Càng ngày càng nhiều trường hợp hành khách bất chấp an ninh sân bay để bất chấp “đu” theo các trào lưu trên mạng…
Từ đầu năm nay, nhiều trào lưu được thực hiện ở sân bay rồi chia sẻ lên TikTok đã gây ra vô số tranh cãi trên mạng xã hội. Đa phần vì những trào lưu có phần độc hại này có thể đe doạ đến an toàn của người thực hiện và nghiêm trọng hơn là an toàn của cả chuyến bay. Đáng nói, đó lại là những trào lưu nhằm mục đích “sống ảo” của một bộ phận giới trẻ và còn đang lan truyền từ người này đến người khác mà không phải ai cũng biết rằng hành động của mình có thể bị xem xét xử phạt hành chính, thậm chí còn bị cấm bay.
Hàng loạt video “sống ảo” liên tục xuất hiện ở sân bay
Hai trào lưu “phản cảm” ảnh hưởng đến an toàn bay gây tranh cãi gần đây chính là trào lưu đặt điện thoại lên cửa sổ máy bay ghi lại cảnh bầu trời và đáng trách hơn là liên tiếp diễn ra các trường hợp hành khách quay clip ngay trong khu vực cần tránh xa như sân đỗ tàu bay.
Trên nền tảng TikTok, nhiều người rất hứng thú với việc ghi lại cảnh máy bay cất/hạ cánh từ bên trong cửa sổ, thậm chí là ghi lại hình ảnh bầu trời trong cả chuyến bay. Cách làm này được hưởng ứng và loan toả bởi các TikToker nổi tiếng, trong số đó có tài khoản triệu người theo dõi.
Sau loạt video này, nhiều người tự hỏi những hành động này có thật sự gây ảnh hưởng đến an toàn bay không mà nhiều người lại ngang nhiên thực hiện như thế?
Nguy hiểm tiềm ẩn trong những trào lưu tại sân bay
Với hành động lấy điện thoại và hạ màn che cửa sổ để quay time-lapse lại cảnh máy bay cất/hạ cánh. Đó là việc làm vô cùng nguy hiểm, đe doạ an toàn của cả chuyến bay vì việc quay phim trên chuyến bay, đặc biệt là quay liên tục nhiều tiếng để làm thành một video time-lapse sẽ khiến điện thoại bị nóng, cùng với ánh mặt trời sẽ khiến điện thoại có nguy cơ cháy nổ. Thêm một thông tin đáng lưu ý chính là trong chuyến bay hành khách phải tắt điện thoại hoặc chuyển sang chế độ bay để đảm bảo an toàn.
Còn về hành động du khách quay video hay chụp hình tại các vị trí đỗ máy bay thật ra cũng rất nguy hiểm. Tuy chưa chạm tới vạch đỏ giới hạn (nếu chạm tới thì sẽ có án phạt rất nặng nề và ảnh hưởng trực tiếp với những người đang công tác tại khu vực đó) nhưng vì lực hút của động cơ máy bay vô cùng lớn nên có người tiến gần nó sẽ nguy hiểm. Chỉ cần một vật dụng nhỏ bị hút vào động cơ này cũng gây hư hỏng và đe dọa đến an toàn của những hành khách khác.
“Nằm lòng” các nguyên tắc an toàn khi bay
Không được tự ý hạ/mở tấm che cửa sổ
Theo quy định an toàn hàng không, tấm che cửa sổ bắt buộc phải mở liên tục trong thời gian cất cánh và hạ cánh. Quy định này là có trong tất cả chuyến bay thương mại tại nhiều quốc gia và việc mở màn cửa sổ máy bay khi cất hạ cánh là bắt buộc bởi những lý do như sau:
– Các hành khách luôn được yêu cầu mở màn cửa sổ trước khi cất và hạ cánh vì đây được coi là thời điểm quan trọng và hầu hết các tai nạn hàng không đều xảy ra trong giai đoạn này.
– Trong trường hợp khẩn cấp, phi hành đoàn khi xem tình hình bên ngoài cửa sổ để quyết định ngay bên nào của máy bay là an toàn nhất để sử dụng cửa thoát hiểm.
– Vào ban đêm, tấm màn cửa sổ được mở giúp cho nhân viên cứu hộ dưới mặt đất dễ dàng quan sát những gì xảy ra bên trong.
Ảnh: Soha
Tắt điện thoại hoặc bật chế độ máy bay khi lên máy bay
Hành khách đi máy bay sẽ nghe các tiếp viên hàng không yêu cầu tắt điện thoại trước thời gian máy bay cất cánh. Vì nếu không tắt điện thoại hoặc không để chế độ máy bay thì chiếc điện thoại sẽ liên tục làm nhiễu sóng của các thiết bị kiểm soát, liên lạc của phi công.
Đặc biệt, theo nghị định 162 của Chính phủ, người sử dụng thiết bị điện tử, thiết bị thu phát sóng trên tàu bay khi không được phép sẽ bị xử phạt hành chính.
Nghiêm cấm hành vi tự ý di chuyển trên đường cất, hạ cánh, sân đỗ
Theo Quy định an toàn khu bay của Cục Hàng không quy định nghiêm cấm người, phương tiện không có nhiệm vụ tiếp cận tàu bay, trang thiết bị, phương tiện mặt đất và di chuyển trên đường cất, hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay. Người và phương tiện khi tham gia hoạt động trên đường băng phải luôn được sự đồng ý của kiểm soát viên không lưu và phải giữ khoảng cách an toàn tối thiểu là 125m phía sau và 200m phía trước một máy bay đang lăn cánh.
Tuy nhiên, một một người vẫn không màng nguy hiểm mà vi phạm những điều trên sẽ được xử lý và áp dụng các biện pháp mạnh như xử phạt hành chính hoặc nghiêm trọng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thế nên, để đảm bảo an toàn cho chính mình lẫn không gây ảnh hưởng đến những người xung quanh thì các du khách hãy tuân thủ các quy định cần thiết để có một chuyến bay thật vui vẻ nhé!
Lưu ý, các trường hợp vì “sống ảo” mà vi phạm an ninh hàng không sẽ bị cấm bay:
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các cảng hàng không phải có biện pháp thông tin phù hợp cho hành khách tại cảng hàng không để hành khách hiểu rõ các quy định về an toàn, an ninh hàng không, tạo nên văn hóa an toàn hàng không.
Cục Hàng không Việt Nam giao trách nhiệm các Cảng vụ hàng không và các Phòng, Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam kịp thời, cương quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm an toàn hàng không, an ninh hàng không; lập danh sách các hành khách gây rối báo cáo Cục Hàng không Việt Nam xem xét cấm vận chuyển bằng đường hàng không.
Cùng với đó, kịp thời hướng dẫn cho các Cảng vụ hàng không và các đơn vị khi cần thiết, bảo đảm hiệu quả của việc xử lý.
Theo VOV Giao thông
Nguồn: Tổng hợp
[yeni-source src=”http://ttvn.toquoc.vn/” alt_src=”https://kenh14.vn/dung-vi-song-ao-ma-vi-pham-an-ninh-hang-khong-hay-ghi-nho-nhung-quy-dinh-nay-de-khong-bi-cam-bay-20220718232020516.chn” name=”Trí Thức Trẻ”]