sữa bột.
Muốn biết bé có mắc phải triệu chứng này hay không, mẹ có thể phân biệt dựa vào những điểm sau:
Khứu giác: Mẹ có thể ngửi thấy mùi chua trong miệng trẻ.
Lắng nghe: Lắng nghe dạ dày của trẻ xem có tiếng ọc ọc trong ruột hay không, hoặc lắng nghe tiếng xì hơi của trẻ.
Quan sát: Cần chú ý xemcó bọt sữa trong phân của trẻ hay không, xem phân của trẻ có dạng nước và giống trứng hoặc có bọt khí trong phân của trẻ hay không.
Nếu mẹ nhận thấy trẻ có bất kỳ biểu hiện nào ở trên, có nghĩa là trẻ đã không dung nạp lactose ở mức độ nhẹ, còn nếu đạt từ ba trở lên là trẻ không dung nạp lactose từ trung bình đến nặng.
Nhằm giúp bố mẹ hiểu hơn về vấn đề này, Th.S Đặng Ngọc Hùng, Chuyên gia dinh dưỡng, Giảng viên thỉnh giảng Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur đã có những chia sẻ hữu ích, bố mẹ có thể tham khảo có phương cách giảm thiểu tình trạng trẻ bị tiêu chảy khi uống sữa bột.
Th.S Đặng Ngọc Hùng, Chuyên gia dinh dưỡng, Giảng viên thỉnh giảng Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur.
Thưa chuyên giam nguyên nhân nào khiến trẻ dễ bị tiêu chảy khi uống sữa bột?
Trẻ dưới 2 tuổi được khuyến nghị nên bú sữa mẹ thay vì sữa công thức. Ai cũng biết sữa mẹ có nhiều vai trò quan trọng đối với trẻ nhưng không phải ai cũng đủ khả năng nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ đến lúc 2 tuổi.
Có một số trường hợp bất khả kháng trẻ phải bú thêm sữa công thức. Lúc này, tình trạng tiêu chảy xảy ra mà phụ huynh khó có thể nhận biết rằng đây có phải là do sữa công thức gây ra hay không.
Ngoài các nguyên nhân đã nêu ở trên, các nguyên nhân sau đây cũng có thể gây tiêu chảy cho trẻ em khi sử dụng sữa công thức:
Do nhiễm trùng, nhiễm virus: trên 6 tháng tuổi trẻ còn phải ăn dặm bên cạnh chế độ sữa. Vì vậy, thức ăn có thể gây ra nhiễm trùng nếu được cung cấp từ các nguồn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc thức ăn để lâu ở nhiệt độ bên ngoài dễ sinh ôi thiu, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Kể cả nguồn nước nấu ăn hoặc pha sữa, dụng cụ pha sữa đều có thể là nguồn chứa các vi khuẩn gây ra bệnh truyền nhiễm nếu không được vệ sinh cẩn thận.
Các tác nhân vi sinh vật thường gây tiêu chảy trẻ em: Rota virus, Shigella, Campylobacter, Salmonella, vi khuẩn tả,…
Do dị ứng: Dị ứng đạm sữa bò là một trong những nguyên nhân gây ra tiêu chảy ở trẻ em. Tình trạng dị ứng sẽ cải thiện khi trẻ được 4- 5 tuổi. Dị ứng đạm sữa bò đòi hỏi trẻ phải có chế độ sữa thủy phân hoàn toàn và chế độ ăn loại bỏ chất đạm từ bò phòng tránh các biến chứng nguy hiểm do dị ứng gây ra.
Bất dung nạp sữa bò: Nguyên nhân tiêu chảy có thể gặp ở trẻ là bất dung nạp đường lactose trong sữa. Khác với dị ứng sữa, bất dung nạp lactose là do trẻ thiếu đi loại men tiêu hóa đường lactose trong sữa làm trẻ xuất hiện tình tiêu chảy kéo dài sau khi uống sữa. Để khắc phục tình trạng này, trẻ cần phải sử dụng loại sữa công thức không có đường lactose.
Do rối loạn đường ruột:
+ Đổi sữa: khi đang sử dụng một loại sữa bột ổn định và đổi sang một loại sữa khác là nguyên nhân chủ yếu khiến cho hệ vi sinh đường ruột bị rối loạn do đã thích nghi với loại sữa trước đó.
Phụ huynh không nên đổi sữa cho con liên tục. Khi muốn đổi sang một loại sữa khác buộc phải thay đổi từ từ và theo dõi các triệu chứng tiêu hóa thường xuyên. Tránh thay đổi đột ngột làm trẻ không kịp thích nghi.
+ Sữa năng lượng cao: Các loại thức uống nhiều năng lượng (nước ngọt, nước đường) hút nhiều nước vào lòng mạch, làm tăng khối lượng nước trong phân, khiến phân loãng và đi ngoài nhiều hơn bình thường.
