Nhiều loại chất liệu mới ra đời đã và đang định hình tương lai của ngành thời trang.
Chất liệu đang đóng vai trò hàng đầu trong nỗ lực cắt giảm một nửa lượng khí thải của ngành công nghiệp thời trang vào năm 2030 |
Tốc độ đổi mới trong lĩnh vực chất liệu của ngành thời trang thật đáng kinh ngạc. Cùng với sự phát triển của công nghệ và khuynh hướng phát triển bền vững tất yếu, nhiều loại chất liệu mới ra đời đã và đang định hình tương lai của ngành thời trang: xanh hơn, đạo đức hơn.
Chất liệu đang đóng vai trò hàng đầu trong nỗ lực cắt giảm một nửa lượng khí thải của ngành công nghiệp thời trang vào năm 2030.
Vật liệu thuần sinh học
Tại Future Fabrics Expo với chủ đề đa dạng hóa nguồn nguyên liệu sợi dệt diễn ra ở London (Anh) vào tháng Sáu vừa qua, ngành thời trang một lần nữa chứng kiến sự xuất hiện của nhiều loại chất liệu mới, bao gồm các sự lựa chọn không có hoặc ít nhựa hay các loại da được làm từ phụ phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, vỏ cam, tảo, nấm… đều được sử dụng để tạo ra các loại vải thay thế.
Tại đây, nhà sản xuất Marenzi giới thiệu Hide Biotech, một sản phẩm thay thế da bằng vật liệu sinh học protein được thiết kế từ collagen. Sản phẩm Mirum của hãng Natural Fiber Welding có nguồn gốc sinh học và không chứa nhựa. Da dứa đã xuất hiện trong các bộ sưu tập của Hugo Boss, Chanel và H&M. Da từ rượu vang được tạo ra nhằm thay thế da bò tại Ganni, Gucci cũng đã tung ra loại da thuần chay của hãng.
Năm nay, sự chú ý của giới thời trang nhằm vào công nghệ mới do Frumat phát triển, cho phép sử dụng xơ táo để tạo ra các vật liệu bền vững và có thể phân hủy. Thương hiệu này sử dụng vỏ táo để tạo nên chất liệu da thuần chay, rất bền và sang trọng. Hơn nữa, loại da táo thuần chay này có thể nhuộm và thuộc da mà không có hóa chất độc hại.
Matt Scullin – CEO Công ty Công nghệ sinh học MycoWorks (Anh) – và các cộng sự đã phát minh ra phương pháp thu hoạch thể sợi (mycelium) – phần sinh dưỡng của nấm, cho phép can thiệp vào quá trình phát triển tự nhiên của cây nấm để “thao túng” trật tự tế bào, từ đó tạo ra lớp bề mặt có độ dẻo dai và độ bền vượt trội. Thành tựu này thu hút các nhà mốt xa xỉ khi nó trao cho các “ông lớn” của làng thời trang quyền kiểm soát chất lượng nguyên vật liệu.
Triển lãm Future Fabrics Expo luôn thu hút rất nhiều sự chú ý từ giới yêu thời trang và đặc biệt quan tâm đến môi trường |
Cũng là một nhà khởi nghiệp đang cố gắng định nghĩa lại tương lai của chất liệu, Evolved by Nature tạo ra nhiều chất liệu may mặc bằng tơ tằm. Phát minh tơ hoạt tính của công ty sử dụng protein trong tơ tằm tự nhiên để mô phỏng cấu trúc và đặc tính liên kết tạo ra các loại vải khác nhau. Vải da bằng tơ hoạt tính có tính ứng dụng và khả năng phân hủy cao, vải chuyên dụng cho đồ thể thao dẻo dai và có khả năng tái chế. Bởi thế, Chanel đã không tiếc tiền rót vốn đầu tư cho Evolved by Nature.
Trong khi đó, Algiknit trình làng công nghệ sản xuất hàng dệt và sợi từ tảo bẹ. Loại “vải” này hoàn toàn có thể phân hủy sinh học và nhuộm bằng các màu tự nhiên trong một chu trình khép kín mà không tốn quá nhiều nước thải hay gây hại đến môi trường.
Flocus đã tạo ra công nghệ mới nhằm chiết xuất sợi tự nhiên, sợi trám và vải từ sợi cây kim tiền. Đây là loại cây mọc tự nhiên, không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng. Hơn nữa, nó được tìm thấy trong đất khô cằn không thích hợp cho canh tác nông nghiệp, cung cấp giải pháp thay thế bền vững cho các loại cây lấy sợi tự nhiên tiêu thụ nhiều nước như bông.