Thuốc đang sử dụng: Các loại thuốc kháng sinh làm rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột, giết chết các vi khuẩn có lợi trong quá trình tiêu hóa và chuyển hóa các chất dinh dưỡng. Rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tiêu chảy.
Môi trường sống và vệ sinh nhà cửa: Môi trường sống ẩn chứa nhiều mầm bệnh và vi khuẩn, đặc biệt là môi trường sống không được vệ sinh thường xuyên. Bên cạnh đó, trẻ nhỏ thường hay bỏ đồ chơi vào miệng ngậm. Nếu đồ chơi không được rửa sạch định kỳ thì trẻ rất dễ nhiễm bệnh.
Vậy bố mẹ nên làm gì nếu trẻ bị tiêu chảy khi uống sữa bột?
Như đã trình bày phía trên, trẻ tiêu chảy khi uống sữa bột có nhiều nguyên nhân kể cả do loại sữa đang uống và kể cả các nguyên nhân không phải do sữa bột gây ra.
Trẻ tiêu chảy thì các bậc phụ huynh cần phải chú ý tìm thêm các nguyên nhân chính xác để giải quyết kịp thời. Khi đã xác định tiêu chảy do sữa bột gây ra, điều quan trọng hàng đầu là phải đảm bảo trẻ không bị mất nước cũng như thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết.
Pha dung dịch oresol để đảm bảo trẻ không bị mất nước khi bị tiêu chảy. Dung dịch được bù thêm sau mỗi lần đi ngoài hoặc nôn ói.
Cho trẻ uống từ từ với lượng 50ml sau mỗi lần đi ngoài đối với trẻ dưới 2 tuổi; 100-200 ml với trẻ 2-10 tuổi và theo nhu cầu với trẻ lớn hơn. Không nên cho trẻ ăn uống kiêng khem trong giai đoạn tiêu chảy vì dễ dàng làm cho trẻ bị suy dinh dưỡng, suy kiệt vì thiếu dinh dưỡng.
Tiếp tục bú sữa mẹ hoặc sữa công thức đối với trẻ dưới 6 tháng. Trẻ trên 6 tháng tăng cường các cữ bột và chia thành nhiều bữa ăn trong ngày. Chú ý các loại thực phẩm chứa nhiều kẽm hỗ trợ cho tình trạng tiêu chảy như: hải sản, hàu, sò, các loại thịt, tim gà, tim heo, hạt điều,…
Giai đoạn trẻ đang bị tiêu chảy, không nên sử dụng quá nhiều chất xơ từ các loại rau. Hạn chế cho bé ăn các món chiên, xào cũng như các loại nước ngọt, bánh kẹo ngọt.
Đối với loại sữa bột trẻ đang sử dụng, nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài trên 2 tuần kèm theo trẻ không tăng cân, trẻ khó chịu quấy khóc thường xuyên thì nên đổi sang loại sữa khác.
Nhưng trước hết, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi khám để xác định nguyên nhân tiêu chảy có phải do dị ứng đạm sữa hay bất dung nạp lactose để có thể lựa chọn loại sữa phù hợp tình trạng của bé.
Thông thường đối với trẻ dị ứng đạm sữa bò sẽ kèm thêm các triệu chứng dị ứng ở da và đường hô hấp như: nổi mẩn đỏ ở da, phù nề mí mắt, môi, khò khè kéo dài, khó thở có thể xảy ra nếu dị ứng nặng,…
Khi sử dụng sữa công thức cho trẻ cần phải lựa chọn nhà sản xuất uy tín, chất lượng sữa phải phù hợp độ tuổi trẻ, và công thức phải phù hợp với tình trạng sức khỏe hiện tại. Mới bắt đầu sử dụng hoặc đổi sang loại sữa khác phải cho trẻ thử trước với lượng ít và tăng dần lên.
Không nên đổi sữa một cách đột ngột hệ tiêu hóa trẻ chưa hoàn thiện sẽ chưa kịp thích nghi. Trẻ em tiêu chảy khi uống sữa bột thì nguyên nhân có thể là do sữa bột hoặc không. Phụ huynh cần xem xét tổng thể các nguyên nhân trước khi đổi sang một loại sữa khác cho trẻ.
Ngoài việc chỉ tập trung vào sữa, nên dự phòng tiêu chảy ở trẻ do những nguyên nhân khác cũng quan trọng không kém là: chủng ngừa rota virus, tả, giữ gìn vệ sinh nhà cửa cũng như sử dụng thức ăn và nguồn nước sạch.
[yeni-source src=”https://arttimes.vn/gia-dinh/tai-sao-be-bi-tieu-chay-khi-uong-sua-bot-chuyen-gia-chi-ngay-cach-khac-phuc-c59a6034.html” alt_src=”https://eva.vn/nuoi-con-khoe-day-con-khon/tai-sao-be-bi-tieu-chay-khi-uong-sua-bot-chuyen-gia-chi-ngay-cach-khac-phuc-c429a521946.html” name=””]