Người đẹp Hương Ly trong chiếc váy làm từ giấm ăn của nhà thiết kế Trần Hùng |
Tại Việt Nam, mới đây, trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2022, người đẹp Hương Ly đã gây sốt khi xuất hiện trong chiếc váy lộng lẫy được làm từ giấm ăn. Sáu tháng trước vòng bán kết, nhà thiết kế Trần Hùng bắt đầu nuôi cấy Scoby bằng hình thức cộng sinh của vi khuẩn và nấm men.
Scoby có thể sử dụng làm chất liệu thay cho da động vật vì rất dai nên không sợ bị rách. Khi lớp màng giấm ăn đủ dày, Trần Hùng mang đi ép khô thành một loại vải da có thể phân hủy trong điều kiện tự nhiên.
Bộ váy gây sốt không chỉ ở thiết kế đẹp mắt mà còn góp phần rất lớn vào ý tưởng phát triển thời trang bền vững ở khía cạnh tìm tòi chất liệu mới. Đây mới chỉ là bước đầu. Để loại vải giấm ăn đi vào đời sống vẫn cần rất nhiều nỗ lực nghiên cứu và phát triển nhằm giảm chi phí sản xuất.
Vải tổng hợp tái chế, thuốc nhuộm tự nhiên, kim tuyến thuần sinh học
BlockTexx và Evrnu phát triển các quy trình để tái chế sợi từ vải pha trộn dù các loại sợi tái chế này chưa được phổ biến rộng rãi. Thông qua công nghệ độc quyền, BlockTexx tách xenlulo (có trong bông và vải lanh) và polyester khỏi chất thải dệt và quần áo để tái chế. Evrnu phát triển một loại vải được làm hoàn toàn từ chất thải dệt may và quần áo cũ. Ngoài ra, chất thải xơ bông còn được ủ để trở thành phân bón cho một vụ bông mới.
Điều tương tự cũng có thể xảy ra với sợi tự nhiên từ quần áo cũ sau khi đã loại bỏ thuốc nhuộm và hóa chất có khả năng gây độc.
Thuốc nhuộm tự nhiên cũng được nhắc đến với những sản phẩm được phát triển từ tảo hoặc vi khuẩn. Colorifix và Living Ink là hai sản phẩm trong số đó. Scarlett Yang, tốt nghiệp trường Central Saint Martins, đã lập nên công ty khởi nghiệp sử dụng chiết xuất tảo và kén tơ tằm tạo ra vật liệu trong suốt như thủy tinh, có thể nhuộm đủ màu và phân hủy trong nước trong vòng 24 giờ, dùng sản xuất các loại phụ kiện may mặc. Nhà thiết kế vật liệu Cassie Quinn khám phá tiềm năng của cây lanh Ailen, biến các hạt nhựa ô nhiễm từ nước thải thành kim sa trang trí cho quần áo và có thể phân hủy sinh học.
Thuốc nhuộm tự nhiên từ tảo hoặc vi khuẩn đang được quan tâm |
BioGlitz là công ty đầu tiên trên thế giới sản xuất kim tuyến có thể phân hủy sinh học dựa trên một công thức độc đáo chiết xuất từ cây bạch đàn. Cải tiến thời trang này khá tuyệt vời vì nó cho phép tiêu thụ các sản phẩm kim tuyến mà không gây hại cho môi trường.
Một giải pháp tiên phong khác đến từ Mango Materials – công ty sáng tạo sản xuất polyester dạng mới có thể phân hủy sinh học trong nhiều môi trường. Hơn nữa, vật liệu này có thể ngăn ngừa ô nhiễm vi sợi, góp phần xây dựng ngành công nghiệp thời trang bền vững.
Cuộc cách mạng vật liệu còn len lỏi vào từng công đoạn của chuỗi sản xuất. Evrnu đã hồi sinh hàng chục triệu tấn chất thải dệt may mỗi năm. Công nghệ đột phá của Evrnu biến những phế phẩm may mặc thành sợi nguyên sinh có chất lượng ngang bằng hoặc cao hơn cả nguyên bản ban đầu. Thậm chí, chúng vẫn có thể được tiếp tục tái chế nhiều lần.
Công ty trên đã bắt tay với các thương hiệu Stella McCartney, adidas, Levi’s, Target hướng đến mục tiêu tái sinh thành công tất cả các mặt hàng dệt may vào năm 2030. Điều này sẽ thực sự tạo nên sự thay đổi ở sân chơi thời trang vì hiện tại, 85% quần áo không sử dụng vẫn được xử lý ở các bãi chôn lấp hoặc lò đốt.
Nhã Ca
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/vat-lieu-moi-dinh-hinh-tuong-lai-nganh-thoi-trang-a1468282.html” name=””]